Tích cực
Tham gia
29/12/23
Bài viết
202

Cuối tuần vừa rồi mình có cơ hội được đồng hành cùng đoàn người khuyết tật/người già yếu đến từ Tam Điệp, Ninh Bình và Vũ Thư, Thái Bình tại Đại Hội Khuyết Tật 2024, tổ chức tại Trung tâm Lòng Chúa Thương Xót, giáo phận Thái Bình.​

Đây là lần đầu tiên mình tham gia đại hội, cũng như lần đầu tiên có cơ hội tiếp xúc, ở gần và hỗ trợ người khuyết tật. Thời gian đồng hành cùng họ trong khoảng hơn 24 tiếng đó đem lại cho mình rất nhiều niềm vui, sự yêu đời, ấm ấp và những cảm xúc lắng đọng khác. Mình xin phép chia sẻ 1 số câu chuyện bên dưới.​

phailamgi_Tôi tham gia Đại hội dành cho người khuyết tật tại Giáo phận Thái Bình_cv1.jpg

Những nụ cười vô tư và lạc quan​

Khuyết tật là xác định bệnh theo cả đời rồi, còn già yếu thì biết bao sự nặng nhọc, đớn đau của cơ thể, cùng với đó một số người sẽ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt mà sao suốt hơn 24h đó họ cười nhiều làm mình cười lây. Đúng là gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, mình là mực còn họ là đèn, bên cạnh họ làm mình rạng lây. Ngay từ lúc đón đoàn ở cổng mình chưa kịp cười hay chào vì còn đang bận “ôi lạnh ghê” “ôi mưa quá” thì họ đã như hoa tươi cười, có các bác cứ chạm mắt với mình là cười suốt thôi (có thể do mặt mình buồn cười), hay nhiều lúc ngắm nhìn họ sinh hoạt, trò chuyện với nhau mình cũng cười theo. Với mình, những nụ cười đó đều thật vô tư và lạc quan…

phailamgi_Tôi tham gia Đại hội dành cho người khuyết tật tại Giáo phận Thái Bình_1.jpg

Những tâm sự … giọt nước mắt…​

May mắn mình có dịp được ngồi lắng nghe tâm sự của 1 bà 75 tuổi trong đoàn, bà ở cùng cháu trai mồ côi bố mẹ từ năm 4 tuồi. Bà chẳng kể hoàn cảnh khó khăn nghèo khó hay than vãn, bà chỉ kể bà thương và xót cháu trai ntn với nước mắt trực tràn mi, bà kể bà xử lý vụ cháu bị lừa tiền ra sao, bà nói bà mừng khi cháu tự nguyện đi bộ đội như thế nào,… Bà kể những tình cảm và tâm sự chất chứa lòng bà, và gần cuối cuộc trò chuyện bà nói với mình đại khái là “Bà có nói gì sai con bỏ qua cho bà, bà già lạc hậu rồi. Bà kể những chuyện này nhiều người họ không thích nghe, con nghe và chia sẻ với bà là bà mừng lắm, tiền cho rồi cũng hết chứ những lúc được tâm sự lắng nghe này bà cần lắm… ”, cảm xúc mình lắng xuống, biết ơn làm sao vì lúc đó mình đã ở đấy, đã lắng nghe và may mắn giúp bà vơi đi phần nào những nỗi niềm riêng.

phailamgi_Tôi tham gia Đại hội dành cho người khuyết tật tại Giáo phận Thái Bình_cv2.jpg

Những ấn tượng bên lề​

Đang tâm sự lắng đọng với bà, thì 1 em sinh viên có tật ở chân đến lôi mình đi kiếm túi bóng để đựng đồ. Em ấy rõ là không đi bình thường được với dáng người “liêu xiêu” mà còn đi nhanh hơn mình, giọng đầy sức sống “kiếm mãi không thấy túi bóng để đựng đồ, em đi khắp nơi mỏi ghê, phải kiếm túi bóng cho đoàn đựng đồ,…” Em ấy xinh lắm, trang điểm nhẹ, đi giày tất chỉn chu, mặc bộ váy dạ rất yêu và ấm, em ấy “yêu bản thân” như vậy thì ai lại không yêu em ấy cho được đây! Hai chị em khoác tay nhau đi loanh quanh cũng được dăm ba câu chuyện, ẻm cứ nói sang sảng, chân bước thoăn thoát còn mình rảo bước nhanh theo, cứ cười thôi, lòng chẳng ngừng vui.

Và rồi có 1 bác đi siêu âm, điện tim xong rồi đi chơi hội chợ mà không biết rằng cần phải quay lại để bác sĩ đọc kết quả, chẩn đoán và kê đơn. Ôi chao quá trình tìm được bác giữa biển người trong hội chợ đó để quay về khám bệnh tiếp sao mà vui đến vậy! Lúc tìm thấy bác là bác vẫn còn đang “hò hét” trước quầy trò chơi hăng say lắm ạ.

phailamgi_Tôi tham gia Đại hội dành cho người khuyết tật tại Giáo phận Thái Bình_1.jpg

Đại hội đông đúc nhiều người, tình huống mất/lạc đồ, cầm nhầm đồ rồi lạc người hay người già hóa trẻ con, tranh giành nhau tất nhiên sẽ xảy ra rồi hihi.

Còn rất nhiều tình huống và biến cố khác nhưng bài chia sẻ cũng khá dài rồi, mình xin phép dừng lời, cảm ơn mọi người vì đã đọc. Mỗi người sẽ có trải nghiệm, góc nhìn và cảm xúc riêng trong cùng một việc và trong tất thảy mọi việc, chúc mọi người sẽ luôn có và lưu giữ được những cảm xúc và kỉ niệm đẹp của cuộc sống, còn nếu chưa có thì chúng ta tự tạo ra thôi hihi!​

Phải làm gì?​

Docat 60: Giáo Hội lên tiếng như thế nào trước sự kỳ thị người khuyết tật?

Công bằng xã hội, theo học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, đạt được khi tất cả mọi người sống trong xã hội có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị chủ chốt. Các hình thức kỳ thị loại trừ người ta tham gia, đều là sự bất công. Vì vậy, Nhà nước và xã hội có nhiệm vụ tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào các hoạt động đó. Suy cho cùng, phẩm giá của con người không tuỳ thuộc vào năng lực thể xác và trí óc, và sự tôn trọng dành cho mỗi người cũng không thể bị giới hạn trên tiêu chí thành tựu và hiệu năng của người ấy.​
 

Người trẻ nói gì về Loan Báo Tin Mừng?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên