phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
384

Giáo hội Công giáo vừa bước vào Năm thánh Hy vọng 2025. Trong Sắc chỉ Công bố Năm thánh, ban hành ngày 9/5/2024, Đức thánh cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu, cách riêng các vị mục tử, phải can đảm lên tiếng "đòi những điều kiện xứng đáng cho những người đang bị cầm tù, sự tôn trọng nhân quyền và trên hết là việc bãi bỏ án tử hình." (Sắc chỉ Công bố Năm thánh, # 10)


phailamgi_Án tử hình Một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo_cv1.jpg

Xử bắn - một hình thức thi hành án tử hình thường thấy ở Việt Nam. Ảnh Đàn Chim Việt

Lý do bãi bỏ án tử hình

Lý do chính yếu đòi Giáo hội phải lên tiếng yêu cầu các quốc gia bãi bỏ án tử hình “vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người.” (Phanxicô, Huấn từ cho các tham dự viên Hội nghị do Hội đồng Toà thánh Cổ võ Tân Phúc âm hoá tổ chức, ngày 11/10/2017: L’Osservatore Romano, ngày 13/10/2017)

Theo đó, Giáo hội xác tín rằng ”ngay cả kẻ sát nhân cũng không bị mất nhân phẩm, và chính Thiên Chúa bảo đảm điều này.” (Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25/03/1995), 9: AAS 87 (1995), 411) Nói cách khác, phẩm giá của một người không bị mất đi ngay cả sau khi người ấy phạm những tội ác rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, lý do phải bãi bỏ án tử hình vì "việc kết án có thể sai lầm gây oan sai"; nhất là các chế độ độc tài toàn trị có thể lợi dụng "hình phạt này như phương thế đàn áp bất đồng chính kiến hay bách hại các nhóm thiểu số tín ngưỡng và văn hóa, tất cả các nạn nhân này đều bị luật pháp của những chế độ nêu trên coi như là ‘những tội phạm'." (Phanxicô, Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Bằng hữu xã hội, # 268).

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng "án tử hình là không thỏa đáng xét theo quan điểm luân lý, và không còn cần thiết xét theo quan điểm hình luật." (Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25/03/1995), 9: AAS 87 (1995), # 463-464)

Mục đích của hình luật là "vãn hồi và bảo vệ trật tự công cộng, thay đổi phạm nhân để họ trở nên tốt hơn, và là hình thức sửa sai" (Docat, # 228), trong khi đó, án tử hình không chỉ vi phạm nhân phẩm, mà mục đích răn đe tội phạm cũng không hiệu quả hơn so với các hình phạt khác, như tù chung thân, vì "tù chung thân là án tử hình kín đáo" (Gioan Phaolo II, Diễn văn với Các Đại biểu Hiệp hội Quốc tế về Hình Luật (23/10/2014): AAS 106 (2014), 840-841.)

phailamgi_Án tử hình Một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo_cv2.jpg
Bàn tiêm thuốc dành cho những tử tù. Ảnh: Sputnik

Giáo hội và án tử hình

Từ rất sớm, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Giáo hội qua các vị mục tử đã nỗ lực để chống lại án tử hình.

Đối với các ngài, việc tước bỏ mạng sống con người luôn là điều phi pháp. Vì thế, các ngài không chỉ nỗ lực cứu những người vô tội mà cả những người có tội khỏi án tử hình.

Thánh Augustinô, trong phiên xử những phạm nhân giết 2 linh mục, là một ví dụ. Tại tòa, ngài đã đề nghị không nên kết án tử vì bất cứ lý do gì. Việc kết án phải làm sao để "biến những kẻ phẫn nộ mất lý trí thành những con người tỉnh táo bình tĩnh, từ những kẻ làm điều gian ác thành những con người biết làm điều hữu ích… Ngăn chặn điều xấu nhưng phải có tình người." (Phanxicô, Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Bằng hữu xã hội, # 265)

Những thập niên gần đây, khi "ý thức về phẩm giá con người không bị mất đi ngay cả sau khi người ấy phạm những tội ác rất nghiêm trọng", Giáo hội đã nêu quyết tâm đấu tranh để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới, vì án tử hình là “tàn nhẫn và không cần thiết”. (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám mục về việc hiệu chỉnh Số 2267 Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo về Án Tử hình (01/08/2018): L’Osservatore Romano, 3 tháng Tám 2018, tr. 8)

Trong bối cảnh đó, ngày 11/8/2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ký quyết định chuẩn y số 2267 sửa đổi của Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình.

Theo đó, "trong ánh sáng của Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng “án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”; Giáo hội quyết tâm hoạt động nhằm khuyến khích việc loại bỏ án tử hình trên khắp thế giới." (Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, # 2267)

phailamgi_Án tử hình Một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo_1.jpg
Biểu tình phản đối án tử hình tại thủ đô Myanmar. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tóm lại

Án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người. Vì thế, "tất cả các Kitô hữu và những người có thiện chí ngày nay đều được mời gọi không chỉ đấu tranh để xóa bỏ án tử hình dưới mọi hình thức, dù là xử theo luật pháp hay ngoài luật pháp, mà còn đấu tranh để cải thiện điều kiện lao tù, vì sự tôn trọng nhân phẩm của những người đã bị truất quyền tự do. (Phanxicô, Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Bằng hữu xã hội, # 268).​
 

Nghi thức kính nhớ tổ tiên của người Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên