Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
835

Trong số các vị Hồng y được nhắc đến trước thềm Mật nghị Hồng y ngày 7/5/2025, không thể không kể đến Đức Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle – người từng được mệnh danh là “Phanxicô châu Á”, và là một trong những khuôn mặt dễ mến nhất của Giáo hội toàn cầu.​


Phailamgi_Hồng y Luis Antonio Tagle Từ giấc mơ làm bác sĩ đến “gương mặt Công giáo châu Á”.jpeg
Hồng y Luis Antonio Tagle, trong ảnh chụp năm 2015. © Mazur/cbcew.org.uk.

Một cuộc gọi nhầm… dẫn đến ơn gọi thật

Sinh năm 1957 tại Manila (Philippines), Luis Antonio Tagle ban đầu không hề có ý định trở thành linh mục. Mơ ước thuở nhỏ của ngài là trở thành bác sĩ. Nhưng một linh mục quen đã “lừa nhẹ” ngài thi vào Đại học Ateneo de Manila do Dòng Tên điều hành, với lời hứa rằng nếu đậu, sẽ có học bổng y khoa. Chỉ sau khi thi xong, Tagle mới biết đó là kỳ thi tuyển vào… chủng viện, và ngài lại còn trượt!

Tức giận nhưng bối rối, ngài bắt đầu đến nhà thờ mỗi sáng sớm để chầu Thánh Thể và cầu nguyện: “Con không biết phải làm gì.” Chính cuộc đối thoại nội tâm ấy đã mở ra một con đường mới. Nhờ kiên trì cầu nguyện, ngài được nhận vào chủng viện trong diện thử thách, với bài học đầu tiên từ vị giám đốc chủng viện: “Nếu con thực sự muốn theo đuổi điều gì, hãy vừa cầu nguyện, vừa chăm chỉ làm việc.”

Một mục tử gần gũi và dễ mến

Tagle được thụ phong linh mục năm 1982, khi mới 24 tuổi, và sau đó được cử đi du học tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Tại đây, ngài viết luận án tiến sĩ về tính đồng đoàn của giám mục trong giáo huấn và thực hành của Đức Phaolô VI. Trở về quê nhà, ngài vừa dạy học, giảng tĩnh tâm, vừa làm mục vụ giáo xứ – và dần trở thành một nhà giảng thuyết đầy sức hút.

Không giống những giám mục thường đi xe sang, trong một lần thay thế linh mục giáo xứ vì người này đột ngột bị ốm, Đức cha Tagle khi ấy mới ngoài 40 tuổi đã đến bằng xe ba bánh. Giáo dân ban đầu không nhận ra ngài, rồi vô cùng ngượng ngùng khi biết người đang trước mặt họ chính là tân giám mục. Ngài chỉ cười và nói: “Không sao đâu. Miễn là có Thánh lễ.”

Bên cạnh sự giản dị, Tagle còn là người tận dụng công nghệ từ rất sớm. Ngài đăng tải những bài suy niệm hàng tuần trên mạng, hát những bài nhạc đời bằng tất cả tâm tình – khiến không ít người trẻ trở lại với đức tin nhờ chính sự gần gũi ấy.

Phailamgi_Hồng y Luis Antonio Tagle Từ giấc mơ làm bác sĩ đến “gương mặt Công giáo châu Á”1.jpg
Hồng y Luis Antonio Tagle. Ảnh: rcam.org

Từ Manila đến Vatican: Những bước ngoặt

Năm 2011, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Manila – Tổng giáo phận lớn nhất Philippines, và chỉ một năm sau, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tấn phong ngài làm Hồng y.

Trong vai trò mới, Tagle tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình (2014, 2015) và từng phát biểu rằng: “Mỗi trường hợp người ly dị tái hôn là một hoàn cảnh riêng. Nếu áp dụng một luật chung cho tất cả có thể gây phản tác dụng.”

Năm 2015, ngài trở thành Chủ tịch Caritas Quốc tế – mạng lưới bác ái lớn nhất của Giáo hội. Đến năm 2019, Tagle được Đức Giáo hoàng Phanxicô triệu về Vatican, giao trọng trách Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc – một trong những cơ quan lớn nhất của Giáo triều, quản lý các vùng truyền giáo toàn cầu.

Tuy nhiên, thời gian sau đó không phải lúc nào cũng êm đềm. Khi Giáo hoàng Phanxicô cải tổ bộ máy Vatican và thay toàn bộ ban lãnh đạo Caritas vào năm 2022, có tin đồn rằng Tagle không còn được tin tưởng. Nhưng sau đó, ngài lại được giữ vai trò Phó Tổng trưởng trong Bộ Loan báo Tin Mừng mới – kết hợp giữa hai cơ quan truyền giáo lớn trước đây.

Vị Hồng y giữa thời đại nhiều biến động

Khi còn ở Manila, Tagle từng bị chỉ trích là quá nhẹ nhàng trước chiến dịch đàn áp tội phạm đẫm máu dưới thời Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, nhiều người cũng hiểu rằng ngài chọn phong cách “âm thầm đối thoại”, hơn là đối đầu trực tiếp trong một bối cảnh chính trị căng thẳng.

Ngày nay, dù ít xuất hiện trên truyền thông hơn, Đức Hồng y Tagle vẫn được yêu mến bởi sự dịu dàng, phong thái thân thiện, và khả năng truyền cảm hứng cách sâu sắc. Dù là trong thánh lễ, trên sân khấu, hay bên bàn ăn giản dị, ngài luôn mang đến cho người đối diện một cảm giác: người mục tử này thực sự biết lắng nghe.


 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên