Lịch sử Công giáo miền Tây Nam bộ: Giai đoạn 1844 - 1884

5.00 star(s) 2 Votes
Thành viên
Tham gia
5/2/24
Bài viết
122

Tân địa phận tông tòa Tây Đàng Trong được thành lập vào giữa lúc cuộc bách hại đạo dưới thời Thiệu Trị ngày càng lan rộng. Vị tân giám mục tông tòa, đức cha Lefèbvre, mặc dù còn chưa nhận chức vụ, nhưng đã bị triều đình truy lùng gắt gao và ngày 31/10/1844, ngài bị bắt tại Cái Nhum, nơi ngài đã hoạt động lâu năm trước đó,[1] cùng với một số hương chức trong làng.​


Lịch sử Công giáo miền Tây Nam bộ Giai đoạn 1844 - 1884_cv1.jpg
Một buổi hành quyết Ki-tô hữu trong thời kì bách hại đạo Công giáo thời Nguyễn. Ảnh: nhathothaiha.net

Sau đó, ngày 12/6/1845, ngài được trả tự do khi một chiến thuyền của Pháp tới Đà Nẵng đe dọa trừng phạt triều đình nếu không thả ngài. Ngày 7/06/1846, trên đường trở lại Đàng Trong từ Sigapore, khi đến Cần Giờ, ngài bị bắt lần thứ hai, cùng với chủ tầu là doanh nhân Mátthêu Lê Văn Gẫm và ngày 03/02/1847, ngài bị dẫn độ sang Sigapore giao trả cho quan toàn quyền người Anh.[2] Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, người ta lại thấy ngài xuất hiện ở vùng truyền giáo.

Ngày 04/11/1847, vua Thiệu Trị băng hà. Hoàng Nhậm, người con thứ của Minh Mạng lên ngôi vua, hiệu là Tự Đức. Ngay khi lên ngôi, Tự Đức đã ban hành chiếu chỉ đại xá cho các tù nhân, trừ các tử tù. Nhiều người công giáo bị bắt giam trước đó được thả, làm cho các thừa sai tràn đầy hy vọng vào sự cởi mở của vua Tự Đức. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy sớm bị dập tắt, chưa đầy một năm sau khi lên ngôi, tháng 7 năm 1848, Tự Đức đã ban hành chỉ dụ cấm đạo đầu tiên do nghi ngờ người Công giáo tiếp tay cho hoàng tử Hồng Bảo giành lại ngôi vua. Những năm tiếp theo, Tự Đức còn ban các chỉ dụ cấm đạo vào năm 1851, 1854 và nhiều chỉ dụ khác sau khi thực dân Pháp lần đầu tiên nổ súng vào Đà Nẵng (1856).

Trong những năm tháng khó khăn này, tại Tây Đàng Trong, các thừa sai hầu hết phải sống đời hầm trú, trong khi “đức giám mục giáo phận sống chủ yếu trên thuyền.”[3] Mọi hoạt động mục vụ đều do 25 linh mục người Việt đảm trách, cùng với sự giúp sức của 30 thầy giảng và 120 nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Giáo phận được chia làm 12 hạt: Đất Đỏ, Tân Triều, Lái Thiêu, Thủ Đức ở phía Bắc; Thị Nghè, Chợ Lớn vùng phụ cận Sài Gòn; Thủ Ngữ, Xoài Mút, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi San và Đầu Nước (Cù Lao Giêng) ở phía Tây. Mỗi hạt có hai hoặc ba linh mục lưu động hết họ đạo này sang họ đạo khác, ban phát các bí tích cho các bệnh nhân, ngồi tòa hòa giải và dâng thánh lễ. Phải nói, các ngài là những người đã giữ vững được tòa nhà Giáo hội trong cơn bão tố. Nhiều vị đã làm vinh danh cho chức linh mục của mình, không một vị nào tỏ ra yếu đuối trong thử thách, tra tấn, tù đày. Nhiều đấng đã chết vì đạo”[4] như thánh Giuse Phan Văn Minh (linh mục, tử đạo ngày 03/7/1853), thánh Phêrô Đoàn Công Quý (linh mục, tử đạo ngày 31/7/1859), thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (linh mục, tử đạo ngày 18/3/1861). Bên cạnh các linh mục can trường tử đạo, còn có không biết bao giáo dân miền Tây Nam Bộ đã anh dũng tuyên xưng đức tin và chết vì đạo, trong đó có các giáo dân được tuyên thánh như: thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, sinh tại Cái Nhum, bị bắt tại Mặc Bắc ngày 24/2/1853 vì chứa chấp linh mục Phan Văn Minh và chết trong tù nhận phúc tử đạo ngày 02/5/1854; thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, sinh tại họ Đầu Nước, giáo xứ Cù Lao Giêng, thuộc giáo phận Long Xuyên ngày nay, bị bắt ngày 7/01/1859, vì chứa linh mục Đoàn Công Quý trong nhà và bị xử giảo ngày 31/7/1859… Trong một bức thư viết vào tháng 5/1860, đức giám mục Lefèbvre cho biết: “Cuộc bách hại gia tăng khắp nơi. Không ngày nào là không có người bị bắt. Hiện tại trong giáo phận của tôi có 386 tín hữu mang gông cùm và xiềng xích nằm trong ngục.”[5] Con số này còn cao hơn nữa trong năm 1861, do sự lùng bắt các quý chức. Nhiều vụ tàn sát tập thể diễn ra như tại Ba Giồng (Tân Hiệp) và Hữu Đạo (Cai Lậy) (1861) hay tại Biên Hòa và Bà Rịa (1861-1862) với hàng trăm nạn nhân bị thiêu cháy trong các nhà tù.

phailamgi_lienquanphaptaybannhatancongdanang.jpg
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng. Ảnh: VnExpress
Ngày 01/9/1858, quân đội Pháp, với sự yểm trợ của Tây Ban Nha, nổ súng vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh thuộc địa, kéo dài suốt gần một thế kỷ. Sau khi chiếm được Đà Nẵng, thay vì đánh ra Huế hoặc Hà Nội như nhiều vị thừa sai mong mỏi, chính phủ Pháp, sau những cân nhắc thiệt hơn, đã quyết định tiến đánh Sài Gòn. Ngày 17/2/1859, thành Phiên an (Sài Gòn) thất thủ. Sau khi chiếm được Sài Gòn, với mục đích thiết lập cơ sở thuộc địa ở Việt Nam, đội quân viễn chinh Pháp, thay vì biến Sài Gòn thành bàn đạp tiến ra Huế hoặc miền Bắc, đã tìm cách mở các cuộc thương thuyết với triều đình Huế. Nhiều cuộc thương thuyết đã diễn ra sau đó và cuối cùng, với những thỏa thuận đã đạt được, ngày 5/6/1862, tại Trường Thi (hiện là Nhà Văn Hóa Thanh Niên Tp. HCM), Phan Thanh Giản đại diện triều đình Huế, ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường và chấp nhận bồi thường 4 triệu đô la cho chính phủ Pháp. Ngay lập tức, người Pháp lo tổ chức lại việc cai trị và phân gianh hành chính của ba tỉnh đó.

Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862), việc triều đình nhường ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, đã gây nên sự bất bình cho giới nho sĩ, quan lại đương thời, người công giáo Nam Bộ tiếp tục trở thành nạn nhân của cuộc bách hại, với hàng trăm nạn nhân bị giết, nhà thờ bị đốt phá. Một cuộc “tổng nổi dậy đã được tổ chức hầu như khắp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.”[6] Tình trạng hỗn loạn kéo dài cho tới đầu năm 1863, khi thượng tướng hải quân Jaures từ Thượng Hải tới, giúp toàn quyền Louis Adolph Bonard bình định xứ thuộc địa. Tại các tỉnh miền Tây Nam Kỳ, do mãi tới năm 1867, thực dân Pháp mới đặt quyền cai trị trên vùng đất này, nên tình hình cũng không khác mấy so với khu vực miền Đông, nhiều nơi tình hình có phần căng thẳng hơn. Trong bản phúc trình ngày 30/12/1867, đức giám mục Miche cho biết: đầu năm 1868, một giáo hữu ở Cà Mau bị mất tích; một giáo hữu ở Vĩnh Long là quản Trung và 8 người chèo thuyền bị bắt và bị giết; tháng 9/1867 đã xảy ra các cuộc tấn công các nhà thờ tại Bến Tre, với khoảng 300 giáo dân bị bắt, nhốt, đánh đập như súc vật, trong đó có 4 nhà thờ bị thiêu hủy và 7 tín hữu bị sát hại.[7]

phailamgi_Duong bien A1.jpg
Bản đồ đường biên giới Viêt Nam - Campuchia thời Nguyễn. Ảnh. Tiasang.com.vn

Trong giai đoạn này, một sự kiện quan trọng ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển của Công giáo tại miền Tây Nam Bộ là việc Tòa thánh, vào năm 1870, đã ra sắc lệnh sát nhập hai tỉnh An Giang và Hà Tiên vào địa phận Cao Miên – giáo phận Cao Miên được tách ra từ giáo phận Tây Đàng Trong năm 1850. Kể từ đây, một nửa miền đất Tây Nam Bộ gồm các tỉnh Định Tường và Long Hồ trực thuộc địa phận Tây Đàng Trong; nửa kia, gồm Châu Đốc (An Giang) và Hà Tiên trực thuộc địa phận Cao Miên.

Theo các nhà nghiên cứu, sau hiệp ước Giáp Tuất (15/03/1874), với việc triều đình giao nốt ba tỉnh miền Tây Nam Bộ cho Pháp, công giáo Nam Kỳ không còn bị đàn áp như trước, mặc dù sự chống đối trong nhân dân vẫn còn âm ỉ. Dưới thời Văn Thân, các Văn Thân cũng hoạt động mạnh ở Nam Kỳ, nhưng đều bị chính quyền thuộc địa ngăn chặn, đàn áp, nên thiệt hại không lớn như tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Sau Hòa ước Giáp Thân (6/6/1884), triều đình Huế nhìn nhận sự bảo hộ của Pháp trên Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Kể từ đây, Công giáo Việt Nam, đặc biệt tại Nam Kỳ, được tự do phát triển trong một quốc gia mất chủ quyền.​

Tác giả: Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R

[1] Đức cha D. Lefèbvre đến Việt Nam khoảng năm 1835 và bắt đầu coi sóc tiểu chủng viện ở Tây Đàng Trong. Ngài thường xuyên cứ trú lại Cái Nhum và Cái Mơn. Sau khi lãnh sứ vụ giám mục, ngài tiếp tục ở Cái Nhum và bị bắt tại đây.
[2] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 117-118.
[3] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển, 182.
[4] Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, 150 năm Giáo phận Tây Đàng Trong: Tổng Giáo phận Sài Gòn 1844-1994 (Tư liệu Lịch sử do một Phó Tiến sĩ Sử học biên soạn, Tài liệu học hỏi trong Năm Toàn xá 1994, Lưu hành nội bộ), 20.
[5] E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, tome II (Paris 1885), 296.
[6] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 307.
[7] Kho lưu trữ của Hội truyền giáo AMEP vol. 756. No 52. Dẫn lại từ Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập II: Thời kỳ Thử thách và Phát triển (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 308.

Xem thêm:
 

Quyền và trách nhiệm - Giáo huấn xã hội Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên