Đạo đức bình dân: Chúng tôi là "quân dữ"!

5.00 star(s) 4 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
440

Cách đây không lâu, trong một lần huấn luyện các huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể, một huấn luyện viên đã có ý chê cách sống đạo bình dân khi cho rằng, đó là kiểu sống đạo của người nhà quê, không còn phù hợp với cuộc sống văn minh tiến bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn.


phailamgi_đạo đức bình dân_cv1.jpg

Ngắm 15 sự thương khó Chúa Giê-su tại Chủng viện Hà Nội. Ảnh TGP Hà Nội

Đạo đức bình dân trong đời sống đức tin

Thực ra, cần phải hiểu rõ, đạo đức bình dân không phải là "kiểu sống đạo nhà quê," thấp kém giống như người ta hay nói về quán cơm bình dân, cắt tóc bình dân, bình dân học vụ…

Đúng hơn, lòng đạo đức bình dân không gì khác hơn là việc một dân tộc "cụ thể hoá ân huệ Chúa ban trong chính cuộc sống mình" và bằng tài năng riêng của mình, "mỗi thành phần của dân Thiên Chúa làm chứng cho đức tin mình đã lãnh nhận và làm giàu đức tin ấy bằng những cách diễn tả mới và có sức thuyết phục." (Phanxicô, Niểm vui Tin mừng, # 122)

Nói cách khác, lòng đạo đức bình dân là câu chuyện của "một dân tộc không ngừng Phúc Âm hóa chính mình," (Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ La Tinh và Caribê, Văn Kiện Aparecida, 29-6-2007, 264.) và là cách cầu nguyện nhằm biểu lộ đức tin nhờ các yếu tố văn hóa trong một môi trường, một dân tộc cụ thể; đồng thời, "biểu lộ một sự khao khát Thiên Chúa mà chỉ có những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới có thể nhận biết được." (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, #48)

Vì thế, đạo đức bình dân là "một kho báu của Hội thánh Công giáo." (Bênêđictô XVI, Diễn từ Khai Mạc Hội Nghị Khoáng Đại Lần Thứ V của các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (13-5-2007), 1: AAS 90 (2007), 446)

phailamgi_đạo đức bình dân_cv2.jpg
Rước hoa tại nhà thờ Kỳ Đồng, Q.3, Tp. HCM

Lòng đạo đức bình dân tại Việt Nam

Trong thực tế, tại Việt Nam, lòng đạo đức bình dân đã từng và hiện vẫn là một trong những sức mạnh duy trì và gìn giữ Hội thánh, đặc biệt trong những giai đoạn Giáo hội bị bách hại, cấm cách.

Tại miền Bắc, sau năm 1954, khi các nhà thờ vắng bóng các linh mục, có Giáo phận chỉ có một linh mục rưỡi, thì chính lòng đạo đức bình dân đã làm nên sức mạnh và gìn giữ đức tin cho cộng đoàn dân Chúa.

Những tuồng Thương khó, những cuộc rước kiệu, đi Đàng Thánh giá, Viếng Thánh Thể, đám tang… đã trở thành sức sống bên trong của Hội thánh, là cách thức tuyên xưng lòng tin của người tín hữu giữa những cuộc bách hại.

Các việc đạo đức ấy ngày nay vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu, giúp họ diễn tả đức tin cách chân thành, nhưng hiệu quả.

phailamgi_đạo đức bình dân.jpg
Ảnh: AFP

Chúng tôi là "quân dữ"!

Điều cần để ý là, việc đạo đức bình dân vì là "bình dân", nên chắc chắn có những giới hạn. Một trong những giới hạn dễ thấy là lòng đạo đức bình dân có thể "mở cửa cho nhiều thực hành tôn giáo sai lệch kể cả việc mê tín dị đoan." (Ibid.)

Nó cũng có thể đưa tới việc biểu dương một nền văn hóa nào đó, một thực hành mang tính lễ hội, hơn là một hành vi đức tin thực sự.

Đơn cử, tại một giáo xứ nọ, vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sau tuồng thương khó, cha khách thấy ồn ào dưới bếp nhà xứ. Ngài xuống xem thì thấy có nhiều người đang ăn nhậu. Ngài lấy làm ngạc nhiên, nhắc họ hôm nay là thứ Sáu Tuần Thánh, phải giữ thinh lặng, ăn chay và kiêng thịt. Một người trong nhóm nói rằng: "Thưa cha, cha không biết sao, chúng tôi đóng vai quân dữ mà!"

Nguy hiểm hơn, lòng đạo đức bình dân có thể đưa tới "sự hình thành các giáo phái và gây nguy hiểm cho cộng đoàn Giáo Hội chân chính." (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, #48)

Tóm lại

Lòng đạo đức bình dân là một kho báu, là "kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh Phúc-Âm-hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ." (Phanxicô, Niểm vui Tin mừng, # 126)

Vì thế, Hội thánh địa phương, "phải tìm ra những nguyên tắc hướng dẫn lòng đạo đức này… phải biết nhận ra những chiều kích nội tâm và những giá trị không thể chối bỏ nơi chúng, phải sẵn sàng giúp đỡ và thắng lướt những nguy cơ lệch lạc." (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, #48) Nhờ đó, lòng đạo đức bình dân có thể dần dần làm cho giới bình dân của chúng ta gặp gỡ thực sự Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.​
 

Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn: Vị Giám mục chịu "tử đạo" vì các Thánh tử đạo | Phải làm gì? | Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn "là vị đại ân nhân của Giáo hội Việt Nam." Đó là lời nhận xét của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội nhân dịp lễ giỗ kỷ niệm 28 năm Đức Hồng y Căn về với Chúa.

6:403,241 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên