Thành viên
- Tham gia
- 10/10/24
- Bài viết
- 94
- Chủ đề Author
- #1
Ngày 13 tháng 5 năm 1981 – Ngày viên đạn không giết được đức tin
Khoảnh khắc trước khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị bắn tại Quảng trường Thánh Phêrô (13 tháng 5 năm 1981). Ảnh: Adnkronos
Hôm nay, ngày 13 tháng 5 năm 2025, chúng ta tưởng niệm một biến cố chấn động thế giới Công giáo: vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II tại Quảng trường Thánh Phêrô. Vào một buổi chiều tháng Năm cách đây đúng 44 năm, ngài bị bắn hai phát súng bởi một phần tử cực đoan khi đang đứng trên xe chào đón các tín hữu. Viên đạn xuyên qua bụng, máu chảy lênh láng, nhưng điều không ai ngờ: ngài đã sống sót.
Vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II ngày 13 tháng 5 năm 1981 – Vatican News
Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ngài vẫn nói lời tha thứ với người ám sát mình.
Lời ấy không phải là một cử chỉ mang tính biểu tượng. Hai năm sau, chính ngài đã bước vào phòng giam, đối diện với Mehmet Ali Ağca – kẻ từng muốn lấy mạng mình – và siết chặt tay anh ta. Không một lời lên án, không một ánh mắt giận dữ. Chỉ có sự tha thứ.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (trái) gặp gỡ Mehmet Ali Agca tại nhà tù Rebibbia, Rôma, vào ngày 27 tháng 12 năm 1983. Agca là kẻ đã ám sát hụt ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ảnh: ARTURO MARI/AFP/Getty Images
Ngài tin rằng chính Đức Mẹ Fatima đã che chở cho ngài hôm đó. Viên đạn găm trong người ngài sau đó được ngài dâng lên đền thánh Fatima như một lời tạ ơn. Ngày bị bắn – 13/5 – cũng chính là ngày kỷ niệm lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ tại Fatima năm 1917.
Triều thiên Đức Mẹ Fatima chứa viên đạn từ vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II. Ảnh: centerofportugal.com
Vụ ám sát không giết chết Đức Giáo hoàng. Trái lại, nó làm nổi bật một con người sắt thép trong đức tin, nhưng dịu dàng trong tình yêu thương. Sau vụ việc, ngài không sống trong thù hận, không đóng cửa với thế giới. Ngài đi khắp năm châu, đối thoại với người trẻ, với người nghèo, với người không tin.
Trong một thế giới ngày càng dễ nổi giận và khó tha thứ, câu chuyện của ngài là một bài học cần được nhắc lại: Tha thứ không làm yếu đi công lý, mà làm sáng lên chân dung người môn đệ Đức Kitô.
Phải Làm Gì?
Docat 277: Tha thứ là gì?
Người ta có thể gây ra cho người khác những điều khủng khiếp: làm họ mất ảnh hưởng xã hội, nói dối họ và phản bội họ. Thay vì trở nên cay độc về một chuyện gì đó mà ta không thể loại trừ, các Kitô hữu có một lựa chọn khác để xây dựng hoà bình và đạt được hoà bình nội tâm: đó là tha thứ. Sự tha thứ không làm nhẹ đi tính cách nghiêm trọng của tội ác đã xảy ra và không thể huỷ bỏ được điều đã xảy ra. Sự tha thứ có nghĩa là đưa Thiên Chúa vào cuộc, “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103,3). Khi có Thiên Chúa hậu thuẫn, người ta có sức mạnh để tha thứ và thậm chí làm những bước khởi đầu mới mà có thể nói dường như không thể thực hiện được về mặt con người