Thành viên
Tham gia
2/1/24
Bài viết
107

Em thương mến,

Tôi hỏi em dạo này có lần chuỗi không? Em nói thời này mà còn lần chuỗi là quê và nhạt nhẽo ạ!

Tôi khẽ lặng, rồi nói: Thật vậy à?

Sau cuộc nói chuyện với em tôi dành thời gian suy tư về lời em nói.


Em,

Nhớ ngày em còn là một huynh trưởng sinh hoạt sôi nổi trong giáo xứ. Em dạy giáo lý và hăng say với các hoạt động tông đồ. Chính môi trường sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể đã cho em sự tự tin trước đám đông, sự sáng tạo trong ý tưởng và khả năng làm việc tập thể để xây dựng môi trường. Tôi nhớ hồi đó, đi đâu em cũng đeo chuỗi nhỏ 10 hạt ở tay và dạy cho các em thiếu nhi lần chuỗi.

Giờ em đã tự tin bước vào đời. Với sự nghiệp và một tương lai xán lạn với tiềm năng phát triển của em. Nhưng dường như dần dần, tham vọng của em lớn dần và vị trí của Chúa, của những hoạt động tông đồ hay chính việc lần chuỗi nhỏ lại và ít đi. Em bận rộn với công việc không còn giờ để đi nhà thờ hay lần chuỗi. Chuỗi hạt nhỏ trên tay em đã được thay thế bằng một sợi dây vàng 4 số 9 lấp lánh với những hạt kim cương sáng chói.

Hôm nay, tôi mời em cùng nhìn lại về chuỗi Mân Côi mà em cho là quê, không còn hợp thời, không còn phù hợp với vị trí và thân phận của em hiện tại.

phailamgi_Thư gửi em, phải chăng lần chuỗi là quê lắm_cv1.jpg
Ảnh: americamagazine.org

1. Kinh Mân Côi có phải dành cho những người quê mùa?

Có hai câu chuyện có thật được kể lại:

a. Nhà Bác học André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp thế kỷ 18-19, người đã sáng lập ra môn điện từ học, ngồi trong nhà thờ, miệng lâm râm lần hạt trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người. Ông là người đã phát minh ra cách tính cường độ của dòng điện gọi là ampère . Chính nhà văn Ozanam, người đã thấy Ampère lần hạt và ông ngượng nghịu quỳ xuống bắt chước, sau này đã thường nói với mọi người : "Tràng hạt của ông Ampère đã ảnh hưởng mạnh vào đời tôi hơn tất cả những cuốn sách đạo và bài giảng."

b. Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu,xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng :
- Thưa Ông, Ông còn vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?".
Cụ già thản nhiên trả lời :
- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?
Người thanh niên xấc xược trả lời :
- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên :
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?
Người sinh viên nhanh nhảu trả lời :
- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi sách vở đến cho Ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.

Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi :"Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris".

Nhà bác học Louis Pasteur đã nói những lời cuối cùng với y tá của mình trước khi ông qua đời : “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: " “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó khăn." Ngài kêu gọi: "“Tôi xin anh chị em, mọi người trong mọi lĩnh vực cuộc sống, hãy tin tưởng đọc Kinh Mân Côi. Ước gì lời kêu gọi của tôi không bị làm ngơ!”

Chắc em đã có câu trả lời cho mình. Vậy nên việc em cho là quê mùa cách nào đó phải chăng em thiếu tự hào về Niềm Tin và chọn lựa Tôn Giáo của mình trước ảnh hưởng của trào lưu xã hội.

phailamgi_Thư gửi em, phải chăng lần chuỗi là quê lắm_1.jpg
Nhà bác học Louis Pasteur đã nói những lời cuối cùng với y tá của mình trước khi ông qua đời : “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi”.

2. Kinh Mân Côi có phải là nhạt nhẽo?

"Em nói rằng việc đọc lặp đi, lặp lại những kinh Kính Mừng nhạt nhẽo và tốn giờ. Thà đi đọc Kinh Thánh còn tốt hơn!"

Lúc còn trẻ tôi cũng đã từng đặt câu hỏi là tại sao phải đọc đi đọc lại nhiều Kinh Kính Mừng khi lần chuỗi như vậy? Có 2 điều tôi khám phá ra:

Trước hết, đọc Kinh Mân Côi là đọc Kinh Thánh. Toàn bộ Chuỗi Mân Côi là tóm tắt cuộc đời Chúa Giêsu và chúng ta đi sâu vào suy niệm cũng như rút ra thực hành từ các biến cố trong cuộc đời của Chúa. Vậy nên, em lần chuỗi là đang đọc Kinh Thánh nhé. Không chỉ vậy, lời kinh Kính Mừng mà em cho là lặp đi lặp lại thà đọc Kinh Thánh tốt hơn; thì em phải xem lại: Kinh Kính Mừng phần đầu là lời trong Kinh Thánh: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà." Đây là lời chào của sứ thần Gabriel trong Tin mừng Luca 1:28. Và "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ." Đây là lời của bà Elisabeth đáp lại Đức Mẹ trong Tin Mừng Luca 1:42. Hai câu Kinh Thánh này thật tuyệt vời nếu em suy niệm sâu sắc về ý nghĩa thần học trong đó.

Thứ đến, hãy xem lại khi em đang yêu, em muốn nói thật nhiều với người yêu của mình những lời yêu thương phải không? Em dành mọi cơ hội để nhắc đi nhắc lại tình yêu của mình với chàng trai kia. Em có cho những lời yêu thương đó là nhạt nhẽo hay vô vị? Chắc là không rồi, vì những lời đó khẳng định cho con tim và niềm tin của em nơi tình yêu của mình. Cũng vậy, khi đọc kinh Mân Côi trong tương quan tình yêu, em sẽ thấy khác lắm.

Chữ Mân côi có gốc là Mai Khôi là HOA HỒNG. Mỗi lời kinh trở nên như một bông hoa hồng dâng lên cho Đức Mẹ, cùng Đức Mẹ dâng lên cho Chúa. Em có thấy đẹp không? ý nghĩa không? Mọi biến cố trong cuộc sống có sự đồng hành của Đức Mẹ, có sự đỡ nâng thiêng liêng trong tương quan với Chúa.

phailamgi_Thư gửi em, phải chăng lần chuỗi là quê lắm_cv2.jpg
Ảnh: carmelitequotes.blog

Em thương mến,

Tháng Mân Côi về là dịp để nhắc nhớ nhau về một tình yêu thủa ban đầu, là dịp để yêu nhiều hơn qua việc cầu nguyện giữ tương quan với Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ;
là dịp để hiệp thông với biết bao nhiêu con tim chung lời cầu nguyện cho mỗi người, các gia đình, Giáo Hội và sự an bình của toàn thế giới.

Nguyện chúc em cuối tuần an lành và cầm chuỗi lên, chúng ta cùng hiệp hành trong đức tin.

yeuthuong

Little-pencil
 

Quyền và trách nhiệm - Giáo huấn xã hội Công giáo

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên