- Chủ đề Author
- #1
Đó là một câu hỏi, một thao thức thiêng liêng trong đời sống đức tin của nhiều Ki-tô hữu. Tuy nhiên, theo giáo huấn của các thánh và chính Chúa Giêsu, điều cần đặt ra trước tiên không phải là liệu Thiên Chúa có nghe, mà là ta có thật sự ý thức đang thưa chuyện với ai.
Thánh Têrêsa Avila, một tiến sĩ Hội Thánh, từng thẳng thắn cảnh báo: “Một lời cầu nguyện mà người ta không ý thức đang nói chuyện với ai, đang xin điều gì, ai là người xin, và xin với ai – tôi không gọi đó là cầu nguyện, cho dù môi miệng có lặp lại lời lẽ.” (Lâu đài nội tâm, I.1.7). Nhiều người, dù đạo đức, vẫn thường cầu nguyện như nói chuyện với một tôi tớ, tuôn ra lời lẽ sáo rỗng không đi kèm sự tôn kính.
Còn với thánh Gioan Kim Khẩu, việc lời cầu nguyện được Thiên Chúa lắng nghe hay không không phụ thuộc vào số lượng lời nói, nhưng ở sự sốt sắng của tâm hồn. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, đừng như những kẻ đạo đức giả” (Mt 6,5).
Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã truyền dạy một kinh nguyện ngắn gọn: Kinh Lạy Cha.
Lời mở đầu “Lạy Cha chúng con ở trên trời” vừa chỉ định danh đối tượng, vừa xác định vị thế của người cầu nguyện: ta đang thưa chuyện với Cha, không phải một thế lực vô danh, mà là một Đấng yêu thương. Việc cầu nguyện phải “sống động, ý thức và tích cực”. Tức là không chỉ là việc lặp lại máy móc, mà là sự tham gia trọn vẹn của tâm hồn.
Không ít người, kể cả các tín hữu lâu năm, rơi vào thói quen “đọc kinh” thay vì “cầu nguyện”. Họ có thể lặp lại hàng chục kinh Lạy Cha, Kính Mừng, mà lòng không hiện diện. Người cầu nguyện thật sự không nhằm thay đổi Thiên Chúa, mà để chính mình được biến đổi.
Bên cạnh đó, “hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha của anh em” (Mt 6,6) - lời dạy của Chúa Giêsu về thái độ nội tâm: sự thinh lặng để lắng nghe, sự chân thành để gặp gỡ. Thay vì đọc mười lần “Lạy Cha” lặp đi lặp lại trong vô thức, hãy chỉ đọc một lần – nhưng với trọn vẹn tâm tình.
Trích lời Cố Giáo hoàng Phanxicô viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium (#264): “Không ai được nghĩ rằng lời cầu nguyện là sự lặp lại các công thức: đó là một cuộc đối thoại yêu thương”. Trong đối thoại ấy, không phải Thiên Chúa thay đổi, mà chính chúng ta được biến đổi. Và đó là một lời cầu nguyện thật sự.
Vì thế, thay vì tự hỏi “Lời cầu nguyện của tôi có được lắng nghe?”, chúng ta cần xét lại một câu hỏi quan trọng hơn: “Tôi có thực sự ý thức mình đang thưa chuyện với ai không?”