phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
316

“Đồng hành cùng dân tộc” là chọn lựa mục vụ của Giáo hội Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Chọn lựa này được thể hiện tại thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, các giám mục hai miền Nam - Bắc, nhóm họp Hội nghị tại Hà Nội từ ngày 24/4 – 1/5/1980.


hdgm1980-da-sua.jpg

Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội từ ngày 24/4-1/5/1980. Ảnh: HĐGMVN

Chọn lựa của đức tin

Cần biết rõ, chọn lựa "Đồng hành cùng dân tộc" không phải là sáng kiến mục vụ của các Đức Giám mục Việt Nam trong bối cảnh xã hội Việt Nam sau ngày đất nước liền một dải.

Nhưng đó là một chọn lựa khởi đi từ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Ngài đã đến trong nhân loại và trở nên đồng thân đồng phận với mọi con người trong mỗi quốc gia, dân tộc.

Vì thế "đồng hành cùng dân tộc" là một đòi buộc của đức tin. Theo "giáo huấn trong Thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các Kitô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế." (Phanxicô, Thư gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam, ngày 8/9/2023)

Đây cũng là đường hướng của Công đồng Vatican II, thể hiện rõ trong Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” ban hành ngày 7/12/1965:

"Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Vì thế, cộng đoàn ấy nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại.”(Hiến chế Mục Vụ, # 1)

Như vậy, chọn lựa "đồng hành cùng dân tộc" là chọn lựa tất yếu của Giáo hội mọi thời và mọi nơi. Giáo hội Chúa Kitô là Giáo hội được thiết lập vì ơn Cứu độ của tất cả mọi người, nên không thể không đi cùng các dân tộc.

TinhnguyenvienCongGiao.jpg
Các nữ tu Công giáo tham gia chống dịch Covid 19. Ảnh: Baochinhphu

"Dân tộc" trong "đồng hành cùng dân tộc"

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chữ "dân tộc". Đôi khi, người ta còn cố tình bóp méo nó, chính trị hóa nó và đồng hóa nó với một tổ chức, một thể chế chính trị.

Trước những hiểu lầm hay cố ý gán ghép làm sai nội hàm của hai tiếng "dân tộc", các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam, trong bản Nhận định về Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo năm 2016, gửi bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Kim Ngân, ngày 01/06/2017, đã nói rõ:

Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách

Theo ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, luôn đồng hành với dân tộc, vì các tôn giáo khơi dậy những giá trị tinh thần cao quý trong lòng người, dạy các tín đồ của mình tôn trọng công bằng và lẽ phải, sống từ bi bác ái, tôn trọng mọi người vì chính phẩm giá của họ, và như thế, góp phần phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cộng tác tích cực vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh." (hết trích)

image-20210922225747-1.jpeg
Các Tu sĩ Thành phố HCM lên đường tham gia chống dịch Covid 19, ngày 22/7/2021. Ảnh: TGP Sài Gòn

Tóm lại

Chọn lựa "Đồng hành cùng dân tộc" là một chọn lựa phù hợp với đức tin, với huấn quyền của Hội thánh. Tuy nhiên, cần ý thức rõ, "Đồng hành với dân tộc" là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam, như chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… hoàn toàn không có nghĩa đồng hành với một tổ chức hay với một chế độ.​
 

Giấc mơ Docat của Đức Thánh Cha Phanxicô

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên