Thư gửi em, vị linh mục già người Ấn chia sẻ

5.00 star(s) 4 Votes
Thành viên
Tham gia
2/1/24
Bài viết
109

Em thương mến,​

Chiều tối qua, tôi có cơ hội ngồi dùng bữa tối cùng Giám Mục và linh mục đoàn của Giáo phận Wilcannia-Forbes của Australia. Một Giáo phận có diện tích rất rộng, các giáo xứ cách nhau cả trăm cây số, nhưng số lượng giáo dân đi dự lễ Chúa Nhật được vài chục người. Linh mục đoàn chỉ có khoảng 20 cha, trong đó có khoảng 3 Cha là người Úc, còn lại là Ấn Độ, Mexico, Kenya, Phillipines, Indonesia và Việt Nam. Có lẽ đây là điều khá mới lạ cho Việt Nam về số lượng giáo dân dự lễ và linh mục đoàn không còn là người bản xứ. Nhưng đây là thực tế của Giáo Hội Úc và rất nhiều nước phương Tây. Sẽ có một lá thư khác, tôi sẽ chia sẻ với em về lý do của hiện tượng trên.​

phailamgi_Thư gửi em, vị linh mục già người Ấn chia sẻ_cv1.jpg

Giám mục và linh mục giáo phận Wilcannia-Forbes. Ảnh: wf.catholic.org.au

Nhưng hôm nay, tôi muốn chia sẻ với em về cuộc nói chuyện với một linh mục 72 tuổi, người Ấn Độ, với 43 năm linh mục. Ngài đã đến tuổi hưu, đã làm việc cho Giáo phận Brisbane, nhưng sau đó, ngài được Giám Mục Columba của giáo phận này mời tiếp tục làm việc mục vụ tại đây.

Tôi có hỏi Ngài: Với 43 năm linh mục, Ngài thấy bài học lớn và ý nghĩa cho việc mục vụ là gì?

Ngài vui vẻ trả lời:

"Có 2 điều mà tôi kinh nghiệm và thấy mình phải giữ và mong các linh mục sẽ giữ được:
- Thứ 1: Luôn luôn nhớ mình là người phục vụ, chứ không phải ông quan.
- Thứ 2: Không nóng giận với bất cứ ai. Khiêm tốn lắng nghe mọi người. "

Ngài nói thêm: "Nếu mình làm được vậy, giáo dân sẽ đến với mình. Còn nếu mình không làm giáo dân sẽ chạy ra xa."

Câu trả lời của Ngài làm tôi suy nghĩ nhiều.​

phailamgi_Thư gửi em, vị linh mục già người Ấn chia sẻ_cv2.jpg

Ảnh: parkeschampionpost.com.au

Hai bài học tưởng như đơn giản nhưng để thực hiện một cách nghiêm chỉnh thì lại thách thức không nhỏ.

Hai điều trên cũng rõ ràng không phải là mới mẻ, hay lạ lẫm với giá trị Tin Mừng khi Chúa nói vua chúa các dân thì bắt người ta phục vụ, nhưng để là người làm lớn với Chúa là người phục vụ, là cúi xuống rửa chân (x. Mc 10:35-45). Và khi Chúa nói: "Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình." (x. Mt 5:21-26).

Với sự phát triển của nhận thức xã hội, cũng như về nhân phẩm, quyền con người hiện nay, thiết nghĩ hai điều mà vị linh mục già Ấn Độ chia sẻ trở nên cấp thiết hơn. Cái nhìn về người lãnh đạo tôn giáo theo con đường của Đức Kitô là người phục vụ và thái độ khiêm nhường, dễ mến, lắng nghe nỗi lòng của đoàn chiên chứ không phải là quyền lực, hay nạt nộ hay làm khó. Môi trường hiện đại càng cần hơn những mục tử chân chính và nhân lành.

phailamgi_Thư gửi em, vị linh mục già người Ấn chia sẻ_.jpg
Ảnh: dcctvn.org

Chúng ta nhớ lại hình ảnh Vị Mục Tử nhân lành trong Kinh Thánh là chính Đức Kitô,
Đấng đã luôn chạnh lòng thương và phục vụ.
Đấng đã thứ tha cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Đấng đã kiên nhẫn ngồi nói chuyện với người phụ nữ dân ngoại Samari bên bờ giếng.
Đấng đã dừng cả đoàn người để chữa lành cho một người phụ nữ băng huyết 12 năm.
Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình...
Và cũng là Đấng đã vì đoàn chiên mà đổ máu ra để cứu chuộc.

Em thương mến,
Chúng ta cùng hiệp lời cho các vị lãnh đạo tôn giáo nói chung, nhất là những mục tử của Đức Kitô ngày hôm nay. Trước thách đố của tục hóa, của quyền lực, của vật chất, của danh vọng, các linh mục cần lời cầu nguyện nhiều hơn để đi sát, đi đúng theo gương của Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta. Chúa cũng mời gọi mỗi người nên như mục tử tốt lành giống như Chúa cho gia đình, cho bạn bè, lối xóm và cho những người mà mình gặp gỡ.
Sống chứng nhân là sống trong tình yêu thương, em nhỉ?

Nguyện chúc em và gia đình hăng say sống Tin Mừng.

Yeuthuong,

Happy-pencil​
 

Đất Thánh các linh mục - Tổng Giáo phận Sài Gòn

5:23364 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên