Ngày Xuân: Ý nghĩa của việc thánh hoá công ăn việc làm

5.00 star(s) 2 Votes
Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
668

Giáo hội Công giáo đặc biệt dành ngày thứ 3 của năm mới âm lịch để xin Chúa Thánh hóa Công ăn việc làm, nhằm biểu thị lòng biết ơn cũng như xin ơn chúc lành và trợ giúp cho mọi công việc làm trong năm mới.​


Cover_làm phép tàu biển mùng 3 tết_phailamgi.jpg

Làm phép tàu biển trong ngày lễ Thánh hóa Công ăn việc làm mùng 3 tết. Ảnh: Truyền thông giáo xứ Ba Làng - Thanh Hóa

Một số quan điểm về lao động

Giáo trình Phân tích lao động xã hội của Khoa kinh tế lao động – ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định rằng, lao động là hoạt động có mục đích của con người, qua đó tác động vào thế giới tự nhiên cải biến chúng thành những vật có ích phục vụ nhu cầu của con người.

Kinh tế học Mác – Lênin thì lại cho rằng, lao động cũng là hoạt động có mục đích, ý thức để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho đời sống con người.

Bộ luật Lao động 1994 cũng có định nghĩa tương tự, “Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội.”

Các nhận định trên đều có một điểm chung, đều công nhận vai trò hết sức quan trọng của lao động đối với đời sống con người, là tạo ra của cải vật chất để phát triển con người, xã hội trở nên văn minh và hiện đại.​

Ý nghĩa thực sự của lao động đối với con người

Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo xác định: “Có khả năng làm việc, có công ăn việc làm, và có thể tạo nên một thành tựu nào đó cho bản thân và người khác, là nguồn hạnh phúc lớn lao đối với nhiều người.” (Docat #134)

Chính vì thế, khi lao động, con người có thể phát triển được những thiên hướng và những năng lực của mình, cũng như tham gia vào sự tiến bộ của đời sống xã hội.

làm phép tàu_phailamgi.jpg
Linh mục làm phép tàu biển của ngư dân. Ảnh: Truyền thông giáo xứ Ba Làng - Thanh Hóa

Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của lao động không chỉ dừng lại ở tạo ích lợi cho bản thân, mà cón có thể trở thành công việc phục vụ giá trị cho những người lân cận.

Trái đất được Thiên Chúa tạo dựng và trao lại cho con người như một tặng phẩm quý giá. Con người khi lao động, chính là lời đáp trả với lòng biết ơn với Thiên Chúa. (x. Docat #136)

Lao động không chỉ là để con người có khả năng kiếm sống, mà còn để trở nên giống Chúa hơn, thông qua việc canh tác trái đất một cách bền vững, sáng tạo và phát triển hết tiềm năng của trái đất, (x. Docat #134) được dự phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Tóm lại

Lao động là một món quà của Thiên Chúa, và là một cách cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và cứu độ thế giới. Càng lao động, con người càng trở nên giống Chúa hơn. Chính Chúa Giê-su cũng là người lao động, vì “về mọi phương diện giống như ta, nhưng không phạm tội” (Công đồng Chalcedon, năm 451, trích dẫn Dt 4,15)​

Phải làm gì?​

Docat 134: Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?

Có khả năng làm việc, có công ăn việc làm, và có thể tạo nên một thành tựu nào đó cho bản thân và người khác, là nguồn hạnh phúc lớn lao đối với nhiều người. Thất nghiệp, không được cần tới, khiến người ta thấy mình như bị tước mất phẩm giá. Qua công việc, con người phát triển những thiên hướng và năng lực của mình, cũng như tham gia vào sự tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hoá. Lao động đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa ra lệnh cho con người chinh phục trái đất (St 1,28), bảo tồn và trồng trọt. Lao động có thể trở thành công việc phục vụ giá trị dành cho đồng loại. Hơn thế nữa, việc canh tác trái đất một cách bền vững và sáng tạo để phát triển tiềm năng trái đất, khiến con người trở nên giống như Đấng Tạo Hoá của mình. Việc thực hiện tốt những phận sự đơn giản cũng liên kết con người với Đức Giêsu, chính Người cũng là một người lao động.​
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Quyền và trách nhiệm - Giáo huấn xã hội Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên