- Chủ đề Author
- #1
Không ai là một hòn đảo. Docat số 100 nói: “Nguyên tắc liên đới diễn tả chiều kích xã hội của con người. Không ai có thể sống cho riêng mình, mà luôn dựa vào người khác, không chỉ để nhận sự giúp đỡ thực tế, mà còn trò chuyện để thăng tiến, nhờ hiểu biết các ý tưởng, lý lẽ, nhu cầu, mong ước của người khác và để có thể phát triển nhân cách mình trọn vẹn hơn”.
Sự liên đới không chỉ nói về những mối tương quan trong chiều kích xã hội, mà còn là một nhân đức luân lý, giúp người ta khắc phục “các cấu trúc tội lỗi”, xây dựng “nền văn minh tình yêu”. Vì liên đới là sự chủ tâm hỗ trợ mọi người cách thực tế để họ được sống cách tốt đẹp, không đừng lại chỗ “hô khẩu hiệu”, đồng thời nhắc nhớ mọi người rằng, họ là những kẻ mắc nợ xã hội, mà trong đó, họ là một thành phần (Docat 102)
Bài giảng trên núi của Đức Giêsu nổi tiếng vì nhiều lần đã kêu gọi mọi người lấy đức hiền hòa, lòng chân thành và sự trợ giúp cụ thể đối với tha nhân, đừng xét đoán, giận dữ và trả thù, vì không những vi phạm giới luật mà còn láo xược xét đoán cả Chúa và chương trình của Chúa về người ấy hay về điều ấy.
Con người không thể ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta gột rửa thói quen lấy mình là trung tâm, là nguyên lý cho mọi lý luận của mình, để có cái nhìn đức tin – cái nhìn của Chúa, ta sẽ thấy tha nhân trở nên dễ mến và đáng quý hơn; tâm hồn ta sẽ tiến tới trạng thái an bình và hòa giải, cùng sự khôn ngoan để ứng phó với các biến cố trong đời sống.
Vì đức tin không hành động là đức tin chết” (Gcb 2,17), thứ đức tin đó vô dụng, chẳng đem lại lợi ích nào, chỉ vứt vào sọt rác! Đức tin chân thật thì khác, nhờ sự liên đới với Chúa và tha nhân, nó sẽ chữa lành những tổn thương, loại bỏ những thái độ chống đối, bất mãn đối với mọi sự, kể cả với Thiên Chúa và bản thân.
Chúng ta không thể tạo nên bầu khí thanh tịnh lành mạnh cho linh hồn để làm chủ được mọi tình thế, nếu không có sự tin tưởng phó thác cho quyền năng Chúa, như trẻ thơ ngủ yên không chút lo lắng ưu tư trong lòng mẹ. Người có đức tin chân thật vào Chúa, tâm trí sẽ không còn lo âu phiền muộn về mọi chuyện xảy ra, vì có Chúa quan phòng, an bài mọi sự cách khôn ngoan.
Việc cầu nguyện, suy niệm, chiêm ngắm phải đặt mình trong đức tin, ý thức mình đang hiện diện trước Chúa, thì mới khám phá ra “cảnh vực thần linh” đang cuốn mình vào, và làm cho đức tin phát triển.
Đức tin chân chính chỉ được sinh ra trong sự cầu nguyện, và cho thấy ta chỉ là một chi thể, liên đới với các chi thể khác để hình thành nên Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Kitô (1Cr 12,12-27). Phải học cho biết cách lắng nghe thân thể mình, tìm ra những lợi ích của các chi thể khác để quý mến và liên đới, chứ không nhìn vào mình với những lợi ích riêng mình (Rm 12, 3-8/ Pl 2, 3t). Nếu có sự vướng mắc nào trong đời sống đức tin, sự liên đới với các chi thể khác, hãy hỏi Đấng là Đầu của Thân thể, để có cái nhìn của Chúa trong mọi sự (Rm 8, 28-30) và để biết mình phải làm gì!
Công đồng Vatacano II đã công bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ (GS 1).
Phải làm gì?
Docat 101: Tình liên đới có thể đi xa đến đâu?
Trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta vui vì các đường biên giới trở nên ít quan trọng hơn trước, các vùng miền trên thế giới trở nên gần nhau hơn, và giao tiếp truyền thông có thể vào đúng thời điểm thực tế. Tuy nhiên, toàn cầu hoá vẫn ẩn chứa những mối hoạ lớn: biến động về kinh tế hay chính trị ở vùng này gây hệ quả tức thời đến dân chúng đang sống ở miền xa xôi khác. Dù nguyên tắc bổ trợ vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng từ quan điểm đạo đức, chúng ta phải học cách suy nghĩ mở rộng ra toàn cầu. Nhiều vấn đề như nạn đại dịch, và nạn di cư ồ ạt, chỉ có thể giải quyết ở cấp độ toàn cầu, nếu chúng ta muốn đạt tới những giải pháp dài hạn, ổn thoả cho tất cả mọi người trên hành tinh trái đất này.