Thành viên
Tham gia
10/10/24
Bài viết
95

Không có những chương trình rầm rộ, không có lễ hội chào mừng kéo dài, cũng không có một kế hoạch cải tổ được công bố ngay. Thay vào đó, trong bảy ngày đầu tiên kể từ khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã chọn một lối khởi đầu lặng lẽ nhưng sâu xa – bằng những cuộc gặp gỡ, cầu nguyện và những lời nhắn nhủ hướng về hòa bình, công lý và sự hiệp thông.​


Thứ Năm, 8/5/2025: Được bầu và chào thế giới bằng lời “Bình an”

phailamgi_Bình an của Chúa ở cùng anh chị em! Lời chào đầu tiên của Giáo hoàng Lêô XIV _cv1.jpg
Tân Giáo hoàng Lêô XVI gửi lời chào và ban phép lành "Urbi et Orbi" từ ban công Thánh đường thánh Phê-rô. Ảnh: REUTERS/Remo Casilli

Sau bốn vòng bỏ phiếu trong Mật nghị Hồng y, Đức Hồng y Robert Francis Prevost được chọn làm tân Giáo hoàng, và lấy tông hiệu là Lêô XIV. Trong bài phát biểu đầu tiên trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài không đọc một diễn văn dài, không nêu chương trình hành động, chỉ lặp lại lời đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh: “Bình an ở cùng anh chị em!”

Câu chào ấy không mới, nhưng trong bối cảnh thế giới bất an – từ Ukraine đến Gaza – thì sự đơn sơ lại trở thành một dấu nhấn đáng lưu tâm. "Đó là bình an của Chúa Kitô Phục Sinh – một bình an không mang vũ khí và cũng làm người khác buông vũ khí. Một bình an khiêm nhường, bền bỉ, đến từ Thiên Chúa – Đấng yêu thương từng người chúng ta cách vô điều kiện."

Thứ Sáu, 9/5/2025: Thánh lễ đầu tiên với các Hồng y tại nhà nguyện Sistine

Phailamgi_Thánh lễ đầu tiên của Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV với các hồng y_cv (12) (1).jpg
Thánh lễ đầu tiên của Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV với các hồng y 9/5/2025. Ảnh Vatican News

Thánh lễ đầu tiên của Đức Lêô XIV trong vai trò Giáo hoàng diễn ra tại chính nơi đã diễn ra Mật nghị bầu ngài – nhà nguyện Sistine. Trong bài giảng, ngài suy niệm sâu xa về lời tuyên xưng của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Giáo hội, theo lời ngài, được mời gọi không chỉ tuyên xưng đức tin, mà còn sống đức tin ấy giữa một thế giới không còn dễ dàng chấp nhận Chúa Giêsu. Một thế giới ưa thích những câu trả lời ngắn gọn, nhanh gọn, ưa chuộng những thứ dễ chịu như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực hoặc thú vui – Đây là thế giới đã được trao phó cho chúng ta.

Thứ Bảy, 10/5/2025: Về lại bên Mẹ – và viếng mộ người tiền nhiệm

phailamgi_Giáo hoàng Lêô XIV viếng thăm đền Đức Mẹ trong ngày đầu nhận sứ vụ_cv1.jpg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV viếng Đền Thánh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành tại Genazzano. Ảnh: Vatican Media

Không chọn một chuyến công du nào xa, Đức Lêô XIV lên đường hành hương về Đền Thánh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành tại Genazzano – một nơi gắn liền với dòng Augustinô mà ngài xuất thân. Tại đây, ngài dâng kinh với cộng đoàn và chia sẻ đơn giản: “Tôi rất ao ước được đến đây trong những ngày đầu tiên thi hành sứ vụ.”
“Như Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái, anh chị em cũng hãy trung thành với Mẹ,” ngài nói trước khi ban phép lành.


Phailamgi_Đức Leo XIV viếng mộ Đức Phanxico_cv.jpeg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV cầu nguyện trước mộ người tiền nhiệm, cố Giáo hoàng Phanxicô, tại Đền thờ Đức Bà Cả. (Ảnh: Vatican Media)

Cũng trong ngày, ngài viếng mộ Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Đó là một cử chỉ lặng lẽ nhưng đầy tâm tình, như một lời tri ân và tiếp nối tinh thần hiền lành, gần gũi người nghèo của người tiền nhiệm.

Chúa Nhật, 11/5/2025: Regina Caeli – và tiếng kêu “Không bao giờ được có chiến tranh nữa”

Phailamgi_Đức Giáo hoàng Lêô XIV chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) l...jpg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV chắp tay cầu nguyện khi chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) lần đầu tiên, từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican, trưa ngày 11 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: CNS – Lola Gomez)

Trong giờ kinh Regina Caeli đầu tiên, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến – và khuyến khích các bạn trẻ hãy can đảm dấn thân. Nhưng điều khiến buổi kinh trưa hôm đó trở nên đặc biệt là tiếng kêu gọi hòa bình: “Không bao giờ được có chiến tranh nữa!”

Ngài nhắc đến Ukraine, Gaza, và kêu gọi trả tự do cho tù nhân, đoàn tụ trẻ em, chấm dứt bạo lực. Những lời ấy không chỉ là mối quan tâm cho các điểm nóng toàn cầu, mà còn cho thấy một trái tim mục tử đang lắng nghe những khổ đau thật sự của nhân loại.

Phailamgi_Đức Giáo hoàng Lêô XIV dâng Thánh lễ tại hầm mộ Vatican_cv.jpeg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV dâng Thánh lễ tại hầm mộ Vatican. Ảnh: Vatican News
Buổi sáng cùng ngày, Đức Giáo hoàng Lêô XIV dâng Thánh lễ tại hầm mộ Vatican, bên cạnh mộ Thánh Phêrô – một khởi đầu đầy ý nghĩa cho sứ vụ kế vị Tông đồ trưởng. Sau Thánh lễ, ngài thinh lặng cầu nguyện trước mộ các vị tiền nhiệm và dừng lại bên ngăn đựng các dây Pallium – biểu tượng của sự hiệp nhất giữa Giáo hoàng và các tổng giám mục khắp thế giới.

Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến tấm gương của vị Mục Tử nhân lành, đến lời mời gọi lắng nghe và đối thoại, và đến tình yêu vô điều kiện mà các người mẹ dành cho con cái – như một hình ảnh cụ thể của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thứ Hai, 12/5/2025: Gặp gỡ giới truyền thông – và lời kêu gọi “giải giới truyền thông”

Phailamgi_Toàn văn huấn từ của đức thánh cha LÊÔ XIV gửi các đại diện truyền thông_cv1.jpg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV tiếp kiến các đại diện truyền thông tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025. [Eloisa Lopez/Reuters]

Trong một bài huấn từ đáng chú ý với các phóng viên, Đức Lêô XIV nhấn mạnh rằng truyền thông không thể tách rời sự thật khỏi tình yêu thương. Ngài gọi báo chí là “tuyến đầu của sự thật”, nhưng cũng cảnh báo về một nền truyền thông dễ bị cuốn theo định kiến, tranh cãi, và thao túng.

Ngài không chỉ kêu gọi tường thuật đúng, mà còn mời gọi truyền thông vì hòa bình: “Hãy giải giới lời nói, và chúng ta sẽ giúp giải giới thế giới.”

Thứ Ba, 13/5/2025: Trở lại nhà Dòng – không lễ nghi, không báo trước

Phailamgi_Đức Giáo hoàng Lêô XIV bất ngờ đến thăm trụ sở Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô_cv.jpg
Ảnh: Order of Saint Augustine

Vào một ngày thứ Ba – thường là ngày nghỉ ngơi của các Giáo hoàng, không có các cuộc tiếp kiến chính thức – Đức Thánh Cha Lêô XIV đã lựa chọn dành một phần trong ngày của mình để đến thăm cộng đoàn Dòng Augustinô, hội dòng của ngài, nằm cách Vatican chỉ vài mét. Ngài dâng lễ kính Đức Mẹ Fatima và cùng ăn trưa với các tu sĩ. Cử chỉ ấy đơn sơ, không báo chí đưa tin trước, nhưng là một sự trở về – như người con trở lại mái nhà, để không quên mình là ai.

Thứ Tư, 14/5/2025: Một diễn văn dài, một cái ôm lớn cho Giáo hội Đông phương

Phailamgi_Toàn văn Huấn từ của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các tham dự viên trong Năm Thánh các ...jpg
Đức Giáo hoàng Lêô XIV chào Đức Thượng phụ Công giáo Syriac Ignace Joseph III Younan trong buổi gặp gỡ các tham dự viên Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 14 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: CNS/Vatican Media)

Trong buổi gặp các đại diện của các Giáo hội Công giáo Đông phương, Đức Giáo hoàng dành phần lớn thời gian để ca ngợi kho tàng phụng vụ, thần học và linh đạo của các truyền thống Đông phương – từ Syria, Liban đến Tigray.

Ngài cảnh báo về nguy cơ “đánh mất căn tính” nơi các cộng đoàn Đông phương đang sống ở hải ngoại, và lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc khuyến khích họ “Latinh hóa”. Ngài nói: “Chúng ta hãy gìn giữ truyền thống của mình một cách nguyên vẹn, đừng vì tiện lợi mà đánh mất đi bản sắc thiêng liêng.”

Ngài cũng không quên nhắc lại: Giáo hội sẽ không bao giờ mỏi mệt khi lặp lại: Hãy để vũ khí im tiếng.

Một tuần – và nhiều hơn thế

Bảy ngày không đủ để hiểu một vị Giáo hoàng. Nhưng cũng đủ để thấy: triều đại này sẽ không khởi đầu bằng tuyên bố cải tổ hay chiến lược ấn tượng, mà bằng một phong thái mục tử – khiêm tốn, có chiều sâu, và sẵn sàng đi về phía những người đang bị quên lãng.

Giữa một thế giới ưa ồn ào và thích những khởi đầu vang dội, việc chọn khởi đầu bằng thinh lặng, cầu nguyện và trở về với cộng đoàn tưởng như quá âm thầm để tạo dấu ấn. Nhưng đôi khi, chính những gì không ồn ào lại có sức vang xa hơn cả.
 

Podcast #6: "Cha mẹ ơi, con cũng có ước mơ của riêng mình" | Phải làm gì? | Từ nhỏ đến lớn, con luôn nghe cha mẹ nói về ước mơ của mình. Cha mẹ từng kể rằng ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không thể theo đuổi những gì mình muốn. Cha mẹ mong con sẽ làm được những điều mà cha mẹ chưa thể làm, mong con có một công việc ổn định, một cuộc sống tốt đẹp.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên