Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,106
- Chủ đề Author
- #1
Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã công bố chứng từ đầy xúc động về Mật nghị Hồng y bầu chọn Đức Giáo hoàng Lêô XIV, qua bài viết gửi báo Giornale di Vicenza, tờ báo quê hương của ngài tại Ý. Bản dịch tiếng anh được đăng tải trên ZENIT.
Dưới đây là bản dịch tiếng Việt:
Vẫn còn mang trong lòng dư âm tươi mới và đầy xúc động từ trải nghiệm mạnh mẽ của Mật nghị Hồng y, tôi rất hân hoan đáp lại lời mời của báo Giornale di Vicenza để chia sẻ một vài suy nghĩ về việc bầu chọn Đức Giáo hoàng Lêô XIV, Hồng y Robert Francis Prevost, OSA. Đây là một chứng từ ngắn gọn mà tôi có thể dâng hiến, phát xuất từ niềm vui khôn tả khi Giáo hội hoàn vũ, chỉ trong một thời gian ngắn, đã tìm thấy vị Mục tử — Đấng kế vị Thánh Phêrô, Giám mục Rôma — sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, người đã kiên nhẫn giữ tôi trong sứ vụ Quốc Vụ Khanh suốt gần 12 năm.
Chúng tôi xác tín rằng, qua hành động của các Hồng y cử tri — và cả qua tính nhân văn của họ — chính Chúa Thánh Thần đã tuyển chọn người mà Ngài định sẵn để dẫn dắt Giáo hội. Xét về mặt kỹ thuật, đây là một cuộc bầu cử, nhưng những gì diễn ra trong Nhà nguyện Sistina, dưới cái nhìn của Chúa Kitô – Vị Thẩm phán tối cao – là một cuộc tái diễn mầu nhiệm khởi nguyên của Giáo hội, khi các Tông đồ tìm cách tái lập nhóm Mười hai sau sự phản bội đau đớn của Giuđa Iscariôt. Khi ấy, các Tông đồ cầu xin Chúa, Đấng thấu suốt lòng người, chỉ cho họ thấy ai là người được chọn (x. Cv 1,25).
Mầu nhiệm ấy đã được lặp lại trong những ngày qua, và chúng ta hết lòng tạ ơn Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi Hội Thánh – Hiền thê yêu dấu của Ngài – nhưng luôn ban cho Hội Thánh những vị lãnh đạo hợp với trái tim Ngài. Chúng ta cũng vô cùng biết ơn Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV vì đã quảng đại đáp lại tiếng gọi yêu thương của Chúa: yêu mến Ngài “hơn những người này” và theo Ngài, chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Ngài, như Chúa Giêsu đã mời gọi Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe Chúa nhật vừa rồi (Ga 21,15tt.).
Tôi tin rằng không tiết lộ điều gì bí mật khi nói tiếng “Tôi chấp nhận” của ngài - khiến ngài trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo — đã được các Hồng y đón nhận bằng một tràng pháo tay kéo dài và nồng nhiệt. Điều khiến tôi xúc động nhất nơi ngài là sự bình an tỏa sáng trên gương mặt trong một khoảnh khắc vô cùng trọng đại, thậm chí có thể nói là “kịch tính,” bởi vì nó hoàn toàn thay đổi cuộc đời một con người. Dù chắc chắn ý thức rõ những thách đố phức tạp mà Giáo hội đang phải đối mặt hôm nay, ngài vẫn không đánh mất nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi.
Những vấn đề ấy đã được chúng tôi thảo luận trong các cuộc hội họp của các Hồng y trước mật nghị. Mọi tham dự viên – bất kể là cử tri hay không – đều chia sẻ hiện trạng của Giáo hội tại quê hương mình, những thách thức đang chờ đợi vị Giáo hoàng mới, cũng như các viễn cảnh cho tương lai.
Và bởi vì Hội Thánh, trong hành trình bước theo Chúa, luôn gắn bó mật thiết với lịch sử của nhân loại ở mọi thời đại và mọi nẻo đường, nên Đức Tân Giáo hoàng rất ý thức về các vấn nạn của thế giới hôm nay. Điều này đã được thể hiện ngay từ những lời đầu tiên ngài cất lên tại ban công Đền thờ Thánh Phêrô, khi ngài đề cập đến nền hoà bình “không vũ trang và có sức giải giới lòng người.”
Tôi đã từng cảm nhận được sự bình an sâu thẳm ấy nơi Hồng y Prevost từ những ngày đầu tôi đảm nhiệm vai trò Quốc Vụ Khanh, trong một hồ sơ đầy gai góc liên quan đến Giáo hội tại Peru. Sau đó, tôi có cơ hội cộng tác chặt chẽ hơn với ngài trong hai năm qua, kể từ khi Đức Giáo hoàng Phanxicô triệu hồi ngài về Rôma và trao cho ngài trọng trách đứng đầu Thánh Bộ Giám mục. Qua thời gian ấy, tôi nhận thấy nơi ngài sự hiểu biết sâu sắc về con người và hoàn cảnh, sự điềm đạm trong lập luận, sự quân bình khi đề xuất giải pháp, cũng như lòng tôn trọng, sự chăm sóc và yêu thương dành cho tất cả mọi người.
Tôi tin chắc rằng Đức Giáo hoàng Lêô XIV, ngoài ân sủng Thiên Chúa, còn có nơi kinh nghiệm phong phú của một tu sĩ và mục tử, cùng với gương sáng, giáo huấn và đời sống thiêng liêng của Thánh Augustinô – vị thánh mà ngài đã trích dẫn trong bài phát biểu đầu tiên – những nguồn lực cần thiết để chu toàn sứ vụ Chúa đã giao phó, vì lợi ích của Giáo hội và toàn thể nhân loại. Chúng ta ở bên ngài bằng tất cả tình yêu mến, lòng vâng phục và những lời cầu nguyện thiết tha.
- Ảnh trong bài: Vatican Media