Thành viên
- Tham gia
- 5/5/25
- Bài viết
- 2
- Chủ đề Author
- #1
Xứ đạo nơi tôi sống, như bao xứ đạo khác trên mảnh đất quê hương này, là nơi chan chứa những điều tốt đẹp. Sáng chuông nhà thờ vang lên, chiều kinh gia đình rì rầm, những người giáo dân chăm chỉ, hiền lành, đầy lòng đạo đức. Nếu không có những điều ấy làm nền, thì làm sao còn giữ được một cộng đoàn sống động và bền bỉ đến hôm nay!
Ảnh: Internet
Thế nhưng, giữa bức tranh đầy ánh sáng ấy, vẫn len lỏi những mảng tối mà ai cũng thấy, nhưng ít người dám nói. Một trong những điều ấy là… rượu bia.
Ở xứ tôi, dường như mọi sự kiện đều có rượu: từ tiệc mừng bổn mạng các hội đoàn, lễ quan thầy, lễ tạ ơn, đến đám cưới, đám giỗ, đám hỏi. Cả những buổi học bổn, thi kinh bổn xong việc là rượu được bày ra. Người ta quen với chuyện “cụng ly” như một phần không thể thiếu trong đời sống đạo.
Nhiều người lý giải rằng: đó là truyền thống xưa nay, là “tình làng nghĩa xóm”, là “uống một chút cho vui”. Nhưng cái “một chút” ấy, bao giờ cũng dễ trượt thành “quá chén”.
Và rồi, từ men rượu, những điều đáng buồn xảy ra: Người đi học bổn xong uống rượu say, cãi vã nhau, ghét nhau, rồi cạch mặt nhau không thèm đến học nữa. Có người vì một lời khiêu khích trong cơn say mà xa rời cộng đoàn, tránh mặt nhà thờ, xa Chúa lúc nào không hay.
Có những buổi học bổn trở nên lạnh nhạt, nặng nề chỉ vì vài người đến trong hơi men. Có những người trẻ, lần đầu bước vào môi trường sinh hoạt xứ đạo, đã phải chứng kiến cảnh người lớn nói nặng lời vì… tranh cãi sau bữa nhậu. Và thế là niềm tin non nớt của họ bị tổn thương.
Rượu không xấu khi biết dừng đúng lúc. Nhưng khi rượu bia trở thành một thói quen tập thể, khi nó phá vỡ sự hiệp nhất, cản trở đời sống đạo, làm tổn thương mối tương quan giữa người với người, giữa người với Chúa thì chúng ta không thể làm ngơ.
Tôi tin rằng xứ đạo nào cũng có những điểm sáng và chính vì yêu quý những điểm sáng ấy, nên ta mới cần dũng cảm soi rọi vào những góc tối. Để gìn giữ một cộng đoàn đạo đức không chỉ ở hình thức, mà còn từ chiều sâu của sự tỉnh táo, từ tấm lòng rộng mở, và sự tôn trọng lẫn nhau.
Có lẽ đã đến lúc ta nên hỏi: Liệu còn cách nào khác để mừng vui, để gắn kết, để sống đạo mà không cần rượu bia? Và liệu rằng, đức tin có lớn lên được, khi nó phải thở trong men say?
Một xứ đạo mạnh không chỉ là xứ đạo có nhà thờ to, hội đoàn đông. Mà là nơi mọi người có thể đến với nhau trong sáng suốt, yêu thương, và lòng kính sợ Thiên Chúa kể cả khi không có một giọt rượu nào.