Sống đạo thời “công nghiệp hóa”: Khi vòng xoáy mưu sinh kéo tín hữu xa dần nhà thờ

5.00 star(s) 2 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
438

Những năm gần đây, chính sách mở cửa kinh tế mang lại nhiều tiện ích. Người giáo dân chẳng phải đi đâu xa, nhưng vẫn có thể kiếm được công ăn việc làm phù hợp với khả năng ngay gần nhà.


phailamgi_Sống đạo thời “công nghiệp hóa” Khi vòng xoáy mưu sinh kéo tín hữu xa dần nhà thờ_cv1.jpg

Ảnh: suckhoedoisong.vn

Khi “công nghiệp” về làng

Đơn giản là vì, ngày nay, các khu Công nghiệp mọc lên khắp nơi. Các nhà đầu tư, vì lợi nhuận, nên thường chọn các khu đất “bờ xôi ruộng mật” gần các khu dân cư, vừa ít phải đầu tư hạ tầng, vừa có được những nhân công giá rẻ.

Nhờ các khu công nghiệp, qua số tiền đền bù thu hồi đất, nhất là nhờ công nghiệp hóa mang lại công ăn việc làm, nhiều gia đình đã có điều kiện thoát nghèo, cuộc sống vật chất ngày càng no đủ.

phailamgi_Sống đạo thời “công nghiệp hóa” Khi vòng xoáy mưu sinh kéo tín hữu xa dần nhà thờ_1.jpg

Những hệ lụy

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, công nghiệp hóa thôn quê cũng kéo theo nhiều hệ lụy có thể thấy được.

Trong thực tế, không kể môi trường bị ô nhiễm do chất thải của các nhà máy thải ra như từng được báo động, không kể môi trường sống bị xáo trộn… công nghiệp hóa đang bào mòn đời sống gia đình và đức tin.

Tại các gia đình, do phải tăng ca, nhiều bậc cha mẹ không còn thời gian dành cho nhau và nhất là dành cho con cái. Do phải tăng ca liên tục, việc chăm sóc con cái được phó mặc cho cha mẹ, ông bà.

Nhiều gia đình trẻ hôn nhân đổ vỡ do ít có thời gian dành cho nhau, trong khi hằng ngày họ được gần gũi tiếp xúc với những người bạn mới, cùng làm, cùng ăn trong công xưởng. Cảm giác mới lạ dần kéo họ rời xa gia đình.

Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống gia đình, một thực tế khác đáng lo ngại, đó là: nhịp sống công nghiệp đang bào mòn đời sống đức tin.

Hiện nay, tại nhiều giáo xứ gần các khu công nghiệp, hiện tượng nhà thờ vắng bóng giáo dân đang trở nên hiện thực.

Nhà thờ vẫn còn đó, chuông vẫn đổ đều, nhưng các hàng ghế dần trống vắng giáo dân, đặc biệt là những người trẻ, những người trong độ tuổi lao động. Họ không bỏ đạo. Họ chỉ không còn thời gian để giữ đạo và sống đạo.

Lý do đơn giản, phần lớn công nhân lao động phải làm việc theo ca, kể cả ngày Chúa nhật. Với mức lương chỉ vừa đủ sống, nhiều gia đình buộc cả vợ lẫn chồng phải tăng ca liên tục. Con cái gửi cho ông bà hoặc tự chăm nhau. Đến cuối tuần, thay vì được nghỉ ngơi hay đến nhà thờ, người ta chỉ muốn ngủ bù.

Dần dần, họ vắng bóng trong các Thánh lễ. Các hội đoàn không còn người trẻ tham gia. Việc học giáo lý cho con em trở nên rời rạc, nhiều em thiếu nền tảng đức tin căn bản. Những mối liên kết cộng đoàn bị đứt đoạn. Gia đình – vốn được ví như "Hội Thánh tại gia" (Vatican II, LG, # 11) – nay chỉ còn là nơi ăn uống, ngủ nghỉ và... lướt điện thoại.

phailamgi_Sống đạo thời “công nghiệp hóa” Khi vòng xoáy mưu sinh kéo tín hữu xa dần nhà thờ_cv2.jpg

Lời mời dành cho Giáo hội

Thiết tưởng, Công nghiệp hóa là một thực tế không thể đảo ngược. Vỉ thế, Giáo hội – trong tư cách vừa là Mẹ và là Thầy (Bênêđíchtô XVI, Huấn từ tại buổi cầu nguyện kết thúc Hội nghị Thế giới lần thứ năm về Gia đình tại Valencia, Tây Ban Nha, ngày 8/7/2006), không thể đứng nhìn con cái mình đang lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại.

Nói cách khác, Giáo hội không thể đứng ngoài thực trạng này. Vì thế, mục vụ cho người lao động phải trở thành một ưu tiên tông đồ.

Có thể đó là những Thánh lễ ngoài giờ hành chính, các buổi sinh hoạt vào khung giờ linh động, những nhóm nhỏ gọn nhưng gắn bó, hoặc đơn giản là một linh mục biết lắng nghe họ chia sẻ sau giờ làm. Giáo hội cần đến gần hơn nữa, bước vào nhịp sống vất vả của họ, đồng hành với họ như người bạn đường chứ không phải là người đợi chờ trong tháp ngà nhà thờ...

Điều cần để ý, đức tin nơi người giáo dân không chết, nhưng đang bị bỏ quên giữa guồng quay của kinh tế thị trường. Họ vẫn khao khát Thiên Chúa, chỉ là họ quá mệt để kịp chạy về với Người. Vì thế, thay vì trách móc họ nguội lạnh, Giáo hội cần học cách đến với họ bằng sự cảm thông và sáng tạo mục vụ, để ngọn lửa đức tin không tắt lịm giữa thời công nghiệp hóa.

phailamgi_Sống đạo thời “công nghiệp hóa” Khi vòng xoáy mưu sinh kéo tín hữu xa dần nhà thờ_2.jpg

Cần chủ động bước về phía Chúa

Về phần mình, người giáo dân, nạn nhân của công nghiệp hóa, cũng cần chủ động bước về phía Chúa. Họ cần hiểu rằng, sống đạo giữa xã hội hiện đại không phải là điều không thể. Vấn đề không nằm ở chỗ họ "không có thời gian", mà ở chỗ họ đã "không dành thời gian" cho Chúa và gia đình.

Họ cần “tái cấu trúc lại đời sống gia đình” để hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. (x. Docat, # 149) Mỗi tuần, họ cần can đảm từ chối làm việc vào ngày Chúa Nhật để cùng gia đình sống đạo và sống cho nhau.

Tắt một lời, Đức tin là món quà, nhưng cũng là trách nhiệm. Thánh Giacôbê nói rõ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Nếu người tín hữu không gìn giữ đức tin của mình giữa đời sống thực tế, thì dần dần, không cần ai cấm đạo, đức tin cũng sẽ tự tắt đi trong âm thầm và nhiều hệ lụy kéo theo, trong đó có sự khô hạn tình cảm có nguy cơ dẫn tới đổ vỡ trong đời sống hôn nhân gia đình.​

Phải làm gì?​

Docat 149: Đâu là mối liên hệ giữa lao động và đời sống gia đình?

Thường thường trông có vẻ như thể thế giới công việc và đời sống gia đình phát sinh những đòi hỏi mâu thuẫn và không thể dung hoà với nhau. Tuy vậy, lao động góp phần tạo ra cơ sở vật chất và luân lý cho đời sống gia đình. Tiền lương đảm bảo cho gia đình sinh sống, và cha mẹ có việc làm là một mẫu gương quan trọng cho những đứa con đang tuổi lớn. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sắp đặt sao cho cân bằng giữa nghề nghiệp và gia đình chẳng phải là chuyện dễ dàng. Điều này càng đúng đối với trường hợp cả cha lẫn mẹ đều muốn hay phải theo đuổi một nghề nghiệp. Vì thế, các chủ doanh nghiệp, công đoàn, và các chính sách của chính phủ phải cố gắng hợp sức để triển khai những mô hình việc làm mới mẻ, uyển chuyển, có thể kết hợp nghề nghiệp và gia đình cách thực tiễn hơn.​
 

Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn: Vị Giám mục chịu "tử đạo" vì các Thánh tử đạo | Phải làm gì? | Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn "là vị đại ân nhân của Giáo hội Việt Nam." Đó là lời nhận xét của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội nhân dịp lễ giỗ kỷ niệm 28 năm Đức Hồng y Căn về với Chúa.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên