Các linh mục có thể nói chuyện chính trị trong các bài giảng lễ không?

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
326

Những ngày đầu tháng Bảy này, sau khi Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội và kêu gọi dân chúng đi bỏ phiếu, chính trị nước Pháp cực kỳ rối ren và chiếm vị trí trung tâm trong đời sống người dân Pháp.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử sẽ quyết định cho tương lai nước Pháp, bên cạnh những lời lẽ kín đáo của Giáo hội đã được nghe qua tiếng nói của một số Giám mục và lời kinh do Hội đồng Giám mục Pháp đề xuất để cầu nguyện cho cuộc bầu cử, một câu hỏi tế nhị lại được đặt ra: Các linh mục có được nói chuyện chính trị trên tòa giảng không? Và dường như, câu hỏi này cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời!​

phailamgi_Các linh mục có thể nói chuyện chính trị trong các bài giảng lễ không_cv1.jpg
Ảnh: fr. Aleteia.org

Những người trung gian

Cần nhớ rằng: "Việc rao giảng Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong cuộc tụ họp Thánh Thể, không phải là thời gian suy niệm hay huấn giáo cho bằng một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người.” (GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Dies Domini (31-5-1998), 41: AAS 90 (1998), 738-739.)

Ở đó, Thiên Chúa đang trực tiếp nói với dân bằng Lời được công bố ngay hôm nay tại giảng đài. Dân Chúa hiện diện đáp lại bằng hành vi thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu thương anh chị em như chính mình.

Lúc này, nhà giảng thuyết – giám mục, linh mục hay phó tế, trở thành trung gian, đại diện cho cả cộng đoàn và cho Chúa Giêsu.

Trong vai trò trung gian đối thoại, ngoài việc phải suy niệm lời Chúa, cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng giúp thông hiểu lời Chúa muốn nói với dân Chúa trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay, lúc này, trước khi giảng lời Chúa, nhà giảng thuyết còn cần "dành một chút thời gian và năng lượng để hiểu biết các lực lượng xã hội – chính trị và kinh tế phức tạp đang định hình thế giới đương đại… tiếp xúc với những bài bình luận nghiêm túc và chính thống hơn về thế giới đương đại. Nếu không có sự hiểu biết về thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống, việc giảng thuyết sẽ rất dễ trở thành một bài giảng chung chung về đức tin, những kết án vô nghĩa chống lại sự gian ác của thế giới đương đại, hoặc một lời khẳng định phi lý về những tiến bộ tuyệt vời đang diễn ra trong thời hiện đại." (Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ - Ủy ban Giám mục về đời sống và sứ vụ Linh mục, "Ứng nghiệm Lời vừa nghe – Giảng Lễ Chúa Nhật", lm. Peter Trần Quang Diệu (dịch), tr. 23.)

Như thế, để giúp người nghe đối thoại được với Thiên Chúa một cách hiệu quả về những vấn đề của họ, đặc biệt trong cách thực hành đức tin, nhà giảng thuyết có thể dùng Lời Chúa soi vào trong các lãnh vực xã hội, từ văn hóa, giáo dục, chính trị đến kinh tế, để giúp người nghe dấn thân cho một ơn cứu độ toàn diện, điều mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện khi xuống thế làm người.

Nói cách khác, để giúp dân đối thoại, nhà giảng thuyết "cần để tai nghe dân và xem các tín hữu cần nghe những gì," (Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, # 154) hầu giúp họ lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

phailamgi_Các linh mục có thể nói chuyện chính trị trong các bài giảng lễ không_cv2.jpg
Ảnh: Unsplash

Một Tin Mừng có hàm ý chính trị

Ở đây, cần để ý rằng, mặc dù Lời Chúa mà nhà giảng thuyết đại diện Chúa công bố ở giảng đài là Lời Cứu độ, Lời Chữa lành, Lời Cứu Thoát… giúp phục hồi tận căn mối quan hệ giữa con người với Đấng Tạo Hóa, nhưng Lời hay Tin Mừng của Chúa cũng có "những hàm ý chính trị rõ rệt đối với cá nhân và xã hội," (Docat, # 207) đến độ "tách rời thông điệp xã hội của Tin mừng ra khỏi sứ điệp Đức tin của Tin mừng, chẳng khác nào chia tách Tin mừng của Đức Kitô làm đôi." (Docat # 30)

Trong thực tế, chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: "Của Caerar, trả về Caerar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mt 22, 21). Ngài cũng đã từng gọi Hêrôđê là "con cáo già" (Lc 13,31). Cách đặc biệt, chính Ngài cũng đã đấu tranh cho phẩm giá của con người, khi khẳng định rằng "con người làm chủ ngày Sa Bát" (Mt 12, 8)…

Những Bài giảng có hàm ý chính trị

Không kể những thánh lễ ngoại lịch được Hội thánh tha thiết mời gọi các tín hữu cử hành khi có nhu cầu, đã được Giáo hội soạn sẵn trong Sách Lễ Roma, như: lễ cầu cho công lý và Hòa Bình, cầu cho Tổ quốc, cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia, cầu cho chấm dứt chiến tranh, cầu cho các Hội nghị Thượng đỉnh… mà tự nó đã hàm một nghĩa chính trị khi cử hành, thì cũng đã có các Giám mục dùng lời Chúa để soi vào các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Xin đơn cử:

Ngày 13/8/2017, tại Linh địa La Vang, nhân lễ khai mạc Đại hội La Vang lần thứ 31, trong bài giảng lễ, sau khi cắt nghĩa Lời Chúa, Đức Tổng Giám mục Léopoldo Girelli đã nói:

"Trình thuật tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thờ khiến chúng ta nghĩ đến tình hình ở Việt Nam. Nhất là trong một số tỉnh Việt Nam, các nhà chức trách dân sự đang quan ngại và trách cứ những người Công Giáo và các sinh hoạt của người Công Giáo.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho cha mẹ Ngài sẽ làm sáng tỏ vấn đề: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Cũng những lời tương tự, chúng ta có thể nói như thánh Phêrô Tông Đồ rằng, “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29) hoặc chúng ta có thể lặp lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu, “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Lc 20, 25).

Vì lý do đó, tôi muốn ngỏ lời với các Caesar Việt Nam, “Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Thực vậy, tự do tôn giáo không phải là một cái gì tuỳ tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân.

Nhiều người trên thế giới những ước mong quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà
." (Hết trích) (đọc toàn bộ bài giảng ở đây.)

phailamgi_Các linh mục có thể nói chuyện chính trị trong các bài giảng lễ không.jpg
Đức Tổng Giám mục Léopoldo Girelli giảng lễ tại La Vang. Ảnh: giaophandanang.org

Tương tự như vậy, trong bài giảng lễ tại Sở Kiện, dịp khai mạc năm thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam năm 2010, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, trong bài giảng do Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đọc, có đoạn:

"Chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng và rất cám ơn sự chiếu cố tận tình của đại biểu chính quyền các cấp, ngoại giao đoàn, tôn giáo bạn, bà con lương dân không cùng niềm tin, trong dịp đại lễ khai mạc hôm nay. Nhiều người cho rằng người công giáo có xu hướng cục bộ, khép kín. Nhưng sự hiện diện của quý vị và những gì diễn ra tại đây, đang chứng minh ngược lại. Do hoàn cảnh lịch sử, xã hội phức tạp, do vô tình hoặc ác ý từ phía nọ phía kia, có khi do cách sống phần nào lệch lạc của một số tín đồ, mà hình ảnh Thiên Chúa đã bị xuyên tạc méo mó và Giáo Hội công giáo đã bị ngộ nhận hiểu lầm. Qua ngày khai mạc năm thánh hôm nay, chúng tôi muốn gửi đến tất cả những ai không cùng niềm tin, thông điệp của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo, thông điệp của sự hòa đồng không biên giới, “mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ và màu da”. Chúng tôi muốn chia xẻ khát vọng mở rộng vòng tay thân ái của người có đạo, của Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi với tất cả những ai, cách này hay cách khác, đã không hài lòng về người công giáo và về Giáo Hội công giáo. Đã đến lúc người Việt nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia xẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng tương lai. Tắt một lời: mang trái tim Việt Nam, trên đất mẹ thân yêu hay ở bất kỳ đâu, người Việt Nam là anh em một nhà."

Tóm lại

Việc các linh mục được hay không được phép nói về chính trị trong các bài giảng lễ cho tới nay vẫn chưa có lời giải, vì trong thực tế, cũng không có lệnh cấm cụ thể nào từ phía bản quyền.

Tuy nhiên, điều cần để ý, Tòa giảng là nơi công bố Lời Chúa. Việc rao giảng Lời Chúa trong phụng vụ là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Vì thế, tuyệt đối không được lạm dụng bài giảng cho bất cứ mục tiêu nào khác, nhất là dùng tòa giảng để cổ võ cho những ý thức hệ chính trị.

Nhưng, trong một số hoàn cảnh cụ thể, hay trong các thánh lễ ngoại lịch, vì Lời Chúa có những hàm ý chính trị đối với cá nhân và xã hội, nên nhà giảng thuyết có thể dùng Lời của Chúa để soi vào những sự kiện chính trị cụ thể để xem Chúa muốn nói gì với Dân Chúa lúc này.​
 

Đất Thánh các linh mục - Tổng Giáo phận Sài Gòn

5:23364 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên