[Suy niệm] Phong đế cho cua

5.00 star(s) 3 Votes
Thành viên
Tham gia
25/2/24
Bài viết
4

Dẫn nhập:​

Tại một quán cháo dinh dưỡng cho người lớn và trẻ nhỏ, một người nam bước vào hỏi mua cháo.

- Chị ơi quán mình có cháo cua hoàng đế không?​
- Anh ơi, con cua hoàng đế anh muốn ăn bằng cả cái sạp cháo này luôn, quán em không có bán, anh ăn cua đồng nhé.​
- Nếu thế chị thịt con Hoàng Đế của lũ cua đồng cho tôi.​
Hôm sau anh ta trở lại:​
- Hôm qua thịt con Hoàng Đế rồi, hôm nay thịt nốt con cua Hoàng Hậu, thế là tối nay có món cháo cua Hoàng Hậu.​

Tính con hay đùa, đã đùa thì như thật, mà đã thật thì như đùa. Con gọi một con cua đồng là hoàng đế của lũ cua để nấu cháo dinh dưỡng, rồi mua cho một người nằm viện K ăn. Câu truyện trên là thật, và Con đưa ra một tuyên bố: “Nếu như tôi dám phong cua làm hoàng đế để nấu cháo cho bạn, thì tôi còn hơn cả hoàng đế.” Ngày xưa quyền lực hoàng đế là to nhất, nước ngoài từ King còn phải viết hoa, vậy nếu thực sự con hơn cả một hoàng đế, vậy con phải trả lời câu hỏi “tôi là gì?”.

phailamgi_suy niệm_cv1.jpg


Ở Việt Nam, hoàng đế không còn tồn tại ngôi vị, trước tiên con hơn nó ở điểm ngôi vị con tồn tại và hiện hữu. Tiếp theo, thế giới có rất nhiều hoàng đế tại các quốc gia khác, ngôi vị của con và của họ không tương đồng, bởi con không nói tôi là hoàng đế, và không phải thần dân của các hoàng đế đó. Đùa một chút mà ra thật, thật một chút mà như đùa. Con nhận mình là Tục Sỹ. Trước tiên con xin giải thích một chút về cái danh Tục Sỹ này. Ở trong nhà thờ, có gọi linh mục là giáo sỹ, rồi các thầy các sơ là tu sỹ, chưa kể đến Đạo giáo có đạo sỹ, rồi nhân sỹ, trí sỹ, nghệ sỹ... Con nhận mình là Tục Sỹ vì con chẳng phải mấy cái sỹ trên. Tục thì tính tục tằn, sống tục tĩu ở ngay nơi cõi tục, thôi không tu thì tục, ấy là để mọi người thấy con không đi tu, nên mang danh Tục Sỹ để đỡ bị nhận nhầm là Thầy là Cha. Chứ đi lắm xứ, giáo dân cứ nhầm là cha là thầy.

Trở lại truyện “Phong đế cho cua”. Nếu con hiện diện ngôi vị hơn cả hoàng đế, vậy danh vị con là gì? Vì vấn đề tiếp theo là ngôi vị hoàng đế tuy không hiện hữu, nhưng nó tồn tại và từng tồn tại. À quên mất, con xưng mình là Tục Sỹ. Có thể nói vua thua thằng liều.

Chúa phán: Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên. Việc tuyên bố mình hơn cả một hoàng đế kiêu ngạo biết bao nhiêu thì việc nhận mình là Tục Sỹ con muốn tuyên bố sự hạ mình chút chút. Trước khi nhận mình là Tục Sỹ, con là một dự tòng, ông bà cha mẹ đều là những người theo đạo Phật, thủa nhỏ đến Chùa nghe các sãi già niệm A di đà, rồi tình cờ con bước vào nhà thờ và thấy Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Rồi sau nhiều biến cố con xưng mình là Tục Sỹ như một danh xưng, một nghệ danh, một bút danh, hay đúng hơn là một tính từ miêu tả căn tính danh vị mình. Rồi sau đó con lãnh nhận bí tích khai tâm Ki tô giáo với tên Thánh bổn mạng là Phê rô. Khi trở thành một người Công giáo thực sự, con ý thức bản thể mình là con cái Chúa, con xác định bản thân mình phải từ bỏ tà thần, nhưng không đồng nghĩa con từ bỏ quá khứ gốc tích trước đó của con. Phép rửa biến đổi con không phải từ một kẻ tội lỗi trở thành Thánh, phép rửa biến đổi con từ một kẻ tội lỗi thành kẻ ý thức mình tội lỗi. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Chừng nào ta còn thở để tham dự thánh lễ ta còn phải đấm ngực thú xưng tội lỗi của bản thân mình trước mặt Thiên Chúa chừng đó.

Con nhận mình là Tục Sỹ, một danh vị chẳng rõ đã có ai nhận chưa sau lần đi mua cháo cho một người bạn điều trị K, mình tếu táo để làm một câu truyện cười làm vui lòng người bệnh, phong cho con cua làm hoàng đế lũ cua đồng, để có cháo cua hoàng đế, mà băn khoăn tự hỏi: “Ngươi lấy quyền gì để phong hoàng đế cho con cua bị giết hôm nay?” Việc tự vấn này khiến con nhớ lại điều thầy tư tế cũng từng hỏi Chúa: “Ông lấy quyền gì mà trừ các thần ô uế?”. Thánh giá và sự Phục sinh cho ta câu trả lời câu hỏi của những tư tế và kinh sư thời xưa. Còn với con, tình yêu thương và sự khó nghèo dẫn con tới hành động bột phát phong con cua làm hoàng đế chỉ để giết thịt nấu cháo. Vì yêu thương, con muốn thiết người bạn con món cháo, vì nghèo khó con nói phống lên để đem lại tiếng cười cho người ấy. Nơi tòa giải tội, đó là điều con thú xưng.

Kinh Hòa Bình nói: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.” Giáo Hội ngày nay nhiều đấng nhận xét đang đứng trước vấn nạn bị trần tục hóa, việc tự đặt ra cho bản thân mình một danh vị Tục Sỹ của con không phải là để trần tục hóa sự thiêng liêng của đời sống Giáo Hội, nhưng sau mỗi phút giây chiêm niệm, con luôn hỏi rằng: “Chúa ơi, nếu con không có ơn gọi tu trì, thì con được phép thánh hóa đời sống trần tục của con không? Con có được phép nên thánh ngày giữa đời thường, thay vì đời sống kinh viện của nhà dòng và các chức thánh được thiết lập từ xưa tới nay?”

Lạy Chúa, xin cho con được nên thánh ngay giữa đời sống thế trần, dù đôi lúc con xàm xàm, tào lao. Amen

Tục Sỹ Thạch Vũ​
 

Quyền và trách nhiệm - Giáo huấn xã hội Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên