Làm ơn trả lại cho Phụng vụ và Lòng đạo đức bình dân đúng với bản chất thánh thiêng và tính uy nghiêm vốn có

5.00 star(s) 1 Vote
  • Chủ đề Author
Hai học giả người Đức có tầm ảnh hưởng lớn trong lãnh vực phụng vụ của thế kỷ XX là Adolf Adam và Winfried Haunerland, trong cuốn giáo trình phụng vụ dành cho các sinh viên thần học tại các chủng viện và trường đại học Công giáo có tựa đề: “Corso di Liturgia” (tạm dịch: Khóa học Phụng vụ), khi bàn về phụng vụ và lòng đạo đức bình dân đã khẳng định: "Nhiệm vụ thường hằng của các vị mục tử là phân định đâu là lúa mì, đâu là vỏ trấu, khám phá lại giá trị cốt lõi trong các biểu hiện của đạo đức bình dân, loại bỏ những lớp vỏ bọc không cần thiết và trình bày lại các tập tục xưa sao cho hấp dẫn nhờ ý nghĩa được tái khám phá."

phailamgi_Làm ơn trả lại cho Phụng vụ và Lòng đạo đức bình dân đúng với bản chất thánh thiêng ...jpg


Nguyên tắc ecclesia semper reformanda – Giáo Hội luôn cần được canh tân, không chỉ áp dụng cho phụng vụ mà càng phải áp dụng cả cho một số cách diễn tả của lòng đạo đức bình dân. Trong đó, cũng cần lưu ý đến điều mà Công đồng Vaticanô II yêu cầu đối với các thực hành đạo đức bình dân và các cử hành thiêng liêng của các Giáo Hội địa phương: “Các thực hành này, tùy theo mùa phụng vụ, phải được sắp xếp sao cho hài hòa với phụng vụ thánh, phát xuất từ phụng vụ và hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu đến với phụng vụ” (Sacrosanctum Concilium 13). (Adolf Adam và Winfried Haunerland, Corso di Liturgia, trang 114-115)

Đức Hồng y Sarah, nguyên Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, khi chứng kiến Giáo Hội quê hương của ngài (châu Phi) thực hành những buổi cử hành không phù hợp với phụng vụ của Giáo Hội hoàn vũ và tinh thần Tin Mừng, ngài đã có những lời cảnh báo và chỉ trích mạnh mẽ. Thiết nghĩ, những lời này của ngài cũng là lời cảnh báo đối với một số nơi trong Giáo Hội Việt Nam. Dù những gì chúng ta đang được chứng kiến chưa hẳn đã diễn ra trong phụng vụ thánh, nhưng chúng được gán cho việc thực hành đạo đức hay lòng đạo đức bình dân. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu đạo đức bình dân mà tách ra khỏi tinh thần của phụng vụ, thì đó không còn là đạo đức bình dân đúng nghĩa nữa.

phailamgi_Làm ơn trả lại cho Phụng vụ và Lòng đạo đức bình dân đúng với bản chất thánh thiêng ...jpg


Sau đây xin trích nguyên văn lời của Đức Hồng y Sarah, như một sự nhắc nhở và cảnh tỉnh những ai đang biến hay nói đúng hơn đang thực hành lối phụng vụ và lòng đạo đức bình dân theo cảm tính riêng và mang sắc thái chiều theo “thị hiếu” của dân chúng hoặc theo trào lưu của thế gian mà quên đi tinh thần, bản chất và ý nghĩa cốt lõi của phụng vụ mà Mẹ Giáo Hội mời gọi:

«Ở châu Phi, trong các buổi cử hành Thánh lễ, chúng ta có xu hướng dễ dàng rơi vào một loại cuồng loạn không kiểm soát. Các nhà thờ của chúng ta đã trở thành những nơi xung đột, vui mừng quá mức và không kiềm chế, với "trật tự thánh thiêng" và cuối cùng là thiếu tôn trọng đối với vinh quang tuyệt đối của Thiên Chúa Ba Ngôi. Những buổi cầu nguyện của chúng ta quá ồn ào. Tai của Thiên Chúa bị quấy rối bởi những bài hát của chúng ta, những tiếng la hét, những cuộc rước và vũ điệu không ngừng, khi chúng ta phải nhớ về cái chết đau đớn và nhục nhã mà Chúa Giêsu đã muốn chịu đựng trên đỉnh thập giá để cứu chuộc chúng ta. Tại sao chúng ta lại trở nên ồn ào như vậy trước mặt Thiên Chúa? Tại sao chúng ta không thể bắt chước lời cầu nguyện, sự im lặng và khiêm nhường kín đáo của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse trong ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth? Chúng ta cần phải cầu xin Chúa một cách kiên trì: «Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện, như Gioan đã dạy các môn đệ của ông» (Lc 11,1). Các buổi cử hành của chúng ta nên giúp chúng ta có được, trong sự im lặng, trái tim tan vỡ vì đau buồn và thống hối, và trên hết là tràn đầy tình yêu, sự ngạc nhiên trước lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như khích lệ nhau.

Những xu hướng sai lệch này đôi khi ẩn mình dưới cái cớ của một sự hòa nhập cần thiết trong cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, các Tông đồ của Giáo Hội sơ khai, những người hiểu rõ các nghi lễ tang lễ và suy tư tôn giáo sâu sắc về cái chết và sự sống sau cái chết trong các truyền thống của Trung Đông, đã không sử dụng những điều này liên quan đến mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu. Cũng vậy, chúng ta cần phải cảnh giác không đưa vào mà không có sự phân định thận trọng những yếu tố chưa được Tin Mừng hóa, vốn thuộc về văn hóa ngoại giáo, vào trong phụng vụ của Giáo Hội. Bằng cách này, chúng ta sẽ tránh được việc đưa vào các sự thái quá và những màn trình diễn dân gian trong việc cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo. Phụng vụ Kitô giáo không phải là một màn trình diễn di sản văn hóa của tổ tiên chúng ta, cũng không phải là sự tôn vinh các quan niệm và biểu hiện tôn giáo đáng khen ngợi của họ, mà là sự cử hành Cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải sửa mình, tìm lại sự tôn trọng, sự vĩ đại và sự ưu tiên mà thánh Biển Đức dành cho phụng vụ khi ngài nói: “Nihil operi Dei praeponatur –Không gì có thể được ưu tiên hơn công trình của Thiên Chúa”. Nền tảng của phụng vụ phải luôn là việc tìm kiếm và tôn vinh Thiên Chúa trong một hình thức xứng đáng với vinh quang của Ngài. Phụng vụ chủ trì mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu chúng ta biến phụng vụ trở thành một công trình của con người, chúng ta sẽ gặp nguy cơ biến Thiên Chúa thành một thần tượng. Trong phụng vụ, chúng ta phải, trước hết, tiếp nhận hành động thần linh, gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang hành động. Theo nghĩa này, «nó không phải là “được làm” bởi những người viên chức. Ngay cả Đức Giáo hoàng cũng chỉ có thể là người tôi tớ khiêm tốn của sự phát triển đúng đắn và sự toàn vẹn, cũng như bản sắc vĩnh cửu của nó» (Giáo Hoàng Biển Đức XVI).

phailamgi_Làm ơn trả lại cho Phụng vụ và Lòng đạo đức bình dân đúng với bản chất thánh thiêng ...jpg


Nếu chúng ta muốn cầu nguyện một cách chân thành và gặp gỡ Thiên Chúa trong sự im lặng, chúng ta phải mặc lấy sự khiêm nhường, sự giản dị và sự im lặng. Chúng ta quá thường xuyên quên rằng để gặp gỡ Cha trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã rút lui vào sự im lặng và cô độc trong sa mạc hoặc trên núi để cầu nguyện (x. Mt 14,23; Mc 6,46; 14,32; Mt 26,39; Mc 14,35; Lc 22,41; Mc 1,35). Giờ đây, Ngài là Thầy của chúng ta. Và cách thức cầu nguyện và gặp gỡ Cha của Ngài phải là hướng dẫn và mẫu mực của chúng ta. Sự im lặng này không loại bỏ niềm vui mà sự hiện diện của Thiên Chúa mang đến cho các buổi phụng vụ của chúng ta; chúng sẽ trở nên sâu sắc và trật tự hơn. Thật vậy, «trong bi kịch của Cuộc Thương Khó, đời sống của chúng ta và toàn bộ lịch sử nhân loại lên đến đỉnh điểm». Ý thức về việc cử hành bi kịch khủng khiếp của đồi Gôn-gô-tha, do tội lỗi của chúng ta mà ra, nên giúp chúng ta cầu nguyện với sự nhiệt thành, giản dị và phẩm giá tôn trọng.

Lời cầu nguyện bắt đầu với sự thờ phượng và tôn trọng Thiên Chúa, và phát triển trong sự chiêm niệm say mê các công trình của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự ngưỡng mộ tôn trọng. Việc để mình tự do trong thái độ của mình trong khi cầu nguyện cho thấy rằng chúng ta đang quên đi sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự chú ý tôn trọng và đầy tình yêu mà Ngài xứng đáng nhận. «Yếu tố thiết yếu của việc thờ phượng phải là nội tâm», Đức Giáo hoàng Piô XII đã viết trong Thông điệp về phụng vụ Mediator Dei. Chính Chúa dạy chúng ta rằng chúng ta phải thờ phượng «trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23). Đời sống Kitô giáo là một sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải cầu nguyện như Chúa Kitô, «trong nơi kín đáo» (Mt 6,6). Chúa Giêsu thích cầu nguyện vào ban đêm, trong sự im lặng và ở những nơi vắng vẻ. Và ngay cả khi Ngài cầu nguyện với Cha trước đám đông, lời cầu nguyện của Ngài luôn kín đáo và hoàn toàn tôn trọng mầu nhiệm thánh thiêng của Thiên Chúa» (Robert Sarah, Catechismo della vita spirituale, trang 80-85).

An đạo.jpg


Mặc dù, trong bản văn vị Hồng y nguyên Bộ trưởng chỉ bàn đến vấn đề phụng vụ, nhưng nó hoàn toàn đúng nếu chúng ta thay từ “phụng vụ” thành “lòng đạo đức bình dân”.

Mong rằng đừng ai biện minh rằng lòng đạo đức bình dân không phải là phụng vụ, không được chế tài bởi luật chữ đỏ và các khoản luật, nên mạnh ai nấy làm; cũng đừng ai nhân danh giữ gìn “truyền thống tốt đẹp” của các bậc tiền nhân để rồi không dám thay đổi mà tiếp tục có những thực hành không phù hợp; càng đừng bao giờ có ai lấy lý do “hội nhập văn hóa” để rồi đánh mất bản sắc thiết yếu của mình, hòa nhập chứ xin đừng hòa tan. Mẹ Giáo Hội dạy rằng lòng đạo đức bình dân phải luôn đặt trong sự phân định và luôn quy hướng về phụng vụ thánh sao phù hợp với các chân lý đức tin được Thánh Kinh mặc khải đã được Giáo Hội đón nhận, thông truyền và gìn giữ hơn 2000 năm qua. «Quả thật, trong hành vi cao cả này, được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quý đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu» (SC 7). Vì thế, LÀM ƠN TRẢ LẠI CHO PHỤNG VỤ VÀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN ĐÚNG VỚI BẢN CHẤT THÁNH THIÊNG VÀ TÍNH UY NGHIÊM VỐN CÓ.

Vì, «phụng vụ được cử hành tốt sẽ là một nguồn thánh hóa thực sự đối với linh mục. Ngược lại, sự cẩu thả trong việc thờ phượng Thiên Chúa, sự ngẫu hứng hay tìm kiếm sự sáng tạo trong các nghi thức sẽ dẫn đến việc làm tầm thường hóa và mất tính thánh thiêng của phụng vụ, và chắc chắn sẽ không làm cho đó trở thành một dịp thánh hóa cho linh mục hay các tín hữu» (Robert Sarah, Catechismo della vita spirituale, trang 78).
(Hình ảnh lấy từ các trang Facebook khác nhau)
 

Giấc mơ 1 triệu người trẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô | DOCAT chính là món quà mà Đức Thánh Cha gửi tặng các bạn trẻ trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới. Ngài gọi DOCAT là “một cuốn cẩm nang hướng dẫn của sự khôn ngoan”, “một cuốn sách dẫn đường” – nơi có Lời Chúa Giêsu, có tiếng nói của Giáo hội và của những con người đã sống Tin Mừng bằng hành động.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên