Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 517
- Chủ đề Author
- #1
Mấy ngày nay, mạng Facebook đang ồn ào câu chuyện về "tình người" trên chuyến xe khách. Nội dung câu chuyện xoay quanh vụ việc một phụ nữ trả đủ tiền mua tổng cộng 10 vé giường nằm xe khách cho gia đình nhưng sau chỉ có 7 người đi nên còn trống 3 gường. Khi tài xế đẩy 3 khách đang nằm "ĐƯỜNG LUỒNG" lên nằm 3 giường trống này thì người phụ nữ phản đối, với lý do đã trả đủ tiền thì có quyền không cho ai sử dụng, dù có phải để trống.
Câu chuyện sau đó đã gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Người bênh, kẻ chống và tỏ thái độ lên án người phụ nữ kia, đã thiếu TÌNH NGƯỜI cho dù 3 ghế kia cũng bỏ trống suốt vài trăm km đường trường.
Ở đây, chúng ta cùng nhìn câu chuyện dưới 3 góc độ: quyền tư hữu, mục tiêu phổ quát của của cải và tình người.
Ảnh minh họa: Adobe
Quyền tư hữu
Theo giáo huấn xã hội Công giáo, quyền tư hữu được công nhận là quan trọng vì nó bảo vệ tự do cá nhân và cho phép mỗi người phát triển bản thân cũng như phục vụ gia đình và cộng đồng của mình. Quyền này được coi là một phần của trật tự tự nhiên mà qua đó mỗi người có khả năng quản lý tài sản để đáp ứng nhu cầu của bản thân và những người xung quanh.
“Tư hữu…là một trong những điều kiện cho tự do dân sự” và “…một yếu tố căn bản làm nên chính sách kinh tế và xã hội thực sự dân chủ…” (TLHTXHCG #176)
Áp dụng: Trong câu chuyện trên, cô khách đã mua 10 chỗ ghế, nên cô có quyền trên 10 ghế đó. Cô có quyền để trống, tặng ghế trống đó cho người khác, để đồ… miễn là không trái với quy định của pháp luật.
Mục tiêu phổ quát của của cải
Tuy nhiên cần nói thêm, “Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là tuyệt đối và bất khả xâm phạm: “Ngược lại, truyền thống ấy luôn luôn hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được sử dụng tài nguyên của toàn vũ trụ: quyền tư hữu phải lệ thuộc quyền sử dụng chung, lệ thuộc thực tế sau đây: của cải là nhằm phục vụ hết mọi người” (TLHTXHCG #177)
Trong khi quyền tư hữu được tôn trọng, thì việc sử dụng tài sản cá nhân phải luôn xem xét đến lợi ích chung. Điều này có nghĩa là tài sản và quyền tư hữu nên được sử dụng theo cách không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn phục vụ cộng đồng và giúp đỡ những người nghèo khó. Sự cân nhắc giữa quyền tư hữu và công ích thể hiện qua việc chia sẻ và sử dụng tài sản một cách công bằng và trách nhiệm.
Áp dụng: Trong câu chuyện về việc mua vé xe và việc sử dụng chỗ trống, vấn đề không chỉ liên quan đến quyền sở hữu của người phụ nữ đối với các chỗ ngồi mà còn liên quan đến việc làm thế nào để chỗ ngồi đó được sử dụng một cách phục vụ lợi ích lớn nhất cho cộng đồng, đặc biệt là khi có những người khác cần chỗ ngồi.
Ảnh minh họa: baotintuc
Sự cân bằng giữa quyền tư hữu và mục tiêu phổ quát của của cải – tình người
Để đạt được sự cân bằng này, cần phải có một cái nhìn toàn diện về tài sản cá nhân - xem nó như một "món quà" từ Thiên Chúa mà qua đó chúng ta được mời gọi để phục vụ người khác, đặc biệt là những người nghèo và yếu đuối trong xã hội. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về trách nhiệm xã hội và lòng bác ái Công giáo, như một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến cộng đồng lớn hơn.
Trên thực tế, Giáo hội có những lời dạy rất rõ ràng và trực tiếp về việc sử dụng hợp lý của cải vật chất. Đức Giáo Hoàng Leo XIII nói rằng "chúng ta có nhiệm vụ trao tặng tất cả của cải dư thừa, bất cứ thứ gì vượt quá mức cần thiết và phù hợp, cho những người đang cần" (Rerum Novarum #22)
Học thuyết xã hội Công giáo kêu gọi mỗi người trong chúng ta không chỉ nhìn nhận quyền tư hữu như một phần quyền lợi cá nhân, mà còn như một cơ hội và trách nhiệm phục vụ cộng đồng và giúp đỡ những người có nhu cầu.
Áp dụng: trong tình huống của câu chuyện xe khách, một cách tiếp cận theo học thuyết xã hội Công giáo có thể khuyến khích người phụ nữ sử dụng quyền tư hữu của mình trên cơ sở bác ái và công ích bằng cách chia sẻ những chỗ trống với những người cần. Đồng thời, tài xế xe khách cũng cần trao đổi, thỏa thuận với với khách hàng là người đã trả tiền đầy đủ rồi mới quyết định để người khác ngồi ghế trống đó. Việc thu thêm tiền của khách khác cần được xem xét dưới góc độ công bằng và đạo đức, với sự minh bạch và trách nhiệm giữa việc cung cấp dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Như vậy, giáo huấn xã hội Công giáo mời gọi mỗi người trong chúng ta sống và hành động một cách có ý thức về mối liên hệ giữa quyền tư hữu và chia sẻ của cải. Đồng thời khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi cá nhân và phục vụ lợi ích chung của xã hội. Qua đó, chúng ta được kêu gọi phản ánh và thực hành tình yêu và công bằng trong mọi quyết định và hành động của mình, với mục tiêu xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
Docat 89 : Chúng ta nên có thái độ nào đối với của cải của trái đất?
Thiên Chúa đã dựng nên thế giới cho mọi loài. Với sự giúp đỡ của con người, trái đất sản sinh của cải và mùa màng. Về nguyên tắc, chúng thuộc quyền định đoạt của tất cả mọi người, không ưu đãi ai, và được dùng để phục vụ lợi ích của tất cả. Mỗi người có quyền hưởng dùng những gì là thiết yếu cho sự sống của mình, mà không ai được phép tước đoạt, dù chúng ta biết rằng mỗi người có quyền tư hữu và sẽ luôn có những khác biệt về số tài sản sở hữu của từng người. Nếu một số người có nhiều hơn mức tài sản cần để sinh sống, trong khi những người khác thiếu cả những thứ cơ bản để duy trì sự sống, thì điều này không chỉ đòi buộc người ta tỏ lòng bác ái, mà trên hết, phải giúp đỡ theo lẽ công bằng.
Cùng chủ đề