[Podcast] Thư gửi em, Chúa tha thứ không điều kiện vậy sao phải xưng tội, đền tội?

5.00 star(s) 4 Votes
Thành viên
Tham gia
2/1/24
Bài viết
144

Em thương mến,

Em có hỏi: "Nếu Thiên Chúa là Đấng tha thứ không điều kiện, vậy tại sao cần phải xưng tội và làm việc đền tội? Vậy nếu tôi có suy nghĩ là "tôi chỉ tha thứ cho một ai đó khi người đó nhận lỗi và làm việc đền tội với tôi, trả lại công bằng cho tôi" thì có đúng không?

Cám ơn em đã đưa ra một câu hỏi thắc mắc về Bí Tích Giao Hòa.
Mời em cùng nhìn vào cách nhìn của Thần Học và Giáo Lý và Nhân Học về thắc mắc của mình.​

phailamgi_Chúa tha thứ không điều kiện vậy sao phải xưng tội, đền tội_cv1.jpg
Ảnh: Pinterest
1. QUAN ĐIỂM THẦN HỌC
Em nói rất đúng, Thiên Chúa là Đấng thứ tha luôn luôn. Chúng ta không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng để biết mình được tha thì đó hoàn toàn là về phía con người.
Chắc hẳn em còn nhớ Dụ ngôn Người Cha nhân hậu hay Người con hoang đàn trong Tin Mừng Luca 15:11-32. Hình ảnh người Cha trong dụ ngôn, ngày ngày ngóng chờ con trở về, điều này cho thấy người Cha đã tha thứ cho sự phản nghịch của người con bỏ đi và luôn luôn muốn ôm con vào lòng để trao lại phẩm giá làm con cho nó. Người cha không để nó nói hết câu xưng thú đã gọi người đem áo, đem nhẫn, thịt bê đã vỗ béo ăn mừng.

Nhưng, nếu người con không trở về thì có lẽ nó sẽ không bao giờ biết là Cha đã tha thứ cho mình.

Như vậy, việc trở về tỏ lòng sám hối ăn năn là tốt cho tội nhân cảm nhận lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Việc đền tội đầu tiên và trên hết là thống hối để nối lại tương quan với Chúa, thứ đến xét về mặt con người, có những tội gây thiệt hại cho tha nhân. Chúng ta phải hết sức để đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại). Đức công bình đòi buộc thực hiện như vậy.

phailamgi_Chúa tha thứ không điều kiện vậy sao phải xưng tội, đền tội_1.jpg
Ảnh: Pinterest
2. QUAN ĐIỂM CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Điều đầu tiên em cần nhớ định nghĩa về Bí tích.

"Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Ðức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta." Hay như giáo sư Thần Học của mình có giảng là: bí tích là dấu chỉ bên ngoài, mang lại ân sủng bên trong cho ta. Trong cuộc sống, ta thấy rất nhiều ngôn ngữ biểu tượng như vậy. Ví dụ, người bạn gái nâng niu yêu mến chiếc khăn tay, không phải vì nó chỉ là tấm vải đẹp. Nhưng nó là biểu tượng tình yêu của bạn trai với cô. Qua chiếc khăn, cô thấy một ý nghĩa, một sự khích lệ to lớn.

Tiếp đến, mời em nhìn vào giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1456, 1449,1442:
  • 1456: Bí tích này được gọi là bí tích Thú Tội: Việc thú nhận xưng tội với linh mục là một yếu tố thiết yếu của bí tích này. Theo một nghĩa sâu xa hơn, bí tích này cũng là một việc "tuyên xưng", tức là nhìn nhận và ca ngợi Thiên Chúa thánh thiện và giàu lòng thương xót đối với tội nhân.​
  • 1449: Bí tích này được gọi là bí tích Tha Tội, vì nhờ lời xá giải của linh mục, Thiên Chúa ban cho tội nhân ơn "tha thứ và bình an" (Nghi thức Thống Hối, 46, 55).​
  • 1442: Bí tích này được gọi là bí tích Giao Hòa, vì ban cho tội nhân ơn giao hòa của Thiên Chúa "anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa" (2Cr 5,20). Ai cảm nhận được tình yêu thương xót của Thiên Chúa, sẽ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi: "Hãy đi làm hòa với anh em ngươi đã" (Mt 5,24).​

Như vậy, bạn thấy đó, nhấn mạnh của Bí Tích Giao Hòa không phải là tội của hối nhân, nhưng là ân sủng, lòng xót thương, tha thứ, bình an và yêu thương. Từ đó cải thiện tương quan của mình với chính mình, với người anh em và với Thiên Chúa.

phailamgi_Chúa tha thứ không điều kiện vậy sao phải xưng tội, đền tội_cv2.jpg
Ảnh: Pinterest
3. QUAN ĐIỂM NHÂN HỌC
Con người rất đặc biệt em à!

Con người vừa có cơ thể vật lý, nhưng lại có khả năng siêu việt hóa trong suy tư. Điều này dẫn tới việc con người cách nào đó đụng chạm được tới sự thánh thiêng. Nhưng con người lại chưa hoàn toàn thánh thiêng để có thể luôn luôn trong tương quan mật thiết với Đấng Thánh Thiêng. Con người cảm nhận thế giới qua giác quan, qua những gì rất cụ thể có thể nhìn, nghe, ngửi, chạm. Con người luôn cần những dấu hiệu cụ thể để nói về cái trừu tượng. Ví dụ: Một anh chàng nói yêu một cô gái, nhưng chẳng nhắn tin, gặp gỡ, trò chuyện, thư từ, liên lạc thì làm sao cô gái có thể biết anh ta yêu cô.

Em có kinh nghiệm về tha thứ trong cuộc sống hằng ngày. Em có thể nói tha thứ cho ai đó, nhưng không muốn gặp mặt họ, không muốn đối diện với họ. Như vậy có thực sự là tha thứ? Tha thứ thực sự khi cả hai bên có thể ngồi xuống trải lòng, nói hết tâm sự, nguyên cớ, cùng khóc với nhau, rồi lại ôm lấy nhau trong yêu thương.

Tóm lại, tha thứ là biểu hiện cho một tình yêu lớn lao lắm. Có lẽ mình cảm nhận điều đó rõ hơn hết nơi Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi mình về để ôm chặt, để hôn lấy hôn để, để trả lại phẩm giá mà mình đã lãng quên.

Nguyện chúc em sống đức tin với một tương quan tình yêu hơn là gánh nặng của lề luật nhé.

Yeuthuong,

Happy-pencil​
 

Hội thảo loan báo Tin Mừng trong kỷ nguyên AI tại Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội | PhaiLamGi | “Trí tuệ nhân tạo – Cánh cửa mở ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng”. Với thao thức cho công cuộc truyền giáo trong thời đại mới, Học viện Thần học Thánh Phê-rô Lê Tuỳ kết hợp với Công ty Tập đoàn Hyperlution tổ chức chương trình hội thảo Loan báo Tin Mừng trong kỷ nguyên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên