- Chủ đề Author
- #1
Hơn bao giờ hết nhân loại đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3, khi mà cuộc xâm lược của Nga với Ucraina, cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas chưa có hồi kết thì mới đây nhất, cả thế giới "đứng tim" hồi hộp theo dõi tin tức về sự kiện Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa vào lãnh thổ Israel, chưa kể những chảo lửa lúc nào cũng có thể bùng nổ như xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, giữa Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên v.v.v
Nguồn Ảnh: REUTERS
Dù muốn hay không, chúng ta đều phải khẳng định rằng chưa khi nào thế giới im tiếng súng đạn, đó có lẽ là một thực trạng mà con người phải đối mặt.
Những thời khắc bên bờ cuộc thế chiến như bây giờ, chúng ta mới thấy giá trị và tầm quan trọng của học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo đối với nhân loại.
Theo Giáo hội nguồn gốc của "nhiều cuộc chiến tranh xảy ra vì mối hận thù lâu dài giữa các dân tộc, vì những ý thức hệ, hoặc vì lòng thèm khát quyền lực và giàu sang của cá nhân hoặc của các nhóm người" (DOCAT #284).
Theo đó, Giáo hội có thái độ rất rõ ràng về chiến tranh "Chiến tranh là sự thất bại tồi tệ nhất và nghiêm trọng nhất của hoà bình. Do đó, Giáo Hội luôn lên án “sự tàn bạo của chiến tranh” (x.Công đồng Vaticanô II, GS 77 và GLCG 2307-2317). “Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai hoạ và những bất công, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể một cách hữu lý, để tránh chiến tranh” (GLCG2327).
"Bạo lực thường được gây ra bởi những lời dối trá và bất công" do đó, để giải quyết tận gốc chiến tranh, Giáo hội chủ trương "ngăn ngừa chiến tranh lâu dài khi các xã hội tự do được hình thành, trong đó các điều kiện công bằng trở nên phổ biến và mọi người đều có triển vọng phát triển. Viện trợ phát triển hợp lý cũng giúp tránh chiến tranh."
Nguồn Ảnh: THX/TTXVN
Thế giới có thể sẽ xảy ra cuộc chiến lần thứ 3, bởi ngày nay nhiều nhà cầm quyền " thèm khát quyền lực và giàu sang của cá nhân hoặc của các nhóm người" hơn là vì lợi ích của toàn thể nhân loại, đứng trước những thách đố này, là người Công giáo chúng ta không chỉ Cầu nguyện cho hòa bình thế giới, mà còn lãnh phần trách nhiệm, lan tỏa những giá trị nhân văn của học thuyết xã hội Công giáo tới đông đảo mọi người, vì học thuyết này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tha thứ, hòa giải và hòa bình sau chiến tranh. Giáo hội kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng, nơi mọi người đều được tôn trọng và phẩm giá của họ được bảo vệ.
Phải làm gì?
Giáo Hội có thái độ nào đối với chiến tranh?
Chiến tranh là sự thất bại tồi tệ nhất và nghiêm trọng nhất của hoà bình. Do đó, Giáo Hội luôn lên án “sự tàn bạo của chiến tranh” (x.Công đồng Vaticanô II, GS 77 và GLCG 2307-2317). “Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai hoạ và những bất công, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể một cách hữu lý, để tránh chiến tranh” (GLCG 2327). Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hoà, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng” (GS 79, GLCG 2308). Chiến tranh luôn luôn là một “thất bại cho nhân loại” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, 13 tháng 1, 2003).