Thành viên
Tham gia
17/12/23
Bài viết
107
(1) Ngày 15 tháng 8 là lễ "Đức Mẹ mông triệu". Ồ, "mông triệu" nghĩa là gì? "Mông" 夢, còn có cách đọc là "mộng", là giấc mộng, giấc ngủ; "triệu" 召 là gọi về, đưa về. Hiểu sát nghĩa là "được gọi về, đưa về trong khi ngủ yên (an giấc)". Nếu đọc "mộng triệu", hẳn nhiều tín hữu thời nay dễ mường tượng hơn - "mộng" là giấc ngủ, còn đọc "mông" bây giờ nhiều người không hiểu (vài thế kỷ trước, còn xài chữ Hán, chữ Nôm, tín hữu còn biết đến mà hiểu).

CV.jpg


(2) "Đức Mẹ mông triệu", "Dormition of Mary":

“Dormition” dùng để chỉ việc an giấc ngàn thu (qua đời) của Đức Maria trong trạng thái bình yên thánh thiêng.
Sử gia Hippolytus, trong tác phẩm "Biên niên sử" (Chronicle) ghi chép về Thánh gia (Holy Family), cho biết:
Ngày đức Maria tạ thế, nhiều tông đồ đã quần tụ trở về. Chỉ duy có thánh Thomas (Tô-ma) không kịp có mặt. Thi hài Đức Mẹ được đặt vào trong ngôi mộ ở vườn Gethsemane. Ba ngày sau khi Đức Maria tạ thế, thánh Thomas trở về. Trước đó, thánh Thomas được thị kiến: Mẹ Maria, hồn và xác (trong hình hài thân thể thiêng liêng, "spiritual body"), ở trên Nước Trời! Khi thánh Thomas cùng mọi người đến viếng ngôi mộ, bước vào trong, thi hài của Đức Mẹ đã biến mất, ngôi mộ tỏa mùi thơm. Theo đó, Đức Maria an giấc ngàn thu ("mông") và đã được Thiên Chúa đưa về trời ("triệu").

(3) Tại Jerusalem hiện nay có Nhà thờ Mông triệu (Church of Dormition) tọa lạc trên núi Zion (Si-on).
Phía trên bàn thờ chính, trong nhà thờ, là bức tranh khảm Đức Mẹ Maria và Chúa Jesus hài đồng. Dòng chữ Latin bên dưới, được trích từ Isaiah 7:14: “Này, một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ gọi tên là Immanuel.”
Ở giữa, bên dưới một mái vòm, là một chiếc quan tài đơn giản, trên đó đặt một bức tượng Đức Mẹ Maria với kích thước lớn bằng người thật, đang ngủ say (an giấc ngàn thu). Bức tượng được làm bằng gỗ anh đào và ngà voi.

(4) Ngày lễ 15 tháng 8 hàng năm được Giáo hội Công giáo, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, và một số Hội thánh - không phải tất cả - thuộc Kháng cách (Protestant, ở VN quen gọi là "Tin Lành") cử hành lễ "ĐỨC MẸ MÔNG TRIỆU".

4a/ Ngày nay, chúng ta quen gọi là lễ "Hồn và xác Đức Mẹ lên trời". Cách nói này cần ghi là "Hồn và xác Đức Mẹ ĐƯỢC VỀ TRỜI".
Trong các sách Phúc âm, sách Công vụ, trong các bức thư của Thánh Phao-lô..., không có dòng nào ghi về "sự thăng thiên" ("lên trời") của Đức Mẹ Maria. Chỉ có mầu nhiệm THĂNG THIÊN (LÊN TRỜI) của Chúa Jesus mà thôi, bởi Ngài là Thiên Chúa quyền năng, diễn ra trước mắt các tông đồ.

4b) Cách gọi "Đức Mẹ MÔNG TRIỆU" hoặc "MỘNG TRIỆU" (Dormition of Mary) là thích đáng. Tuy nhiên, từ ngữ "mông triệu" hiện nay khiến cho nhiều người không còn hiểu rõ nghĩa.

Thành thử, 15 tháng 8: lễ "Hồn xác Đức Mẹ VỀ TRỜI" - bởi quyền năng của Thiên Chúa.

