Mật nghị Hồng Y: Đâu là phần "mật", đâu là phần được công khai?

5.00 star(s) 1 Vote
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
1,062

Khi một Giáo hoàng từ nhiệm hoặc qua đời, toàn thể Giáo hội Công giáo bước vào một thời khắc trọng đại: mật nghị Hồng y để bầu chọn vị kế nhiệm.​

Từ "mật nghị" (conclave) xuất phát từ tiếng Latinh cum clave, nghĩa là "khóa kín", ám chỉ việc cách ly các Hồng y cử tri để đảm bảo quá trình bầu chọn được bảo mật tối đa. Theo Hiến chế Universi Dominici Gregis do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1996, các nguyên tắc bảo mật được thiết lập rất nghiêm ngặt: "Những ai tham dự mật nghị, dù với bất cứ vai trò nào, đều phải tuyên thệ giữ bí mật trọn đời" (#48).​

phailamgi_Mật nghị Hồng Y Đâu là phần mật, đâu là phần được công khai_cv1.jpg

Phần "mật" trong mật nghị​

Trong thời gian diễn ra mật nghị tại Nhà nguyện Sistina, các Hồng y được phép tự do thảo luận về tình hình Giáo hội, các thách thức và ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, mọi nội dung trao đổi, danh tính người bỏ phiếu, các cuộc vận động, cũng như những cảm xúc hay hành động bên trong quá trình bầu chọn đều được giữ tuyệt mật.

Phiếu bầu hoàn toàn kín, mỗi Hồng y ghi tên ứng viên lên tờ phiếu riêng và bỏ vào hòm phiếu. Mọi hình thức tiết lộ thông tin, ghi âm, truyền tải ra bên ngoài đều bị nghiêm cấm. Giáo luật quy định, những ai vi phạm có thể bị vạ tuyệt thông tiền kết (excommunication latae sententiae), áp dụng ngay lập tức.

Trước khi mật nghị bắt đầu, toàn thể Hồng y cử tri và nhân viên phục vụ cùng tham dự nghi thức tuyên thệ long trọng, cam kết giữ bí mật mọi sự (UDG, #48-55)

phailamgi_Mật nghị Hồng Y Đâu là phần mật, đâu là phần được công khai_cv2.jpg

Phần được công khai​

Dù "khóa kín", nhưng mật nghị vẫn có những yếu tố công khai nhằm duy trì sự kết nối thiêng liêng với cộng đoàn tín hữu. Ngày khai mạc mật nghị được thông báo chính thức; danh sách các Hồng y dưới 80 tuổi đủ tư cách bỏ phiếu và các Hồng y quá tuổi cũng được công bố rộng rãi.

Bên cạnh đó, quy trình bỏ phiếu, số phiếu cần thiết để đạt được điều kiện trở thành Giáo hoàng đều đã được công bố và công khai rộng rãi trong Hiến chế Universi Dominici Gregis của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

Nghi thức khai mạc, Thánh lễ "Pro Eligendo Pontifice" – cầu nguyện cho việc chọn Giáo hoàng – diễn ra tại Đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của giáo dân toàn thế giới, như một lời mời gọi hiệp thông trong cầu nguyện.

Một trong những khoảnh khắc được chờ đợi nhất là tín hiệu khói: sau mỗi vòng bỏ phiếu, khói đen bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistina báo hiệu chưa có kết quả, còn khói trắng loan tin đã bầu chọn thành công vị Tân Giáo hoàng.

phailamgi_Mật nghị Hồng Y Đâu là phần mật, đâu là phần được công khai_1.jpg

"Habemus Papam"​

Khi một ứng viên nhận được ít nhất 2/3 số phiếu bầu, Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn sẽ ra mắt công chúng tại ban công đền thờ Thánh Phêrô, tuyên bố "Habemus Papam" – "Chúng ta đã có Giáo hoàng". Sau đó, vị Tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện, ban phép lành "Urbi et Orbi" – cho thành Roma và toàn thế giới, đánh dấu khởi đầu một triều đại mới.​

  • Ảnh trong bài: Vatican Media
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên