phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
364

Năm cứu độ thứ 2024 sắp kết thúc. Đối với Giáo hội Công giáo, năm 2024 là một năm nhiều thách đố, với nhiều biến cố đan xen, gây ra sự thất vọng, nhưng cũng đem lại nhiều hy vọng.


phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_cv.jpg

1. Chúc lành cho các "cặp đồng tính" và các đôi hôn phối bất hợp thức

Mặc dù, tuyên ngôn “Fiducia supplicans” của Bộ giáo lý Đức tin về "ý nghĩa của các chúc lành" được chính thức ban hành vào ngày 18/12/2023, nhưng dư âm và những tác động của nó tiếp tục kéo dài nhiều tháng sau đó.

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, một tuyên ngôn của một Bộ lại chịu nhiều sự phê phán như bản Tuyên ngôn “Fiducia supplicans”. Nhiều hội đồng Giám mục, đặc biệt tại Châu Phi đã lập tức ra tuyên bố "việc chúc phúc cho các cặp đồng giới “không được phép” ở quốc gia của họ."

Những phản ứng mạnh mẽ này đã buộc Bộ giáo lý Đức tin phải có những giải thích, nhưng càng giải thích sự việc càng rối và đến nay, sự việc đã tạm lắng dịu trở lại như trước đây, vì Tuyên ngôn này thực sự không đưa ra những gì mới.

phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_1.jpg

2. Thượng Hội đồng về hiệp hành

Sự kiện thứ hai thu hút sự chú ý và ảnh hưởng tới Giáo hội là kỳ họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Hiệp hành diễn ra tại Roma, từ ngày 2 -27/10/2024. Kết thúc khóa họp, thay cho một Tông huấn của Đức Giáo hoàng, Thượng hội đồng đã ban hành một "Tài liệu chung kết", đưa ra những định hướng. Những định hướng này, mặc dù không có tính pháp lý, nhưng thuộc vào huấn quyền của Hội thánh.

Tập Tài liệu đặt ra nhiều vấn đề, như vai trò của giáo dân trong Giáo hội; việc phong chức phó tế cho phụ nữ; việc sửa đổi Giáo luật và cả phụng vụ để có tính hiệp hành nhiều hơn; tính minh bạch để tiếu trừ những lạm dụng trong Giáo hội; sự cần thiết phải hoán cải các mối tương quan… đồng thời, để ngỏ và mời gọi mọi thành phần dân Chúa tiếp tục phân định, suy tư theo "phong cách hiệp hành" là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong mọi thành phần dân Chúa.

Theo tập Tài liệu, "Giáo hội là Hiệp hành". Vì thế, Thượng hội đồng về hiệp hành đã kết thúc, nhưng tiến trình hiệp hành phải tiếp tục. Đó chính là thách đố cho Giáo hội hôm nay.

phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_2.jpg
Ảnh: Vatican Media

3. Lễ khai mạc thế vận hội Olympic Paris 2024

Sự kiện thứ ba, tuy là một sự kiện xã hội, nhưng đã tác động và gây xúc động nhiều cho người Công giáo khắp nơi trên toàn cầu là lễ khai mạc với tiết mục bị coi là báng bổ Công giáo, khi hình ảnh bữa tiệc ly bị đem ra nhạo báng, buộc Tòa thánh phải chính thức lên tiếng.

Dẫu đây là một sự kiện đáng buồn, nhưng cũng cho thấy những dấu chỉ của thời đại; trong đó, nhân loại đã đi quá xa trong việc phủ nhận hoàn toàn những chân lý siêu nhiên và tự nhiên để chỉ còn sống theo bản năng hoang dã; sự kiện này cũng đòi Giáo hội phải canh tân chính mình để đáp ứng với những nhu cầu của thời đại.

Tại Pháp, lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris, với sự tham dự của hàng trăm nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống đắc cử Donald Trump, cũng là một sự kiện xã hội - tôn giáo đặc biệt, nhắc nhở các quốc gia Phương Tây, phải nhanh chóng trở về với nền văn hóa Kitô giáo, nếu không muốn đất nước tan rã.​
phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_3.jpg
Ảnh: linetyviolette.pages.dev

4. Chuyến Tông du lịch sử của Đức thánh cha tại các nước Châu Á và Châu Đại Dương

Đối với các nước Châu Á, cách riêng các nước Đông Nam Á, chuyến Tông du các nước Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste (Đông Timor) và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, đã để lại nhiều ấn tượng và hy vọng cho các quốc gia này.

Đây là chuyến đi dài ngày nhất: 11 ngày và di chuyển nhiều nhất: 40.000 km, trong triều đại Giáo hoàng của Đức thánh Cha Phanxicô.

Chuyến đi được coi là "một hành động khiêm nhường và vâng phục sứ vụ," nhằm khích lệ người Công giáo Á Châu, đặc biệt tại các quốc gia mà đàn chiên thuộc số nhỏ.

phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_4.jpg
Ảnh: Ucannews

5. Khai mạc Năm Thánh 2025

Sự kiện quan trọng cuối cùng trong năm 2024 là sự kiện: Đức thánh cha Phanxico chính thức mở cử Thánh khai mạc Năm thánh thường kỳ 2025 với chủ đề "Những khách hành hương của Hy vọng" vào đêm 24/12/2024 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng lễ khai mạc, Đức thánh cha mời gọi các tín hữu cùng bước vào Năm thánh với nhiệm vụ "mang lại niềm hy vọng ở những nơi đã mất, ở nơi cuộc sống bị tổn thương, những kỳ vọng bị phản bội, những giấc mơ tan vỡ, những thất bại làm tan nát trái tim; trong sự mệt mỏi của những người không thể chịu đựng được nữa, trong nỗi cô đơn cay đắng của những người cảm thấy thất bại, trong nỗi đau khổ ăn sâu vào tâm hồn; trong những ngày dài và trống rỗng của tù nhân, trong những căn phòng chật hẹp và lạnh lẽo của người nghèo, ở những nơi bị chiến tranh và bạo lực tàn phá."

phailamgi_Công giáo thế giới năm 2024 Nhiều thách đố trước ngưỡng cửa hy vọng_5.jpg
Ảnh: Vatican Media

Trên đây chỉ là những sự kiện tiêu biểu được chọn có chủ ý nhằm cho thấy, trong năm 2024, Giáo hội đang phải tiếp tục đối diện với nhiều nan đề, từ bên trong tới bên ngoài, những khủng hoảng về căn tính, về lãnh đạo… những đe dọa đến từ một thế giới tục hóa; đồng thời cũng cho thấy một Giáo hội đang không ngừng nỗ lực canh tân nhằm giải quyết các khủng hoảng, các nan đề, tiến tới một Giáo hội hiệp hành 'cùng loan báo Tin mừng Cứu độ".

Năm Thánh Hy vọng là dịp quan trọng để làm điều đó, trong niềm tin và hy vọng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa, qua lời Chúa hứa: "Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).​
 

Đức Thánh Cha chủ sự Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ đêm Giáng Sinh

49:21241,590 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên