Thành viên
- Tham gia
- 20/5/25
- Bài viết
- 4
- Chủ đề Author
- #1
Đức Giáo hoàng Lêô XIV tiếp đón các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. (@Vatican Media)
HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV GỬI CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO
Sảnh đường Clêmentinô
Thứ Năm, ngày 22 tháng Năm, năm 2025
Anh em Hồng y đáng kính,
Quý Đức Cha, quý Tổng Thư ký, quý Giám đốc Quốc gia và toàn thể anh chị em thân mến thuộc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo,
Tôi hân hoan chào đón tất cả anh chị em, những người đã quy tụ về đây từ hơn 120 quốc gia trên thế giới để tham dự Đại hội thường niên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với anh chị em cùng toàn thể cộng tác viên vì sự phục vụ quảng đại và âm thầm của anh chị em trong sứ mạng loan báo Tin Mừng – một sứ mạng mà tôi cũng từng được cảm nghiệm cách sâu sắc trong thời gian phục vụ tại Peru.
Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo chính là “phương thế đầu tiên” để khơi dậy tinh thần truyền giáo nơi mọi người đã chịu phép Rửa và để nâng đỡ các cộng đoàn Hội Thánh tại những miền đất mà Hội Thánh còn non trẻ (x. Ad Gentes, 38). Chúng ta thấy điều này nơi Hội Truyền bá Đức Tin, vốn hỗ trợ các chương trình mục vụ và giáo lý, việc xây dựng nhà thờ, chăm sóc y tế và giáo dục tại các vùng truyền giáo. Hội Thánh Nhi (Hội Nhi đồng Truyền giáo) cũng góp phần trong việc đào tạo đức tin cho trẻ em, đồng thời bảo vệ và chăm sóc những nhu cầu căn bản của các em. Hội Thánh Phêrô Tông đồ giúp cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ, trong khi Hiệp hội Truyền giáo tiếp tục dấn thân vào việc đào tạo linh mục, tu sĩ và toàn thể Dân Chúa cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
Công cuộc canh tân Hội Thánh, như Công đồng Vaticanô II đã mời gọi, luôn đòi hỏi phải khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm Tông đồ nơi toàn thể Dân Chúa – điều càng trở nên cấp thiết hơn trong thời đại hôm nay. Thế giới hôm nay, đang rướm máu vì chiến tranh, bạo lực và bất công, cần được nghe lời loan báo tình yêu Thiên Chúa và được chạm đến bởi sức mạnh hoà giải của ân sủng Đức Kitô. Vì thế, Hội Thánh – nơi mọi thành phần – được mời gọi trở nên “Hội Thánh truyền giáo, mở rộng vòng tay đón nhận thế giới, loan báo Lời Chúa,.. để trở nên men hoà hợp giữa lòng nhân loại” (Bài giảng Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô, 18.5.2025). Chúng ta được sai đi đến với muôn dân, đến với mọi thụ tạo, để loan báo Tin Mừng hoà bình đích thực và bền vững – thứ hoà bình mà, như Đức Phanxicô đã nói, “Chúa đã mang lại cho nhân loại khi đổ máu mình trên thập giá” (Evangelii Gaudium, 229).
Chính vì vậy, cần phải khơi lên nơi mọi Kitô hữu ý thức khẩn thiết về sứ mạng truyền giáo và lòng thao thức mang Đức Kitô đến với mọi người. Trong tinh thần ấy, tôi cảm ơn anh chị em vì nỗ lực tổ chức Ngày Thế giới Truyền giáo vào Chúa nhật áp chót tháng Mười mỗi năm – một sáng kiến mang lại sự trợ giúp quý báu trong sứ mạng chăm lo cho các Giáo hội còn non trẻ đang thuộc quyền chăm sóc của Bộ Loan báo Tin Mừng.
Hôm nay cũng như sau ngày lễ Hiện Xuống, Hội Thánh – dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – tiếp tục tiến bước giữa lòng lịch sử với niềm tín thác, niềm vui và lòng can đảm, để không ngừng rao giảng Danh Thánh Giêsu và loan báo ơn cứu độ nhờ đức tin vào sự thật của Tin Mừng. Trong hành trình ấy, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giữ vai trò không thể thay thế được. Khi điều phối công tác đào tạo truyền giáo và khơi dậy tinh thần truyền giáo tại các địa phương, tôi tha thiết mời gọi các Giám đốc Quốc gia hãy dành ưu tiên cho việc đến thăm các giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn, để nhờ đó, giúp các tín hữu nhận ra tầm quan trọng thiết yếu của sứ mạng truyền giáo và sự hiệp thông huynh đệ với những anh chị em đang sống tại các vùng Hội Thánh đang lớn lên từng ngày.
Trước khi kết thúc, tôi muốn cùng anh chị em suy tư về hai chiều kích quan trọng làm nên căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, đó là: hiệp thông và tính phổ quát. Là những Hội hiệp thông cách đặc biệt với sứ mạng của Đức Giáo hoàng và Giám mục đoàn, anh chị em được mời gọi vun đắp nơi các thành viên một cái nhìn về Hội Thánh như là cộng đoàn hiệp thông trong Chúa Thánh Thần – Đấng dẫn đưa chúng ta vào sự hiệp nhất viên mãn của Ba Ngôi. Chính nơi Ba Ngôi, mọi tạo vật tìm được sự quy tụ trọn vẹn. Chiều kích này cũng là linh đạo tôi luôn mang trong lòng, và được thể hiện qua châm ngôn giám mục và giáo hoàng của tôi: In Illo uno unum – “Trong Đấng Duy Nhất, chúng ta là một.” Trong Đức Kitô, chúng ta là một gia đình, vượt lên trên mọi khác biệt ngôn ngữ, văn hoá và kinh nghiệm sống.
Việc tái khám phá chiều kích hiệp thông ấy tự nhiên sẽ dẫn chúng ta đến tính phổ quát trong sứ mạng loan báo Tin Mừng – điều mời gọi chúng ta vượt ra ngoài ranh giới giáo xứ, giáo phận hay quốc gia, để đến với muôn dân và chia sẻ cho họ gia sản quý giá là Đức Kitô (x. Pl 3,8).
Việc canh tân chiều kích hiệp nhất và phổ quát của Hội Thánh chính là điều phản ánh đúng đặc sủng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Mong sao tiến trình canh tân quy chế mà anh chị em đã khởi sự sẽ giúp củng cố ơn gọi của các Hội là trở nên men truyền giáo nơi lòng Dân Chúa trên toàn thế giới.
Anh chị em thân mến, Năm Thánh này mời gọi tất cả chúng ta trở nên “những người hành hương mang hy vọng”. Mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô – chủ đề của Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay – tôi khích lệ anh chị em: Hãy tiếp tục là những “nhà truyền giáo của niềm hy vọng giữa muôn dân.”
Tôi phó thác anh chị em, các ân nhân cùng tất cả những ai cộng tác trong sứ mạng cao quý này cho sự chuyển cầu từ ái của Mẹ Maria – Mẹ Giáo hội. Và tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như bảo chứng của niềm vui và bình an trường cửu trong Chúa.
Nguồn: vatican.va