Thành viên
Tham gia
6/4/25
Bài viết
1
Tôi sinh ra không trong một gia đình Công giáo. Tôi trở lại Đạo khi tuổi trưởng thành. Tôi cũng không trở lại Đạo vì lý do thủ tục hôn nhân hay ai rủ rê gì. Tôi thấy phù hợp với cảm nhận cuộc sống vô định khi ấy, cần có một lý do để sống cho có ý nghĩa thôi. Và, trải qua 35 năm rồi, tôi nghĩ đủ để chia sẻ trải nghiệm nhỏ này, rằng tôi yêu Giáo hội, với tư cách là một tín hữu bé nhỏ.


phailamgi_Tôi yêu Giáo hội_cv2.jpg


Tôi yêu Giáo Hội. Giáo hội không làm tôi thất vọng. Tôi yêu Giáo hội. Từ thưở biết làm dấu thánh giá, cho đến bây giờ, và tôi tin cả về sau, tôi yêu Giáo hội. Rất nhiều sự việc sự kiện gây cám dỗ hoang mang. Tôi vẫn chỉ xin nói về Giáo hội, là nơi tôi có trải nghiệm, tôi đã thấy rằng tôi yêu Giáo hội.

Tôi thấy, Giáo hội Công giáo không phải là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ khiến tất cả phải tròn mắt trầm trồ vẻ đẹp. Giáo hội không phải là một đồ vật mà người ta có thể thò tay nắm lấy như sở hữu của mình. Con cái trong Giáo hội không phải là những người đứng nhìn Giáo hội của mình từ bên ngoài. Con cái Chúa, những tín hữu là chính Giáo hội. Tín hữu Công giáo không như nhân vật Narcisse trong thần thoại Hy lạp. Narcisse là con trai của nàng tiên Liriope và long giang Céphise. Narcisse được tiên báo sống lâu trăm tuổi, với điều kiện không được nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, thế là Narcisse chỉ ngắm bóng mình qua gương. Giữa lòng Giáo hội, tôi chẳng có khoảng cách nào hết, trong Giáo hội tôi thuộc về Chúa Chúa Phục sinh và thuộc về Thiên Chúa.

Tôi thấy, nếu phải làm chứng, thì tôi chỉ có thể nói, rằng tôi đã không bị lừa, với tất cả niềm vui thẳm sâu. Tôi vào gia đình Giáo hội không bằng sách báo tạp chí, không bằng tâm lý đám đông của mạng xã hội, không bằng đạo lý uy thế của giáo quyền hay thế quyền. Tôi gặp gỡ những người tín hữu quanh tôi, đời thường kiếm cơm cần lao vất vả. Tôi thấy rõ Giáo hội như con người tôi, có cả sức khoẻ lẫn giới hạn. Cuộc sống và đức tin hoà lẫn vào nhau. Tôi yêu Giáo hội giống như yêu mến những người trong gia đình tôi. Tôi yêu Giáo hội có khi bằng cái tình yêu rất đời đó trước khi tôi biết Giáo hội là gì. Kiểu như đứa trẻ đã yêu thương gia đình nó trước khi biết gọi tên tình yêu vậy.

Tôi cảm nhận Giáo hội đã sống mà chẳng bận tâm gì chuyện phải định nghĩa chính mình. Tên của Giáo hội là Giêsu Kitô. Đấng ấy "trăm năm trong cõi người ta" vẫn mời họ "Hãy đến mà xem!", không trừu tượng mông lung, một cuộc gặp gỡ rất thật. Phêrô không phải Gioan, Gioan không phải Giacôbê, Giacôbê không phải Andrê, Madalena không phải Mônica... là độc nhất vô nhị. Tất cả tín hữu trong Giáo hội có một tên thánh, ngày ấy tôi cũng có một tên thánh, cái tên khai sinh tôi trong cuộc sống Giáo hội. Tất cả không phải là một bầy cừu, họ là một Dân, Dân Thiên Chúa. Giáo hội là dân tộc "rút ra từ sự duy nhất từ sự duy nhất của Cha, Con và Thánh Thần." Thánh Cyprianô nói vậy. Dân đó họ nói với nhau và cho mọi người: "Đức Kitô đã phục sinh. Allêluia!"

Tôi thấy, Giáo hội mở lòng tôi hướng về Thiên Chúa, là Đấng mà tôi biết là cùng đích đời tôi. Trên trải nghiệm đường đời, như môn đệ Emmau, tôi như lầm lũi trong bụi bặm chông chênh, lại có ai phủi sạch bụi mờ trên khuôn mặt, qua việc đã diễn giải cho tôi Lời Kinh Thánh. Giáo hội! Tôi được tham giao vào việc làm nên Giáo hội. "Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở giữa". Tín hữu là Giáo hội, không phải để cai trị thế gian, không phải vị kỷ chỉ để cứu mình khỏi thế gian. Mà, tiên vàn đó là để hỏi nhau rằng: "Còn bạn, bạn nói gì về Thiên Chúa?" Khi ở Caisaria, thánh Phêrô được hỏi như vậy. Ông đã tuyên xưng: "Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống... Người có những lời đưa đến sự sống đời đời". Chỉ thế thôi! Không chứng minh gì mình cả. Dấn thân và chỉ dấn thân. Ông bỏ tất cả để theo Người. Cũng giống anh chàng Gioan, liều mất tất cả vì "Đấng là Sung Mãn", để cuối đời viết Tin Mừng rằng "Thiên Chúa là Tình Yêu." Mà Thiên Chúa chỉ nhẫn nại ngỏ lời: "Hãy đến mà xem!" Vậy thôi, không dài dòng.

phailamgi_Tôi yêu Giáo hội_1.jpg


Tôi nhận ra tôi yêu Giáo hội, vì Giáo hội rất liều mạng. Liều mạng vì yêu. Giáo hội mang thập giá vì trung thành với Sứ Mạng. Thay vì Giáo hội yên thân với khôn ngoan trần thế, là ẩn mình an toàn ghetto biệt lập, thì Giáo hộ đã nhập thế minh nhiên, không biện bạch chạy trốn trách nhiệm. Công đồng Vaticano II bật tung then khoá, bạt thấp bức tường, phá toang cổng kín. Giáo hội sống mùa chay thanh luyện chính mình trong hơi thở Thần Khí. Rồi Giáo hội rời lâu đài mạ vàng kín cửa để lên đỉnh núi sọ giữa nhân gian. Tin hữu không phải là người của quá khứ, cũng không phải là người đóng băng trong hiện tại. Tín hữu là người của hy vọng Nước Trời. Thế gian này chờ đợi ơn cứu độ. Giáo hội không thể ngừng báo tin cái chết bị đánh bại, hận thù bị bóp nghẹt, tình yêu đã chiến thắng, ngay trong thời cuộc này.

Tôi thấy, Giáo hội không phải là của những chuyên gia tuyên truyền, mà là dân tộc gồm những người chứng. Người chứng là người say sưa kể những gì họ đã thấy, đã nghe, đã tự tay đụng chạm. "Điều đã có tự thuở ban đầu, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã sờ về Lời Chúa. Chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời... để anh em cũng được thông hiệp với chúng tôi.... Chúng tôi viết cho anh em những điều này, để sự vui mừng của anh em được nên trọn." (1Ga 1,1-4). Giáo hội ra trước toà an thế gian. Tránh gì được. Phải nói sự thật. Phải giải bày chính kinh nghiệm. Phải sống lại biến cố thay đổi cái vận mệnh ý nghĩa cuộc đời mình. Phải sống rồi phải làm chứng. Không phải là quảng cáo, như quảng cáo sản phẩm rồi mang đi bán. Không phải là nhiệm vụ chính trị, lãnh tụ thế gian. Mà là người chứng của Nước Trời trong hiện tại. Cái độc đáo của Giáo hội là không phải tin vào thế giới bên kia bức tường sự chết, mà lan toả sự sống đời đời ngay bây giờ, ở đây, mai sau mà họ đã sống và cảm nhận.

Tôi yêu Giáo hội, vì Giáo hội hội tụ cả những nỗi thống khổ lẫn sự kiêu kỳ. Giáo hội nhìn nhận sự thật về chính mình: tội lỗi. Vừa đấm ngực, vừa hát bài ca hạnh phúc. Tội hồng phúc (Felis Culpe). Khi xưng thú tội là khi lãnh ơn giao hoà. Nỗi cơ cực của thế gian lại hiện ra sự vĩ đại của con người tin vào Thiên Chúa. Mỗi ngày, Giáo hội bị xô đi đẩy lại bởi những khủng hoảng của thời cuộc. Giáo hội có những khi không được chính con cái mình yêu mến. Nhưng, qua đêm thứ Sáu tuần thánh, Giáo hội sống dưới ánh mặt trời của ngày Phục sinh. Tín hữu không sống trong ảo tưởng giữa thế giới này. Tín hữu sống Nước Trời đã được thực hiện trong sự hiện diện của Chúa Phục sinh. "Hỡi người đang ngủ mê, hãy tỉnh dậy đi thôi, vì ngày đã chiếu sáng ngươi rồi!"

phailamgi_Tôi yêu Giáo hội_cv1.jpg

Phải làm gì?

Tôi thấy, Giáo hội sống đi sống lại từng giây phút như người Samari nhân hậu. Trước khi lên tiếng, Giáo hội lắng nghe, thầm lặng câu nguyện, để nghe được tiếng thở than của Thiên Chúa trong lòng người đang bị thua thiệt, bị bỏ mặc, bị gạt ngoài lề, những con người khổ đau. "Một người từ Giêrusalem xuống Giêricô và đã sa vào ổ cướp. Chúng lột hết áo xống của người đó và đánh nhừ tử..." (Lc 10,30). Thiên Chúa kêu cứu. Giáo hội có mặt. Giáo hội vẫn bị cám dỗ vào những tranh luận, hội họp, lập uỷ ban tìm hiểu... và khi đó người kia sắp chết. "Chúng có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy". Người mẹ cần nhúng tay vào việc, như phản xạ tự nhiên, bất cứ hoàn cảnh nào, đứng lên nuôi nấng con cái của bà. Giáo hội phục vụ như thế, khiêm tốn. "Tôi tớ không hơn chủ".

Tôi thấy, Giáo hội bị nhiều người phê bình, rất phi lý. Người thì cho Giáo hội không còn trung thành với truyền thống, người khác thì cho quá tiến bộ, người nữa trách móc Giáo hội bảo thủ. Chẳng đủ kiến thức để hiểu vì sao. Chỉ xin trích lại lời tâm tư lạ lùng của Chúa Giêsu với các môn đồ: "Kẻ nào loại bỏ anh em, cũng loại bỏ Ta; Kẻ nào nghe anh em cũng nghe Ta." Cám dỗ lớn lao là khi lấy chính Chúa Kitô chống lại Giáo hội, chọn Chúa Kitô của Giáo hội mà lại bỏ Giáo hội. Không có Giáo hội tuyên xưng Tin Mừng thì Thiên Chúa của Tin Mừng bị nhốt trong cuốn sách niêm phong. Giáo hội là thân mình lớn lao, từng tín hữu cần hoàn tất bổn phận ơn gọi và đặc sủng mình, hiện tại và tương lai của Giáo hội. Giáo hội có là vì hạnh phúc của mọi người. "Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống."

Và, tôi yêu Giáo hội, vì niềm hy vọng cả hành trình cuộc đời, đó là ngày mai của Giáo hội là chính Nước Thiên Chúa, đất mới, trời mới.

"Và tôi đã thấy một trời mới và một đất mới, vì trời cũ và đất cũ đã qua, và biển không còn nữa. Thành thánh Giêrusalem mới, tôi đã thấy tự trời xuống từ nơi Thiên Chúa, chỉnh tề như tân nương trang sức chờ đón đức lang quân và tôi đã nghe có tiếng lớn tự ngai phát ra: 'Này là Nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người. Người sẽ dựng trướng ở với họ và họ sẽ là dân của Người; còn Người: Thiên Chúa ở cùng họ, chết không có nữa, phiền muộn kêu gào và khó nhọc sẽ không có nữa, vì các điều cũ đã qua!' Và Đấng ngự trên ngai đã phán: 'Ngày Ta làm mới mọi sự'. Rồi Người phán: "Viết đi: đó là những lời chí thành và chân thật'. Người lại phán cùng tôi: Đã thành sự! Ta là Alpha và Ômêga, là khởi nguyên và là cùng tận! Chính Ta, Ta sẽ ban nhưng không cho kẻ khát uống nơi mạch nước sự sống!" (Kh 21,1-6).
 

[Podcast] "Con không muốn sống cuộc đời do cha mẹ áp đặt!" | phailamgi | Cha mẹ ơi, con biết cha mẹ luôn mong điều tốt nhất cho con. Cha mẹ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, đã chứng kiến bao cảnh đời, đã học được những bài học xương máu, nên cha mẹ muốn con tránh khỏi những sai lầm, đi đúng con đường cha mẹ tin là an toàn nhất. Nhưng cha mẹ ơi, đó là cuộc đời của con.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên