Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 870
- Chủ đề Author
- #1
Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 11 tháng 5 năm 2025 – Từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã cất lên bài huấn từ đầu tiên trong giờ Kinh Regina Caeli với một thông điệp rõ ràng và cấp thiết: “Không bao giờ được có chiến tranh nữa!”
Đức Giáo hoàng Lêô XIV giơ tay chào sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli) từ ban công chính giữa của Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican, ngày 11 tháng 5 năm 2025. Ảnh: AFP
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục chìm trong những cuộc xung đột đẫm máu, lời mời gọi của Đức Thánh Cha vang lên như một tiếng chuông đánh thức lương tâm nhân loại. Ngài nhắc lại ký ức tang thương của Thế chiến thứ hai – kết thúc cách đây tròn 80 năm – với hơn 60 triệu người thiệt mạng, để nhấn mạnh rằng chiến tranh không bao giờ là con đường dẫn đến công lý, hòa bình hay phẩm giá con người.
“Trong bối cảnh bi thảm của một ‘cuộc chiến thế giới từng phần’ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo, tôi cũng xin ngỏ lời với các vị lãnh đạo thế giới, lặp lại lời khẩn cầu luôn mang tính thời sự: ‘Không bao giờ được có chiến tranh nữa!’”
Lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng không chỉ mang tính biểu tượng. Ngài đã nêu đích danh những vùng đất đang chìm trong khói lửa và đau thương:
- Ukraina: Tôi mang trong tim mình những đau khổ của dân tộc Ukraina thân yêu. Ước chi mọi nỗ lực đều được thực hiện để đạt tới một nền hòa bình đích thực, công bằng và bền vững – càng sớm càng tốt. Ước gì tất cả tù nhân được trả tự do, và các trẻ em được đoàn tụ với gia đình của mình.
- Dải Gaza: Tôi cũng hết sức đau buồn trước những gì đang diễn ra tại Dải Gaza: nguyện xin có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức! Xin cho viện trợ nhân đạo được đến với những người dân đang bị vây khốn, và cho tất cả con tin được trả tự do.
- Ấn Độ và Pakistan: Tôi đón nhận với niềm hy vọng tin vui về việc Ấn Độ và Pakistan tuyên bố ngừng bắn, và tôi hy vọng rằng qua các cuộc đối thoại sắp tới, một thỏa thuận lâu dài sẽ sớm đạt được.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng đó chỉ là ba trong số vô vàn cuộc xung đột âm ỉ đang diễn ra trên khắp địa cầu. Trong nỗi thao thức ấy, ngài hướng lòng về Đức Maria – Nữ Vương Hòa Bình – để phó thác lời cầu xin tha thiết của nhân loại.
“Tôi phó thác lời khẩn cầu này cho Nữ Vương Hòa Bình, để Mẹ dâng lên Chúa Giêsu, nguyện xin Người ban cho chúng ta phép lạ của hòa bình.”
Ảnh: thecatholicherald.com
Giữa thế giới đầy chia rẽ, nơi tiếng súng thường lấn át tiếng trẻ thơ, lời kêu gọi “Không bao giờ được có chiến tranh nữa” của Đức Giáo hoàng Lêô XIV không chỉ là một thông điệp ngoại giao, mà là một lời ngôn sứ. Nó chất vấn lương tâm của từng người – từ các nhà lãnh đạo đến những công dân bình thường – rằng: chúng ta đang xây dựng hòa bình hay dung dưỡng hận thù?
Trong một thời đại mà các tranh chấp dễ dàng bùng phát và lan rộng chỉ qua một dòng trạng thái hay một quyết định chính trị đơn phương, lời kêu gọi của vị Tân Giáo hoàng không thể bị xem nhẹ. Đó là một tiếng nói lương tri, một tia hy vọng giữa cơn hỗn mang, và là lời nhắn nhủ thẳng thắn: nếu không biết chọn con đường hòa bình, nhân loại có thể một lần nữa rơi vào bóng tối của những thảm họa mà chính mình tạo ra.
Đọc thêm: Toàn văn bài huấn từ đầu tiên của đức giáo hoàng LÊÔ XIV trong giờ kinh Regina Caeli
Phải Làm Gì?
Docat 67: Làm thế nào để công lý có thể chiếm ưu thế trên các nước?
Không chỉ cá nhân, nhưng các dân tộc và các quốc gia cũng có quyền hưởng công bằng. Sự bất công xảy ra khi một nước bị xâm chiếm, chia cắt, biến thành nước chư hầu, bị cướp bóc, hay còn trở thành đối tượng khai thác của các nước mạnh hơn. Trên nguyên tắc, mỗi quốc gia đương nhiên có quyền tồn tại và độc lập, được quyền có ngôn ngữ và văn hoá riêng, quyền tự quyết, và tự do chọn lựa những nước mà quốc gia đó muốn hợp tác một cách hoà bình. Nhân quyền phải được áp dụng ở mức độ cao hơn cho các quốc gia. Bằng cách này, hoà bình, sự tôn trọng và tình liên đới có thể thành hiện thực giữa mọi dân tộc. Dĩ nhiên, chủ quyền theo luật quốc tế của một nước không được dùng như cái cớ để chối bỏ nhân quyền trong nước, hay để đàn áp các dân tộc thiểu số