Hành vi của ai đó khi đập nát đầu tượng và cánh tay Hài nhi Giêsu trên tay Đức Mẹ Sao Biển, Đà nẵng tối hôm 26/12/2024, trong bầu khí hân hoan vui mừng của ngày lẽ Giáng sinh đã làm người Công giáo chưng hửng và phẫn nộ. Nhiều người kêu gọi sự tha thứ dành cho những kẻ vốn, “không biết việc mình làm”, nhiều người khác coi đó là một sự xúc phạm nặng nề đến tâm tình tôn giáo, nhằm chia rẽ tôn giáo, nhiều người khác nữa đặt câu hỏi, giả như kẻ đã xúc phạm tượng thánh đó cũng có hành vi tương tự với các anh hùng, danh nhân của dân tộc thì… chính quyền xử lý thế nào?
Hàng ngày, trong tất cả mọi sự kiện, mọi biến cố lớn nhỏ xảy ra, người dân Việt hình như bị dẫn dắt, định hướng một cách khéo léo và tinh vi, để nhấn chìm họ trong một biển người vô danh, suy nghĩ và hành xử theo cảm tính, bởi những thế lực vô thức. Vì thế, dễ thấy hôm nay, người ta đánh mất nhân tính và sự chính trực, đánh mất lòng tự trọng và khả năng yêu thương, cũng như khả năng chọn lựa điều hay, lẽ phải của mình, để chạy theo những lợi lộc thấp hèn, những xu hướng kích thích bản năng.
Khi xã hội được cấu thành bởi những con người “đáng ghê sợ” ấy, xã hội đó không còn được liên kết với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng phẩm giá của nhau, mà chỉ được nối kết bởi một sự cao ngạo và bạo lực, thì thứ xã hội trong đó họ đang sống, sẽ mau chóng trở nên đồi bại, thối rữa bởi sự hèn hạ, căm phẫn và hận thù.
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã khẳng định: “ Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa là một xã hội phi nhân.” (Caritas in Veritatae, số 78). Khi người ta từ chối chân lý ắt sinh ra bạo lực.
Tượng Hài nhi bị đập mất phần đầu và tay trái
Có lẽ bao thế hệ người dân Việt đã sống, đã hít thở, đã thẩm thấu vào trong tâm hồn mình sự dối trá, bạo lực và thù hận, đã mặc định sự hiện diện bình thường của chúng, để tồn tại và khủng khiếp hơn, trở nên sự dối trá, bạo lực và thù hận chụp lên đầu những ai có sự khác biệt về quan điểm, dân tộc, tôn giáo, thậm chí cả ý thích, phong cách sống…
Chẳng có cơ sở nào dựa vào để lên án những kẻ vô nhân tính đó là vô thần, là duy vật, nhưng chính hành vi đập phá tượng thánh đã cho thấy và nói lên tất cả những gì thâm sâu, ẩn chứa trong con người ấy, bất chấp cả những các giá trị tôn giáo, thì nhân phẩm và lương tâm đã bị vứt bỏ không thương tiếc.
Những chuẩn mực luân lý và đạo đức của dân tộc từng là nền tảng cho văn hoá truyền thống và tự do tín ngưỡng của dân Việt đã không được tôn trọng và gìn giữ. Vì thế ngày càng hiếm nghe tiếng nói của sự thật và sự thiện, của công lý và công bình, hay nói khác đi, tiếng nói của sự thật và sự thiện, của công lý và công bình đã bị đập tan, vỡ vụn.
Tượng Chịu Nạn bị đập tại Đan viện Thiên An - Huế
Triết học nói rất đúng khi bảo con người có “xã hội tính”, nhưng điều đó không phải là lý do để các chính thể biện hộ cho việc, biến con người thành một bánh xe trong một guồng máy chuyên chế, độc tài.
Một xã hội xứng đáng với tên gọi của mình phải được cấu thành không phải từ những con số hay những đơn vị, nhưng bởi những nhân vị. Việc trở thành một nhân vị bao hàm trách nhiệm và tự do với ý thức về sự chính trực cá nhân, ý thức về thực tại riêng tư cũng như khả năng của mỗi người để trao ban chính mình cho xã hội - hay để từ chối. Albert Schxweizer nói rằng: “Làm người có nghĩa là không bao giờ để cho bản thân mình bị bất cứ ai khác sử dụng như một phương tiện để đạt một mục đích nào đó” (Docat, tr.65)
Cái xã hội phi nhân và vô luân mà chúng ta đang sống ngày một lan rộng và hoa quả của cái ác là sự huỷ diệt ấy ngày càng phổ biến hơn, trong bóng cánh của loài quỷ dữ đang ám ảnh và gây hại cho xã hội Việt Nam, và đáng buồn thay, còn ám trong tâm hồn và tâm trí rất nhiều người, vẫn còn nô lệ cho những hành động vô thức, vẫn háo hức tìm kiếm những thú vui thuộc bản năng, hài lòng với sự no đủ dư dật.
Những người ấy chỉ tồn tại như những những chi tiết của một cỗ máy, đánh mất tính cá vị và sự chính trực đúng đắn của mình trong tư cách là những nhân vị.