1.jpg


Nói thêm về hai chữ "MÔNG TRIỆU"

* Cần phải dựa vào từ nguyên "DORMITION" để hiểu cho trúng! Nếu không, diễn giải "sai một li" thì "đi lạc cả dặm"!
"Mông triệu" 夢 召, trong đó "mông" (còn gọi là "mộng") 夢 nghĩa là "giấc ngủ", "chiêm bao" / "triệu" 召 là "gọi về", "đưa về". Cái rồi, có một cậu em trẻ người mới nhắn cho tôi, rằng "mông" phải viết 蒙, nghĩa là "được, bị"; "mông triệu" là "được gọi về".

Ồ, Đức Mẹ Maria "mông triệu" như rứa, chỉ mang nghĩa là "Đức Mẹ Maria được gọi về" (được hiểu "về Trời"), vậy Mẹ Maria "được gọi về" lúc còn sống hay lúc an giấc ngàn thu?

/1/ Trong chữ Hán, thường có nhiều ký tự mà đồng âm. Đọc "mông", có đến 20 ký tự viết khác nhau! Tôi hỏi cậu em trẻ người, dễ mến nhưng tánh khí còn ba chớp ba nháng lắm, có biết 20 ký tự viết khác mà đồng âm "mông" mang những nghĩa gì không?

Lủ khủ nghĩa, đây ghi ra chút đỉnh: "mông" là giấc chiêm bao, "mông" là "được, bị", là che trùm, lẫn lộn, "mông" là không rõ ràng, lờ mờ, mờ tối, "mông" là lừa dối, "mông" là mưa phùn, rồi "mông" là một loại chó xồm, "mông" là con mối đất..v.v...

/2/ "MÔNG TRIỆU", ở đây, đâu phải ưng ghi "mông" theo ký tự nào cũng được. Mà, chú ý, MÔNG TRIỆU chuyển ngữ từ DORMITION, gốc từ tiếng Latin "dormire" nghĩa là "ngủ", "ngủ thiếp đi".

Việc dịch thuật cần phải gắn với câu chuyện được gọi là "The Dormition of Mary", "Sự an giấc của Đức Maria".
Sử gia Hippolytus, trong tác phẩm "Biên niên sử" (Chronicle) cho biết: Đức Maria ngủ thiếp đi ("dormire") rồi không tỉnh dậy nữa. Đức Maria tạ thế một cách lành thánh, an giấc ngàn thu.

Thi hài Đức Mẹ được đặt vào trong ngôi mộ ở vườn Gethsemane.
Khi nói về giấc ngủ ngàn thu ("Dormition of Mary"), ĐTC Gioan Phao-lô II tuyên giảng như sau:
"Chính Con của Mẹ, Chúa Giê-su Ki-tô, cũng đã phải trải qua cái chết trên cây thập giá. Nếu không có sự chết xảy ra, làm sao có sự Phục sinh được? Để được thông phần vào sự Phục sinh của Chúa Ki-tô, trước tiên Đức Maria phải chia sẻ cái chết của Người."

Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa VỀ TRỜI không phải lúc Đức Maria còn sống, mà sau khi Đức Maria đã ngủ thiếp đi rồi qua đời lành thánh!
An giấc, được đưa về trời ("The Dormition of Mary")=> Thành thử chuyển ngữ "Mông triệu" (夢 召; xin nhắc lại "mông" 夢 là giấc mộng, chiêm bao, giấc ngủ).

Đức Maria được VỀ TRỜI cả hồn lẫn xác ("The Assumption of Mary"), bởi quyền năng của Thiên Chúa.
/3/ Còn "mông" 蒙 là "được, bị" (mông triệu: "được gọi về, được đưa về"), thì cạn nghĩa lắm, không sát với chiều sâu ý nghĩa của câu chuyện "dormition" của Đức Maria!

Chưa kể, tôi nói với cậu em, ký tự "mông" mà cậu đưa ra còn dễ dẫn đến những sự nhầm lẫn rất đáng lo ngại!
"Mông" 蒙 như rứa mang nghĩa "lờ mờ, không rõ ràng" (trong "mông lung" 蒙 朧);
"Mông" 蒙 mang nghĩa "tối tăm" (như "mông muội" 蒙 昧 là tâm trí tối tăm);
"Mông" 蒙 còn mang nghĩa là "lừa dối, lừa gạt" (như "thượng hạ tương mông" 上下相 蒙: là "trên dưới lừa gạt nhau")!

455660194_1961617750938862_7386268612594754223_n.jpg


Bài viết của: Nguyễn Chương-Mt​
 
Cùng chủ đề

Giấc mơ Docat của Đức Thánh Cha Phanxicô

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên