Thánh Phanxicô Assisi - Sứ Giả Của Hòa Bình

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
8/4/24
Bài viết
92

Vài tháng trước hình ảnh Sư Thích Minh Tuệ bộ hành khất thực khắp đất nước Việt Nam đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ công chúng. Với phong cách tu hành khổ hạnh, chân trần bước qua nhiều vùng đất, Sư Thích Minh Tuệ sống dựa vào sự bố thí của người dân, lan tỏa tinh thần từ bỏ vật chất và lòng bác ái. Sự xuất hiện của những hình tượng như thế khiến ta nhớ đến các thánh nhân đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tôn giáo, đó là Thánh Phanxicô thành Assisi – người sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phan Sinh), người đã sống trọn đời với tinh thần nghèo khó và lòng yêu thương. Tấm gương của ngài, được tôn vinh trong Giáo hội Công giáo, đặc biệt, hàng triệu người không Công giáo trên toàn thế giới quen thuộc với Ngài qua những lời nguyện ý nghĩa và nổi tiếng cầu nguyện trong bài Kinh Hòa Bình của ngài.


phailamgi_Kinh Hòa Bình nêu chính xác những khác biệt làm nên một Ki-tô hữu_cv2.jpg
Ảnh: fscc-calledtobe.org

Cuộc đời của Thánh Phanxicô thành Assisi​

Sinh ra vào năm 1181 hoặc 1182 tại Assisi, Ý, trong một gia đình giàu có, Thánh Phanxicô được cha mẹ đặt tên là Giovanni di Bernadone, nhưng được gọi là Francesco, thể hiện lòng yêu mến của cha ngài dành cho nước Pháp. Mặc dù sinh trưởng trong nhung lụa và được cha hy vọng sẽ nối nghiệp kinh doanh, thánh nhân lại tỏ ra không hứng thú với con đường giàu sang mà gia đình đặt ra. Thay vào đó, Phanxicô bộc lộ niềm đam mê với sách vở và học hỏi. Nhờ gia đình giàu có, ngài được hưởng nền giáo dục ưu tú, thành thạo tiếng Latin và nhiều kiến thức khác.

Dù sống trong sự xa hoa, Phanxicô sớm cảm nhận sự vô nghĩa của cuộc sống giàu sang và tiêu khiển. Ngài thường tham gia vào các cuộc vui chơi cùng bạn bè, đa phần là con cái của giới quý tộc, và nổi tiếng với tửu lượng cao. Tuy nhiên, chính những cuộc vui ấy đã làm dấy lên trong lòng ngài nỗi thất vọng đối với xã hội. Một lần, khi một người hành khất đến xin của bố thí trong lúc ngài đang vui chơi với bạn bè, Phanxicô không do dự, dốc hết túi của mình để giúp đỡ người ấy, mặc cho sự chế giễu từ bạn bè và cơn thịnh nộ từ cha mình.

Những hành động như vậy đã đánh dấu sự chuyển biến trong tư tưởng của thánh nhân. Ngài bắt đầu nhận ra rằng, sự giàu có và quyền lực không thể đem lại ý nghĩa thật sự cho cuộc đời. Điều này đã thúc đẩy Phanxicô từ bỏ tất cả tài sản và quyền thừa kế, để theo đuổi cuộc sống nghèo khó và dấn thân phục vụ người nghèo khổ.

phailamgi_anh 2.jpg
Ảnh: Pinterest

Sứ Giả Của Hòa Bình​

Thánh Phanxicô Assisi không chỉ nổi tiếng với đời sống nghèo khó mà còn với thông điệp hòa bình và yêu thương mà ngài truyền bá. Ngài luôn kêu gọi mọi người dẹp bỏ hận thù, sống với lòng bác ái và tha thứ. Kinh Hòa Bình nổi tiếng của ngài là biểu tượng cho sự khao khát hòa giải và bình an. Nhừng lời kinh như "Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp" không chỉ là một lời cầu nguyện, mà còn là thông điệp hành động mà ngài sống và truyền cho mỗi người chúng ta theo suốt cuộc đời.

Phanxicô đã nỗ lực mang lại hòa bình không chỉ trong cộng đồng Kitô hữu mà còn trong mối quan hệ với các tôn giáo khác. Ngài đã đến gặp vị giáo trưởng Hồi giáo tại Ai Cập vào năm 1219 với mong muốn hòa giải và thiết lập tình anh em giữa các tôn giáo. Dù không thành công trong việc thuyết phục giáo trưởng theo Kitô giáo, Thánh Phanxicô đã để lại ấn tượng sâu sắc về sự dũng cảm và lòng bao dung của mình, Ngài được xem là một biểu tượng của đối thoại liên tôn.​

Di Sản và Tầm Ảnh Hưởng​

Thánh Phanxicô Assisi không chỉ là người sáng lập Dòng Phan Sinh mà còn là biểu tượng của tinh thần từ bỏ vật chất, sống giản dị và yêu thương con người. Di sản của ngài được thể hiện qua hàng triệu tín đồ khắp thế giới, những người được truyền cảm hứng từ lời dạy và cuộc sống của ngài. Thánh nhân không chỉ là một nhà tu khổ hạnh, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho những người tìm kiếm sự tha thứ và hòa giải trong thế giới đầy mâu thuẫn này.

Ngài qua đời vào ngày 3 tháng 10 năm 1226, và hai năm sau đó, Giáo hoàng Grêgôriô IX đã tuyên phong ngài là thánh. Năm 1939, Đức Giáo hoàng Piô XII công nhận ngài là thánh bổn mạng của nước Ý. Ngày nay, hình ảnh Thánh Phanxicô vẫn sống mãi trong lòng những người yêu chuộng hòa bình qua lời Kinh Hòa Bình của ngài vẫn là nguồn cảm hứng lớn lao cho những ai khao khát sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.​
 

Quyền và trách nhiệm - Giáo huấn xã hội Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên