Thành viên
- Tham gia
- 10/10/24
- Bài viết
- 100
- Chủ đề Author
- #1
Trong cuộc điện đàm với Đức Thánh Cha Lêô XIV hôm 20/5/2025, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì sự dấn thân của ngài cho hòa bình.
Thông cáo của Phủ Thủ tướng Ý cho biết vào thứ Ba, ngày 20/5/2025, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Đức Thánh Cha Lêô về những bước sắp tới để thực hiện việc xây dựng hòa bình công bình và lâu dài ở Ucraina. Phủ Thủ tướng Ý đánh giá cao về cuộc điện đàm này.
Thông cáo viết: "Nhận được sự xác nhận từ Đức Thánh Cha về thiện chí tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các bên tại Vatican, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cởi mở của Đức Giáo hoàng Lêô XIV và cam kết không ngừng của ngài đối với hòa bình".
Thông cáo cho biết cuộc điện đàm giữa Đức Thánh Cha và bà Meloni diễn ra sau khi bà đã điện đàm "với Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu khác, trong đó Thủ tướng Ý được yêu cầu xác minh sự sẵn lòng tổ chức các cuộc đàm phán của Tòa Thánh".
Đức Thánh Cha Lêô XIV và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (@Vatican Media)
Nỗ lực để lan tỏa hòa bình
Vào ngày 14/5/2025, trong buổi tiếp kiến những người tham dự Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý muốn dùng "mọi nỗ lực" để "nền hòa bình này lan tỏa", nêu rõ sự sẵn lòng của Tòa Thánh có thể là nơi để "những kẻ thù gặp nhau và nhìn thẳng vào mắt nhau, để các dân tộc được trả lại hy vọng và phẩm giá mà họ xứng đáng được hưởng, phẩm giá của hòa bình. Các dân tộc muốn hòa bình và tôi, chân thành và sẵn sàng, nói với các nhà lãnh đạo của các dân tộc: chúng ta hãy gặp nhau, chúng ta hãy đối thoại, chúng ta hãy đàm phán".
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (giữa, bên trái) ôm chào Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Thánh lễ khai mạc triều đại của Đức Giáo hoàng Lêô XIV, diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, vào Chúa Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025. Ảnh: Alessia Pierdomenico/Bloomberg qua Getty Images
Vatican là nơi rất thích hợp cho việc đàm phán
Hai ngày sau, chính Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi trả lời các nhà báo, đã giải thích rõ ý nghĩa cụ thể của việc Tòa Thánh sẵn sàng, tức là đề nghị Vatican "gặp trực tiếp giữa hai bên", để có thể bắt đầu "các cuộc đàm phán trực tiếp, ít nhất là chúng ta hãy nói chuyện... Đó là sự sẵn sàng về địa điểm. Chúng tôi luôn nói điều đó, chúng tôi luôn nhắc lại điều đó: 'Chúng tôi sẵn sàng. Nếu bạn muốn gặp, Tòa Thánh, Vatican có thể là một địa điểm rất phù hợp'. Với tất cả các sự thận trọng của vụ việc".
Phải Làm Gì?
Docat 247: Vai trò của Vatican trong chính trị quốc tế là gì?
Là một Giáo Hội toàn thế giới, Giáo hội Công giáo có một cơ cấu toàn cầu và nhiều thế kỷ có kinh nghiệm quốc tế. Là một nhà nước, Toà Thánh có thể tham gia vào nền chính trị quốc tế. Do đó, Toà Thánh có thể gửi các đại sứ (sứ thần Toà Thánh), ký kết hiệp ước với các nước khác, tham gia tổ chức siêu chính phủ (ví dụ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc), và làm trung gian trong các cuộc xung đột quốc tế. Mục tiêu của tất cả các hoạt động này là để thúc đẩy sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, để hỗ trợ cộng đồng này trên con đường hướng tới lợi ích chung lớn hơn trong gia đình nhân loại, để đòi hỏi nhân quyền và nhân phẩm cho tất cả mọi người, cũng như để hỗ trợ và đi cùng với toàn thể nhân loại trên con đường đi đến công lý và hoà bình.