Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 786
- Chủ đề Author
- #1
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Sainte-Marie-Majeure) là nơi an nghỉ cuối cùng – chứ không phải là Đền thờ Thánh Phêrô như phần lớn các vị tiền nhiệm.
Ngài đã đến đây hơn 100 lần trong suốt triều đại Giáo hoàng, thường là trước và sau mỗi chuyến Tông du. Trong di chúc thiêng liêng, Đức Thánh Cha viết:
Trong suốt cuộc đời mình, trong thừa tác vụ linh mục cũng như giám mục, tôi luôn tín thác nơi Mẹ của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh. Vì vậy, tôi xin được yên nghỉ – trong khi chờ đợi ngày Phục Sinh – tại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng Đức Bà Cả.
Theo nguyện vọng đó, linh cữu của ngài sẽ được đặt tại gian bên hông thánh đường, giữa Nhà nguyện Phaolô (có ảnh Salus Populi Romani) và Nhà nguyện Sforza.
Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ 117 được an táng ngoài Vatican và là giáo hoàng thứ 8 chọn Vương cung thánh đường Đức Bà Cả làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn. Vậy bảy vị tiền nhiệm khác là ai?
Đền thờ Đức Bà Cả (Sainte-Marie-Majeure), một trong bốn đại vương cung thánh đường quan trọng nhất tại Rôma, là nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn được yên nghỉ trong di chúc. Ảnh: Francesco Todaro / stock.adobe
Bảy Giáo hoàng an nghỉ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả
1. Đức Honorius III (1216–1227)
- Phê chuẩn quy luật Dòng Đaminh và Dòng Phanxicô.
- Khởi xướng Thập tự chinh lần thứ năm và ủng hộ cuộc thánh chiến chống lạc giáo Cathar tại Pháp.
2. Đức Nicolas IV (1288–1292)
- Cựu bề trên tổng quyền dòng Phanxicô, công nhận Dòng Ba Phanxicô.
- Thành lập Đại học Montpellier (Pháp).
- Triều đại được đánh dấu bởi một mật nghị kéo dài hơn 10 tháng.
3. Thánh Piô V (1566–1572)
- Thực hiện cải cách mạnh mẽ theo Công đồng Trentô.
- Ban hành Sách Giáo lý (1566), Kinh Phụng vụ (1568), lập Thánh bộ Kiểm duyệt sách (1571).
- Thắng trận Lépante chống quân Ottoman.
- Là vị duy nhất trong danh sách này đã được phong thánh.
4. Đức Sixte V (1585–1590)
- Vị “Giáo hoàng kiến thiết” nổi bật với việc hoàn thiện vòm Đền thờ Thánh Phêrô và quy hoạch lại trung tâm Roma.
- Cải tổ Giáo triều qua hiến chế Immensa Aeterni Dei (1588).
- Ấn định số Hồng y là 70 – con số giữ nguyên đến thế kỷ XX.
5. Đức Clément VIII (1592–1605)
- Chứng kiến sự trở lại Công giáo của vua Henri IV (Pháp), chấm dứt 30 năm chiến tranh tôn giáo.
- Ra lệnh thiêu sống triết gia Giordano Bruno (1600).
- Ban đầu an táng ở Đền thờ Thánh Phêrô, sau chuyển về Đức Bà Cả năm 1646.
6. Đức Paul V (1605–1621)
- Là người hoàn tất công trình Đền thờ Thánh Phêrô nhưng lại không được an táng tại đó.
- Thành lập Văn khố mật Vatican, củng cố quyền giám mục địa phương.
- Thiết lập liên hệ đầu tiên với Giáo hội Nhật Bản.
7. Đức Clément IX (1667–1669)
- Trung gian trong hòa ước chấm dứt chiến tranh giữa Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan.
- Yêu thích nghệ thuật, từng viết kịch cho nhà hát.
- Khởi công cột trụ Bernini ở quảng trường Thánh Phêrô và lắp các thiên thần trên cầu Castel Sant’Angelo.
Ngoài Vatican, có tới 116 vị Giáo hoàng được an táng
Việc Đức Phanxicô không chọn an nghỉ tại Vatican không phải là điều chưa từng có trong lịch sử. Trong số hơn 260 vị giáo hoàng, có tới 116 vị không được an táng trong nội thành Vatican.
- Có 8 vị được chôn cất tại Pháp, đặc biệt trong thời kỳ Giáo hoàng sống lưu vong ở Avignon. Vị cuối cùng là chân phước Urbano V (1362–1370), được mai táng tại tu viện Saint-Victor ở Marseille.
- Một số vị khác cũng được an táng tại các thánh đường lớn tại Roma:
- Adrien VI (1522–1523) – vị giáo hoàng Hà Lan duy nhất, được chôn tại nhà thờ Santa Maria dell’Anima.
- Piô IX (1846–1878) – an táng tại thánh đường Thánh Laurensô Ngoại Thành trong bầu không khí biểu tình chống Giáo hội.
- Lêô XIII (1878–1903) – thi hài được chuyển từ Đền thờ Thánh Phêrô sang thánh đường Thánh Gioan Latêranô năm 1924.
Từ thánh Piô X (1914) đến Đức Bênêđictô XVI (2022), các vị giáo hoàng đều được an táng tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Biên tập và chuyển ngữ theo: Aleteia