- Chủ đề Author
- #1
Dưới thời thuộc Pháp, như mọi vùng đất khác trong cả nước, Công giáo miền Tây ít nhiều nhận được sự ưu ái của chính quyền thuộc địa. Tuy nhiên, mối giao hảo ấy đã sớm gặp khó khăn vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu của thế kỷ 20, khi phe trung tả gồm phần lớn những người thuộc Hội Tam điểm thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội lên nắm quyền ở Pháp.[1]
Tại Pháp, chính phủ Pháp tuyên bố cắt đứt bang giao với Tòa thánh. Chính quyền tịch thu tài sản Giáo hội, trục xuất các giám mục ra khỏi những dinh thự mà chính phủ đã xuất công xây dựng, đóng cửa các trường tư thục Công giáo. Tại Việt Nam, một số viên chức Pháp ở Việt Nam cũng thuộc phe trung tả, bài giáo sĩ và chủ trương tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị, nên đã không ngần ngại thi hành chủ trương từ mẫu quốc. Cuộc khủng hoảng ngoại giao này ít nhiều tác động đến công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội Việt Nam, cách riêng người Công giáo Tây Nam Bộ. Chúng ta không có nhiều tài liệu viết về Công giáo miền Tây giai đoạn này, đặc biệt là về hai tỉnh Châu Đốc và Hà Tiên khi đó thuộc phần đất của giáo phận Cao Miên. Tuy nhiên, qua các phúc trình của các vị giám mục đại diện tông tòa Tây Đàng Trong gửi về Tòa thánh, có thể giúp hiểu phần nào những khó khăn của người Công giáo Nam Bộ nói chung và Công giáo miền Tây Nam Bộ nói riêng, trong đó, theo các ngài, khó khăn lớn nhất không phải là sự đổ vỡ trong quan hệ giữa chính quyền thuộc địa và Giáo hội mà là khó khăn làm sao để Tin mừng được loan báo.
Thực tế, theo số thống kê được công bố và được lưu giữ tại văn khố của Hội Thừa sai Paris, kể từ năm 1865 cho tới năm 1939, tại Nam Kỳ, số tân tòng hàng năm chỉ dao động trong khoảng từ 1000 đến 2.000 người. Những năm có số tân tòng tăng đột biến như năm 1869 hay giai đoạn từ 1930 đến 1939, là những năm chính quyền thuộc địa mạnh tay đàn áp các phong trào nổi dậy (1869) hay trấn áp những người Cộng sản hoạt động tại Nam Kỳ (1930). Trong những hoàn cảnh đó, nhiều người, nhiều làng, đặc biệt ở miền Tây Nam Bộ đã xin học đạo, theo đạo để được che chở.[2] Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cho công cuộc truyền giáo tại Nam kỳ ít hiệu quả? Theo đức giám mục Isidore Colombert Mỹ, có nhiều nguyên nhân. Đó có thể là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, là thành kiến về đạo của người dân bản xứ.[3] Bên cạnh đó, tỷ lệ tân tòng đáng buồn trong giáo phận còn do “đời sống sa đọa của những kẻ được sai đi để ‘khai hóa người bản xứ’”[4] và nhất là, “sự khinh khi và hận thù đối với người Pháp xâm lược.”[5] Riêng đối với người miền Tây Nam Bộ, ngoài các yếu tố trên, còn một lý do khách quan là do những người nghèo ở miền Tây, dù nghèo thì vẫn có nhà cửa, ruộng vườn, được thiên nhiên ưu đãi, nên họ không cần nhờ vả ai. Trong một phúc trình năm 1900, đức cha Mossard Mão, sau hơn 20 năm làm thừa sai ở Nam Kỳ, đã cho thấy những nguyên nhân sâu xa của việc người Nam Bộ ít ra nhập đạo:
“Người ta sẽ lầm nếu, để đánh giá công việc của chúng tôi, người ta nghĩ rằng, với hòa bình được bảo đảm, với nhiệt tình được tự do hoạt động và với sự cai trị của các đồng hương, công cuộc truyền giáo không còn trở ngại nào đáng kể, nơi một dân tộc có tính tình lịch lãm và hiền hòa. Ở đây, chúng tôi gặp phải những khó khăn chung cho tất cả các dân ngoại là sự ù lì, vì đối với họ, đạo nào cũng như nhau, hoặc sự dửng dưng hoài nghi coi tất cả các tôn giáo là không cần thiết, hoặc sự cố thủ một cách chân thành với đạo cũ của mình, với sự thờ kính tổ tiên, hoặc một tình tự dân tộc chỉ muốn giữ lấy đạo giáo của dân tộc mình. Không bị quan lại làm khó dễ, nhưng chúng tôi vẫn phải chịu đựng sự thù nghịch của các làng xã, ngày nay, vẫn vận hành như cũ.”[6]
Ảnh: Manh Hai Flickr
Những năm đầu thế kỷ 20, cùng với người công giáo cả nước, Công giáo miền Tây Nam Bộ đón nhận nhiều tin vui. Trước tiên là cuộc kinh lược của đức Khâm sai Tòa thánh Henri Lécroart, SJ. vào năm 1923. Trong chuyến kinh lược kéo dài hơn 6 tháng, đức Khâm sứ Tòa thánh đã đi thăm nhiều giáo phận ở Việt Nam, gặp các quan chức đạo đời. Ngoài ra, ngài còn đi thăm Penang, Thái Lan và Cao Miên. Sau chuyến viếng thăm, một số quyết định đã được Tòa thánh phê chuẩn.
Trước hết, ngày 24/12/1924, Tòa thánh đổi tên các giáo phận tông tòa theo tên của các đơn vị hành chánh. Kể từ đây, địa phận Tây Đàng Trong chính thức mang tên địa phận Sài Gòn và địa phận Cao Miên thành Nam Vang.
Sự kiện quan trọng thứ hai là việc thành lập Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương. Ngày 20/5/1925, Giám Mục Constantino Aiuti được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương và Siam (Thái Lan).
Đặc biệt, ngày 8/01/1938, Tòa Thánh ban sắc chỉ tách các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và phần đất nằm ở tả ngạn sông Hậu, tức một phần của tỉnh Đồng Tháp sau này để lập thành giáo phận Vĩnh Long, và cử cha Phêrô Ngô Đình Thục – linh mục giáo phận Huế, làm giám mục Hiệu Toà Sæsina. Khi thành lập, giáo phận Vĩnh Long gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng, trên tổng số 860.000 dân chiếm 5,26% dân số. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 giáo xứ và106 giáo họ.
Như vậy, cho đến cuối thời Pháp thuộc, vùng đất miền Tây Nam Bộ thuộc về ba giáo phận: giáo phận Sài Gòn, Vĩnh Long và Nam Vang. Tân giáo phận Vĩnh Long là giáo phận đầu tiên được thành lập trên vùng đất này.
Ảnh: Manh Hai Flickr
Tân địa phận Vĩnh Long được thành lập giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang lúc quyết liệt. Ngày 9/03/1945, Nhật đảo chính Pháp. Quân Nhật lùng sục khắp nơi để truy bắt các Pháp kiều lẩn trốn. Nhiều thừa sai Pháp phải trốn trong các họ đạo vùng quê. Đồng minh gia tăng oanh tạc. Ngày 15/8 cùng năm, Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 02/9/1945, Việt minh tuyên bố độc lập và cướp chính quyền. Pháp quay lại Sài Gòn, chiếm lĩnh nhiều thành phố, thị xã. Ngày 20/12/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chiến sự leo thang khắp nơi. Tại miền Tây Nam Bộ, giáo dân chạy tứ tán. Nhiều linh mục bị bắt, bị giết cách tàn nhẫn, như trường hợp của cha Trương Bửu Diệp. Ngài bị bắt ngày 12/3/1946, tại Tắc Sậy cùng với khoảng 70 người và bị giết chết sau đó.
Sau chín năm trường kỳ kháng chiến theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, ngày 7/5/1954, thực dân Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với hiệp định Genève ngày 20/7/1954, quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, nước Việt Nam bị chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau: miền Bắc lấy tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và miền Nam thuộc chính quyền Quốc Gia. Cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc bắt đầu. Có khoảng 820.000 người, trong đó khoảng 75% là người Công giáo, đã lên đường vào Nam và hơn 150.000 người, đa số là các đảng viên cộng sản, những người chiến đấu trong chiến khu… từ miền Nam chuyển ra miền Bắc, theo diện mà những người cộng sản gọi bằng mỹ từ: “tập kết ra Bắc.”[7] Trong cuộc di cư vĩ đại này, miền Tây Nam Bộ trở thành một trong những vùng đất được chính quyền miền Nam chọn để đưa di dân tới tái định cư. Theo thống kê, chỉ tính riêng vùng Cái Sắn đã có 56.750 người người nhập cư vào các năm 1956, 1958 và 1959.[8]
Ảnh: Manh Hai Flickr
Trong bối cảnh đó, ngày 20/09/1955, do Sắc chỉ tông tòa “Quod Christus” của đức Piô XII, phần đất thuộc Tây Nam Bộ gồm 10 tỉnh: Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Chương Thiện, An Giang, Kiên Giang, Hà Tiên, Châu Đốc, Sa Đéc, được tách ra khỏi giáo phận Nam Vang lập thành giáo phận Cần Thơ; đồng thời Toà thánh cũng bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Văn Bình – khi đó đang là cha sở họ Cầu Đất, Đà Lạt, làm giám mục tiên khởi của tân giáo phận Cần Thơ. Giáo phân Cần Thơ vào lúc thành lập (bao gồm cả phần đất thuộc giáo phận Long Xuyên ngày nay) gồm 10 tỉnh, với diện tích 23.583 km2. Số giáo dân khoảng 148.610 người, gồm 83.610 giáo dân bản xứ, cộng thêm khoảng 60.000 giáo dân gốc Bắc di cư sau này.[9]
Tác giả: Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R
[1] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 446.
[2] Trong phúc trình năm 1931, đức giám mục Dumortier, sau khi nói về một số đông người theo đạo ở Bến Tre và Vĩnh Long, đã viết: “Trong những tháng vừa qua, cảnh sát truy lùng những người Cộng sản đã làm cho một số đông người ngoại quyết định xin theo đạo, nhất là ở huyện Mỏ Cầy và Ba Tri. Đó là những không muốn theo Cộng sản, sợ bị báo thù, bị tố giác: khi sự vô can được chứng minh, họ cũng được thả thôi, nhưng sự giam cầm nhằm phòng ngừa có thể kéo dài lâu, nên họ đến tìm các linh mục xin học đạo”. Trong một phúc trình khác, đức cha Colombert Mỹ cho biết, những tín hữu theo đạo để tránh họa cộng sản cũng sớm bỏ đạo: “Năm 1931, các cuộc truy lùng cộng sản của cảnh sát đã đem nhiều gia đình ngoại ở Thới Hòa (Vĩnh Long) theo đạo, nhưng khi nỗi sợ hãi cảnh sát qua đi, họ cũng xin thôi học đạo” (dẫn lại từ Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 318).
[3] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 313.
[4] Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, 150 năm Giáo phận Tây Đàng Trong: Tổng Giáo phận Sài Gòn 1844-1994 (Tài liệu học hỏi trong Năm Toàn xá 1994, Lưu hành nội bộ), 75.
[5] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 313.
6] Compte rendu des travaux du séminaire des missions étrangères de Paris (CRTSMEP), 1900, tr. 167 (dẫn lại từ Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 314).
[7] Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R, Mười năm Thái Hà – Tòa Khâm Sứ, 10.
[8] Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình Xã hội Cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ (Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM, 2015), 54.
[9] Nguyễn Bá Long (chủ biên), Kỷ yếu giáo phận Cần Thơ 1955 -2015 (Lưu Hành Nội Bộ, năm 2015), 13.
[2] Trong phúc trình năm 1931, đức giám mục Dumortier, sau khi nói về một số đông người theo đạo ở Bến Tre và Vĩnh Long, đã viết: “Trong những tháng vừa qua, cảnh sát truy lùng những người Cộng sản đã làm cho một số đông người ngoại quyết định xin theo đạo, nhất là ở huyện Mỏ Cầy và Ba Tri. Đó là những không muốn theo Cộng sản, sợ bị báo thù, bị tố giác: khi sự vô can được chứng minh, họ cũng được thả thôi, nhưng sự giam cầm nhằm phòng ngừa có thể kéo dài lâu, nên họ đến tìm các linh mục xin học đạo”. Trong một phúc trình khác, đức cha Colombert Mỹ cho biết, những tín hữu theo đạo để tránh họa cộng sản cũng sớm bỏ đạo: “Năm 1931, các cuộc truy lùng cộng sản của cảnh sát đã đem nhiều gia đình ngoại ở Thới Hòa (Vĩnh Long) theo đạo, nhưng khi nỗi sợ hãi cảnh sát qua đi, họ cũng xin thôi học đạo” (dẫn lại từ Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 318).
[3] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 313.
[4] Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, 150 năm Giáo phận Tây Đàng Trong: Tổng Giáo phận Sài Gòn 1844-1994 (Tài liệu học hỏi trong Năm Toàn xá 1994, Lưu hành nội bộ), 75.
[5] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 313.
6] Compte rendu des travaux du séminaire des missions étrangères de Paris (CRTSMEP), 1900, tr. 167 (dẫn lại từ Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 314).
[7] Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R, Mười năm Thái Hà – Tòa Khâm Sứ, 10.
[8] Nguyễn Đức Lộc, Cấu hình Xã hội Cộng đồng Công giáo Bắc di cư tại Nam Bộ (Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM, 2015), 54.
[9] Nguyễn Bá Long (chủ biên), Kỷ yếu giáo phận Cần Thơ 1955 -2015 (Lưu Hành Nội Bộ, năm 2015), 13.
Cùng chủ đề