Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,096
- Chủ đề Author
- #1
Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost đã được Mật nghị Hồng y bầu làm Giáo hoàng kế vị Đức Phanxicô vào tối ngày 8-5, trở thành vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo Rôma với tông hiệu Leo XIV. Ngay khi hay tin, nhiều nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới đã bày tỏ vui mừng và gửi lời chúc tới Tân Giáo hoàng.
Ảnh: REUTERS/Eloisa Lopez
Ngay sau tuyên bố từ Vatican, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên nền tảng mạng xã hội Truth Social: “Thật vinh dự khi biết rằng ông ấy là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên. Thật là một sự phấn khích và là vinh dự lớn lao cho đất nước chúng ta.” Ông cũng bày tỏ mong đợi được gặp Đức Thánh cha Lêô XIV và xem đó là “khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa”.
Tân Giáo hoàng sinh tại Chicago, từng phục vụ hơn một thập kỷ tại Peru và giữ nhiều trọng trách trong Giáo triều Roma, gần nhất là Tổng trưởng Bộ Giám mục. Việc ngài mang hai quốc tịch và có kinh nghiệm mục vụ tại Mỹ Latinh được xem là cầu nối giữa hai lục địa có lượng tín hữu Công giáo đông đảo nhất.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez viết trên mạng xã hội X rằng ông hy vọng “triều đại của ngài sẽ góp phần tăng cường đối thoại và bảo vệ nhân quyền trong một thế giới cần hy vọng và đoàn kết”.
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đánh giá vai trò của Giáo hoàng là “nguồn hy vọng và dẫn dắt” trong giai đoạn hiện nay, vốn bị phủ bóng bởi xung đột, bất ổn xã hội và khủng hoảng đạo đức toàn cầu.
Từ Nam Mỹ, Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhắc đến mối liên kết đặc biệt của tân Giáo hoàng với châu Mỹ Latinh, nơi ngài từng giữ vai trò giám mục tại Trujillo và Chiclayo (Peru), trước khi được triệu về Roma. Ông kỳ vọng Đức Lêô XIV sẽ “cổ vũ và bênh vực những người di cư Mỹ Latinh đang bị kỳ thị và xúc phạm tại Hoa Kỳ”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng rằng Vatican dưới sự lãnh đạo của Đức Lêô XIV sẽ “tiếp tục hỗ trợ về mặt tinh thần và đạo đức cho những nỗ lực của Ukraine nhằm khôi phục công lý và đạt được hòa bình lâu dài”. Đây là lời nhắn mang tính chiến lược khi Vatican được cho là đóng vai trò ngoại giao thầm lặng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Về phía Trung Đông, Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi triều đại mới là “cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa người Do Thái và Kitô giáo” cũng như giữa Israel và Tòa Thánh. Ông nói thêm: “Cầu mong triều đại giáo hoàng của ngài là một trong những cầu nối và sự thấu hiểu giữa tất cả các tín ngưỡng và các dân tộc.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi điện chúc mừng, bày tỏ tin tưởng rằng “các cuộc đối thoại và tiếp xúc mang tính xây dựng giữa Nga và Vatican sẽ phát triển hơn nữa trên cơ sở các giá trị Kitô giáo”. Đây được cho là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ Nga - Vatican từng căng thẳng vì các vấn đề liên quan đến chiến sự Ukraine và tự do tôn giáo tại Nga.