Tân Giáo hoàng Lêô XIV: Vị Giáo hoàng mà thế giới đang cần

5.00 star(s) 1 Vote
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
1,095

Cuộc mật nghị kéo dài 2 ngày với 4 phiên bỏ phiếu đã khép lại bằng một làn khói trắng tại Nhà nguyện Sistina, đưa Đức Hồng y Robert Francis Prevost – một nhà truyền giáo Hoa Kỳ gắn bó mật thiết với Peru – lên ngôi kế vị Thánh Phêrô, lấy tông hiệu là Giáo hoàng Lêô XIV. Sự lựa chọn được cho là tiếp nối hình ảnh người mục tử theo hướng phục vụ, khiêm nhu và gần gũi với những người ở “ngoại biên”.​


phailamgi_Tân Giáo hoàng Lêô XIV Vị Giáo hoàng mà thế giới đang cần_cv1.jpg
Tân giáo hoàng Lêô XIV. Ảnh: express.co.uk

Một người Mỹ không phải “người Mỹ”​

Sinh năm 1955 tại Chicago, Giáo hoàng Lêô XIV là người Mỹ đầu tiên lên ngôi giáo hoàng. Tuy nhiên, gần ba thập kỷ sống và phục vụ tại Peru – từ linh mục truyền giáo, giám đốc chủng viện đến Giám mục Chiclayo – đã khiến ngài trở thành một gương mặt toàn cầu, vượt xa định kiến về một giáo hoàng đến từ siêu cường.

Ngài có căn tính Mỹ nhưng trái tim Latin. Sự gắn bó lâu dài với Giáo hội châu Mỹ Latinh giúp Giáo hoàng Lêô XIV thấu hiểu những thách thức của các Giáo hội địa phương: bất công xã hội, nghèo đói, di cư, tham nhũng chính trị và khủng hoảng môi trường – những vấn đề cũng là mối ưu tư lớn của Đức Phanxicô, người tiền nhiệm.

phailamgi_Tân Giáo hoàng Lêô XIV Vị Giáo hoàng mà thế giới đang cần_1.jpg
Ảnh: Latimes.com

Tấm gương truyền giáo và quản trị​

Là người đứng đầu Thánh bộ Giám mục từ 2023, Giáo hoàng Lêô XIV có tiếng là lắng nghe, khiêm tốn và không ưa truyền thông. Theo báo Aleteia, một giám mục Pháp từng nhận xét: “Ngài không nói nhiều, nhưng luôn đặt ra những câu hỏi sắc sảo và biết tổng hợp tinh tế.”

Trong vai trò Tổng trưởng, ngài đã giúp định hình thế hệ giám mục mới gắn liền với “mùi chiên” – một thuật ngữ Đức Phanxicô sử dụng để chỉ những mục tử sống gần gũi với dân Chúa. Quan điểm của Giáo hoàng Lêô XIV cũng rõ ràng: “Một giám mục không phải là tiểu vương trị vì trong vương quốc của mình.” Ngài ủng hộ Amoris Laetitia (2016), đặc biệt trong việc mở rộng tiếp cận các bí tích cho người ly dị tái hôn, và cho thấy sự dè dặt nhưng không phản đối đối với Fiducia Supplicans (2023) – Tuyên bố cho phép ban phép lành mục vụ cho các cặp đồng giới.

Việc chọn một giáo hoàng từng là nhà truyền giáo dài hạn được xem là bước tiếp nối hợp lý với đường hướng của Công đồng Vatican II: thúc đẩy truyền giáo, hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn. Trong thời đại hậu Kitô giáo, những phẩm chất như giản dị, linh hoạt và sự hiện diện giữa những người bị lãng quên là điều thế giới đang cần nơi người kế vị Thánh Phêrô.

Kinh nghiệm quản trị của Giáo hoàng Lêô XIV cũng không nhỏ. Ngài từng là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô trong hai nhiệm kỳ, điều hành Thánh bộ Giám mục và là thành viên của 7 cơ quan trung ương Tòa Thánh, bao gồm cả Ủy ban Quản trị Quốc gia Vatican. Những vai trò này cho thấy Vatican dưới triều đại mới có thể chứng kiến sự tiếp nối cải tổ hành chính, đề cao tính Hiệp hành.

phailamgi_Tân Giáo hoàng Lêô XIV Vị Giáo hoàng mà thế giới đang cần_2.jpg
Ảnh: Vatican Media

Một thời điểm của hy vọng​

“Thế giới không cần những người có quyền lực, mà cần những người có lòng thương xót,” Đức Phanxicô từng nói. Và nếu câu nói ấy là di sản mà Giáo hội đang mang theo vào thời đại mới, thì Lêô XIV – vị giáo hoàng truyền giáo, nhà cải tổ thầm lặng và người bạn của người nghèo – dường như là người kế nhiệm phù hợp nhất.

Người ta không biết liệu ngài có thay đổi lịch sử hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi thế giới đầy chia rẽ, bạo lực và hoài nghi, một vị giáo hoàng biết “ngửi mùi chiên”, kiên trì trong lắng nghe và giàu kinh nghiệm thừa sai – chính là điều mà thế giới đang cần.​
 

Trực tiếp theo dõi Mật nghị qua ống khói nhà nguyện Sistine

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên