Các Giám mục người nước ngoài tại Việt Nam: Vài con số người Công giáo Việt hôm nay cần ghi nhớ

phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
384

Giáo hội Công giáo Việt Nam đang bước dần tới dịp kỷ niệm 500 năm Tin mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2033). Nhìn lại chặng đường lịch sử chông gai của Giáo hội, không thể không nhớ tới các vị thừa sai; đặc biệt là các Đức Giám mục người nước ngoài đã đến, đã sống, đã làm chứng và nhiều vị đã chết và gửi thân xác trên quê hương Việt Nam.


phailamgi_Các Giám mục người nước ngoài tại Việt Nam Vài con số người Công giáo Việt hôm nay c...jpg
Ảnh: HĐGMVN

Số các Giám mục người nước ngoài tại Việt Nam

Chúng ta biết, ngày 29/7/1658, Đức Giáo hoàng Alexander VII đã bổ nhiệm Giám mục Francois Pallu, hiệu tòa Héliopolis, và Giám mục Pierre Lambert de la Motte, hiệu tòa Bérythe, làm Giám mục trong "phần đất dân ngoại" ở Việt Nam. Đây là hai vị Giám mục nước ngoài đầu tiên dành cho Việt Nam.

Kể từ ngày đó, đã có 126 vị Giám mục người nước ngoài được Tòa thánh bổ nhiệm và được thụ phong cho Giáo hội Việt Nam.

Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới để vun sới cho cánh đồng truyền giáo của Chúa tại Việt Nam, không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt, mà cả bằng máu đào tử đạo.

Trong số 126 vị giám mục người nước ngoài tại Việt Nam, có 8 vị được Hội thánh tuyên phong Tử đạo.

Có 76 vị thuộc Hội thừa sai Paris, chiếm 71%; 33 vị thuộc Dòng Đa Minh, đa số gốc Tây Ban Nha, chiếm khoảng 30%; số còn lại thuộc nhiều quốc gia, nhiều dòng tu khác nhau.

phailamgi_Đức cha Allys (Lý), Đại Diện Tông Tòa Huế. _1.jpg
Đức cha Allys (Lý), Đại Diện Tông Tòa Huế. Ảnh TGP. Huế

Các vị đã chết và nơi an táng tại Việt Nam

Đặc biệt, trong số 126 vị Giám mục, không kể các vị Tử đạo, nhiều vị đã dấn thân cho đến chết, gửi thân xác lại trên mảnh đất hình chữ S, nơi mà chính họ đã tự do chọn làm quê hương.

Giáo phận Đàng Trong
  • Đức cha Willaume Mahot, qua đời ngày 1/6/1684, tại Hội An và được an táng tại đây.​
  • Đức cha Francisco Pérez, qua đời ngày 9/9/1728, tại Kẻ Tha, Duy Xuyên, Quảng Nam.​
  • Đức cha Charles – Marin Labbé, qua đời ngày 24/3/1723, tại Mằng Lăng, Phú Yên.​
  • Đức cha Alexander ab Alexandris, qua đời ngày 13/9/1738, lúc 47 tuổi, an táng tại Phủ Cam, Huế; nhưng hiện không ai biết lăng mộ ngài ở chỗ nào.​
  • Đức cha Jean Valère Rist, qua đời ngày 13/9/1737, lúc 41 tuổi, tại Hội An.​
  • Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) qua đời tại Mỹ Cang, Qui Nhơn, ngày 9/10/1799, lúc 57 tuổi, an táng tại xã Tân Sơn Nhì, Gia Định. Khu Lăng mộ được gọi là Lăng Cha Cả. Năm 1978, khu lăng mộ bị phá bỏ, hài cốt ngài được đưa về Pháp.​
  • Đức cha Jean Labartette (An) qua đời ngày 6/8/1823 tại Trí Bưu, Quảng Trị; hiện đang an nghỉ tại Vườn thánh giáo xứ Trí Bưu.​
  • Đức cha Pierre-Marie le Labousse qua đời ngày 25/4/1801, tại Chợ Mới, Nha Trang; hiện không biết mộ phần ở đâu.​
  • Đức cha Jean Doussain qua đời ngày 14/12/1809, lúc 59 tuổi, lăng mộ ngài hiện ở Mỹ Cang, Bình Định.​
  • Đức cha Jean Joseph Audemar qua đời ngày 8/8/1821, thọ 64 tuổi, lăng mộ được xây dựng tại nghĩa trang Chủng viện An Ninh, Quảng Trị.​
Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn)
  • Thánh Tử đạo Étienne Théodore Cuénot (Thể) qua đời trong nhà lao Bình Định, ngày 14/11/1861, lúc 57 tuổi.​
  • Đức cha Eugène Étienne Chabonnier (Đoài) qua đời ngày 7/8/1878 tại Sài Gòn, và được an táng bên cạnh mộ đức cha Bá Đa Lộc, trong khu Lăng Cha Cả.​
  • Đức cha Francois Xavier Van Camelbecke (Hân) qua đời tại Làng Sông, ngày 9/11/1901, thọ 62 tuổi.​
  • Đức cha Damien Grangeon (Mẫn) qua đời ngày 21/11/1933, tại Qui Nhơn. An táng tại nghĩa trang huynh đệ Kim Châu.​
  • Đức cha Constant-Philomen Jeanningros (Vị) qua đời ngày 21/3/1921, lúc 51 tuổi, an táng tại nghĩa trang Adran – Sài Gòn.​
  • Đức cha Augustin Marie Tardieu (Phú) qua đời ngày 12/12/1942, an táng tại Làng Sông, Qui Nhơn.​
Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn)
  • Đức cha Jean Claude Mich (Mịch) qua đời tại Sài Gòn ngày 1/12/1873, thọ 68 tuổi và được chôn cất cạnh đức cha Bá Đa Lộc tại Lăng Cha Cả.​
  • Đức cha Isidore Francois Joseph Colombert (Mỹ) qua đời ngày 31/12/1894, tại Sài Gòn và được an táng trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.​
  • Đức cha Jean Marie Dépierre (Để) qua đời và được an táng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngày 17/10/1898, hưởng dương 43 tuổi.​
  • Đức cha Isodore Marie Joseph Dumortier (Đượm) qua đời 16/2/1940 tại Sài Gòn.​
  • Đức cha Jean Baptiste Cassaigne (Sanh) qua đời ngày 31/10/1973 tại Di Linh và được an táng tại Trại phong Di Linh, Lâm Đồng.​
Giáo phận Huế
  • Đức cha Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) qua đời tại Sen Bàng, Quảng Trị, ngày 3/9/1876, lúc 58 tuổi và được an táng tại đây.​
  • Đức cha Eugene Marie Joseph Allys (Lý) qua đời ngày 23/4/1936 tại Huế, hiện an nghỉ tại nghĩa trang Thiên Thai, Tp. Huế.​
  • Đức cha Francois Arsene Lemasle (Lễ) qua đời ngày 29/6/1946 tại Sài Gòn và được an táng tại Đất thánh các linh mục Sài Gòn.​
Giáo phận Kontum
  • Đức cha Martial Pierre Marie Jannin (Phước) qua đời ngày 16/7/1940 tại Kontum, thọ 74 tuổi.​
Giáo phận Nha Trang
  • Đức cha Marcel Piquet (Lợi) qua đời ngày 11/7/1966, tại Nha Trang và được an táng bên sườn đồi nhà thờ Chính tòa Nha Trang.​
Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội)
  • Edme Bélot qua đời ngày 2/1/1717 tại Trang Đen, Nghệ An, thọ 66 tuổi.​
  • Đức cha Francois Gabriel Guisain (Chi) qua đời tại Trang Đen, Nghệ An, ngày 17/11/1723, lúc 58 tuổi.​
  • Đức cha Louis Néez qua đời ngày 19/10/1764 tại Trại Nhồi, Hà Nam, thọ 84 tuổi.​
  • Đức cha Louis Marie Deveaux qua đời tại Thọ Kỳ nay là giáo xứ Thọ Ninh, Hà Tĩnh, ngày 1/1/1756.​
  • Đức cha Bertrand Reydellet (Bê) qua đời tại Vĩnh Trị, Nam Định, ngày 18/7/1780, hưởng dương 58 tuổi.​
  • Đức cha Jean Davoust qua đời ngày 17/10/1789, tại Kẻ Sui (xứ Phú Lương) và được an táng tại nhà thờ Kẻ Đầm, nay là xứ Bích Trì, Thanh Nam, Thanh Liêm, Hà Nam.​
  • Đức cha Jacques Benjamin Longer (Gia) qua đời tại Vĩnh Trị (Kẻ Vĩnh) ngày 8/2/1931, phục vụ Giáo phận Đàng trong 12 năm, Giám mục Tây Đàng ngoài 44 năm.​
  • Đức cha Charles La Mothe (Hậu) qua đời tại xứ Kẻ Trầu ( nay là xứ Lưu Mỹ, Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An ngày nay), ngày 22/5/1816 và được an táng tại nhà thờ Thọ Kỳ, Thọ Ninh, Hà Tĩnh ngày nay.​
  • Đức cha Jean Jacques Guérard (Đoan) qua đời ngày 18/6/1823 tại Thọ Kỳ (Thọ Ninh) và được an táng tại đây.​
  • Đức cha Jean Olivier (Phan) qua đời ngày 27/5/1827 tại Kẻ Nap.​
  • Đức cha Joseph Marie Havard (Giu) qua đời tại Bạch Bát (Bất Bạt, Ninh Bình) ngày 5/7/1838, hưởng dương 48 tuổi.​
  • Thánh Tử đạo Pierre Dumoulin Borie (Cao) bị hành quyết ngày 24/11/1838 cùng với thánh Vũ Đăng Khoa, tại ngoại thành Đồng Hới, Quảng Bình.​
  • Đức cha Pierre André Retord (Liêu) qua đời trên rừng miền Đồng Bào (Kẻ Bèo), Duy Tiên, Hà Nam và được an táng tại đây. Năm 1868, cải táng đưa về Kẻ Sở. Hiện nay, ngài được an táng tại Nhà thờ Lớn Hà Nội.​
  • Đức cha Charles Hubert Jeantet (Khiêm) qua đời ngày 24/7/1866 tại Hoàng Nguyên (Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội ngày nay); an táng tại Kẻ Non, sau cải táng về Kẻ Sở.​
  • Đức cha Joseph Theurel (Chiêu) qua đời ngày 3/1/1868 tại Kẻ Sở (Sở Kiện, Thanh Liêm, Hà Nam), lúc 39 tuổi và an nghỉ tại đây.​
  • Đức cha Paul Francois Puginier (Phước) qua đời ngày 25/4/1892 và được an táng tại nhà thờ Kẻ Sở, ngày 30/4/1892, hưởng dương 57 tuổi.​
  • Đức cha Pierre jean Marie Gendreau (Đông) qua đời tại Hà Nội ngày 7/2/1935 và được đưa về an táng tại nhà thờ Sở Kiện.​
  • Đức cha Francois Chaize (Thịnh) qua đời tại Hà Nội ngày 22/2/1949, thọ 67 tuổi và được an táng trong nhà thờ lớn Hà Nội.​
Giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh)
  • Đức cha Jean Denis Gauthier (Hậu) qua đời ngày 8/12/1877 và được an táng tại nhà thờ Xã Đoài.​
  • Đức cha Guillaume Clement Masson (Nghiêm) qua đời tại Trại Độ ngày 24/7/1853, khi mới 52 tuổi. An táng tại nhà thờ Xã Đoài.​
  • Đức cha Francois Belleville (Thọ) qua đời ngày 7/7/1912 sau 1 năm 1 tháng 3 ngày cai quản giáo phận và được an táng tại nhà thờ Xã Đoài. Hưởng dương 52 tuổi.​
  • Đức cha André – Léonce Joseph Eloy (Bắc) qua đời và an táng tại nhà thờ Xã Đoài, ngày 30/7/1947.​
Giáo phận Hưng Hóa
  • Đức cha Paul Marie Raymond (Lộc) qua đời ngày 6/1/1944 tại Sa Pa và được an táng tại đây.​
  • Đức cha Gustave Georges Vandaele (Vạn) qua đời ngày 21/11/1943 tại Sơn Tây, an táng tại nghĩa trang giáo xứ Sơn Tây, Hà Nội, thọ 69 tuổi.​
Giáo phận Thanh – Phát Diệm
  • Đức cha Alexandre Jean-Pierre Marcou (Thành) qua đời ngày 7/12/1939 và được an táng tại nhà thờ đá Phát Diệm. Thọ 82 tuổi.​
Giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng)
  • Đức cha Francois Deydier (Phan) qua đời ngày 1/7/1693 tại Kẻ Sặt Hải Dương và được an táng tại Phố Hiến (Hưng Yên). Năm 1726 được cải táng và đưa về an táng tại Đồng Chuối Thượng, nay là xứ Tiêu Động Thượng, Hà Nam.​
  • Đức cha Raymundo Lezzoli (Cao) qua đời ngày 18/1/1706 khi mới 52 tuổi và được an táng tại nhà thờ Lục Thủy, Bùi Chu.​
  • Đức cha Juan de Santa Cruz (Thập) qua đời ngày 14/8/1721, tại Trung Linh, thọ 75 tuổi, sau 2 năm làm Giám mục Đông Đàng Ngoài.​
  • Đức cha Tomaso Sestri (Tri) sinh năm 1669, qua đời tháng 8/1737, và đưcọ an táng tại nhà thờ Lục Thủy Hạ.​
  • Đức cha Hilarrio Costa di Jesus (Hy) sinh 1697, qua đời tại Lục Thủy, ngày 31/3/1754, thọ 57 tuổi.​
  • Đức cha Santiago Heznander (Tuấn) sinh 1723, mất ngày 6/12/1777 tại Bùi Chu khi mới 54 tuổi, an táng tại nhà thờ Bùi Chu.​
  • Emmanuel Obelar (Khâm) sinh ngày 28/12/1734, mất ngày 7/9/1789, tại Bùi Chu, an táng tại nhà thờ Bùi Chu.​
  • Đức cha Feliciano Alonso (Phê) sinh năm 1733, qua đời ngày 2/2/1799 tại Lai Ổn và được an táng tại nhà thờ Đống Bằng, Lai ổn, Thái Bình.​
  • Thánh tử đạo Clemente Ignacio Delgado (Y) sinh ngày 23/11/1762, tử đạo ngày 12/7/1838 tại nhà tù Nam Định.​
  • Thánh tử đạo Domingo Hénares (Minh) sinh ngày 19/12/1765, bị trảm quyết tại Pháp trường Bảy Mẫu Nam Định, ngày 26/6/1838. Thi hài được đưa về an táng tại Lục Thủy Hạ.​
  • Thánh tử đạo Hieronimo Hermosilla (Liêm) sinh ngày 30/9/1800, bị hành quyết ngày 11/11/1861 tại Pháp trường 5 mẫu, Hải Dương.​
  • Đức cha José Terrés (Hiến) sinh ngày 22/3/1843, từ trần ngày 23/4/1906, tại Hải Phòng. An táng tại nhà thờ Hải Phòng.​
  • Đức cha Francisco de Azua (Minh) sinh ngày 9/3/1868, qua đời ngày 22/5/1929 tại Hải Dương. An táng tại Đền các thánh Tử đạo Hải Dương.​
  • Đức cha Alexandro Garcia Foncuberta (Thiện) sinh ngày 10/8/1869, qua đời tại Hải Dương ngày 14/2/1933. An táng tại Đền các thánh Tử đạo Hải Dương.​
Giáo phận Bùi Chu
  • Thánh tử đạo José Diaz Sanjurjo (An) sinh ngày 26/10/1818, tử đạo ngày 20/7/1857, tại pháp trường 7 mẫu, Nam Định.​
  • Thánh tử đạo José Melchior Gracia Sampedro (Xuyên) sinh ngày 26/4/1821, tử đạo ngày 28/7/1858 tại pháp trường 7 mẫu, Nam Định.​
  • Thánh Tử đạo Valentin Berrio Ochoa (Vinh) sinh ngày 14/2/1827, tử đạo ngày 1/11/1861 tại pháp trường 5 mẫu, Hải Dương.​
  • Đức cha Wenceslao Onates (Thuận) sinh ngày 28/9/1841, qua đời ngày 23/6/1897, an táng tại nhà thờ Bùi Chu.​
  • Đức cha Munagori Y Obenita sinh ngày 28/9/1841, qua đời ngày 17/6/1936 tại Bùi Chu và được an táng tại nhà thờ Bùi Chu.​
Giáo phận Bắc Ninh
  • Đức cha Maximino Velasco (Khâm) sinh năm 1851, qua đời tại Bắc Ninh năm 1925.​
Giáo phận Thái Bình
  • Đức cha Santos Ubierna (Ninh) sinh ngày 1/11/1907, qua đời tại Sài Gòn ngày 15/4/1955, hưởng dương 48 tuổi. Hài cốt nagfi hiện ở Hố Nai, Biên Hòa.​
Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng
  • Đức cha Felix Maurice Hedde (Minh) sinh ngày 30/3/1879, qua đời tại Lạng Sơn ngày 3/5/1960 và được an táng tại nghĩa trang Văn Miếu, Lạng Sơn.​
Như vậy, trong số 126 vị Giám mục người nước ngoài ở Việt Nam, có ít nhất là 73 vị đã gửi lại nơi mảnh đất Việt Nam thân xác của các ngài. Nhiều người trong số họ chết khi còn quá trẻ mới 38 hoặc 39 tuổi và chưa một lần trở về quê hương kể từ khi tới Việt Nam.

phailamgi_Các Giám mục người nước ngoài tại Việt Nam Vài con số người Công giáo Việt hôm nay c...jpg
Ảnh: Hội đồng Giám mục Việt Nam

"Không có các ngài chúng ta sẽ ra sao?"

Trong ngày lễ tấn phong Giám mục người Việt tiên khởi của Giáo phận Hà Nội, ngày 15/8/1950, Đức cha Giuse Trịnh Như khuê đã hướng về các Giám mục Việt Nam và dõng dạc tuyên bố: "Không có các vị thừa sai chúng ta sẽ ra sao?"

Lời tuyên bố ấy là một lời tri ân, nhưng cũng là một lời nhắc nhở các Kitô tại Việt Nam hôm nay phải biết ơn các ngài.

Giáo hội Việt Nam vừa bước vào Năm thánh 2025, với chọn lựa mục vụ "cùng nhau loan báo Tin mừng," cánh đồng lúa Việt Nam có được như hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của các thừa sai ngoại quốc, cách riêng các vị Giám mục thừa sai.

Vì thế, hơn lúc nào hết, Giáo hội Việt Nam cần tỏ lòng tri ân các ngài bằng những việc làm cụ thể, cách riêng là dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin mừng để tiếp nối công trình của các ngài, những người đã sống chết cho Tin mừng được trổ sinh hoa trái trên quê hương Việt Nam.​
 

Nghi thức kính nhớ tổ tiên của người Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên