Trái tim Phanxicô: Từ người nghèo đến những quốc gia bị quên lãng

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
457

Kể từ khi lên ngôi Giáo hoàng (2013), Đức Phanxicô đã làm sống dậy hình ảnh một Giáo hội nghèo cho người nghèo, một Giáo hội không chỉ giảng dạy từ những tòa tháp cao mà còn bước xuống những vùng ngoại biên của thế giới.

Ngài đã chọn cách sống đơn giản, gần gũi với người nghèo và các cộng đồng yếu thế. Đây không chỉ là một cam kết mà là cốt lõi trong sứ vụ của ngài. Ngài không chỉ yêu mến, gần gũi với người nghèo, đang lây lất trên mọi nẻo đường của xã hội đương đại, mà còn mở rộng ra những quốc gia nghèo, bị áp bức, hay những quốc gia có ít người Công giáo.​

phailamgi_Trái tim Phanxicô Từ người nghèo đến những quốc gia bị quên lãng_cv1.jpg

Đức Giáo hoàng trong chuyến Tông du đến Mông Cổ, tháng 9/2023. Ảnh: REMO CASILLI / POOL / AFP

Tông du tới các quốc gia nghèo

Với Đức Phanxicô, "nghèo" không chỉ là sự thiếu thốn về vật chất mà còn là cái nghèo về đức tin, khi mà nhiều dân tộc và quốc gia vẫn chưa được biết đến Tin Mừng.

Chính vì thế, một trong những dấu ấn đáng nhớ của ngài trong suốt triều đại là việc tông du đến các quốc gia nghèo, kém phát triển.

Suốt 12 năm dưới triều Giáo hoàng, ngài đã đến thăm 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt những quốc gia có cộng đồng Công giáo nhỏ hoặc chịu nhiều thiệt thòi, như Nam Sudan (2/2023), Mozambique (9/2019), thăm 3 nước Kenya, Uganda và Cộng hoà Trung Phi (11/2015), Myanmar (11/2017), Kazakhstan (9/2022), Mông Cổ (9/2023), Timor-Leste (9/2024)… thay vì chỉ đến các cường quốc.

Tại các quốc gia kém phát triển, trong cuộc gặp giới lãnh đạo các nước này, ngài thường nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, tới phẩm giá con người, tới công lý xã hội, trách nhiệm đạo đức và sự liên đới toàn cầu.

Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia tập chú vào chiến lược phát triển bền vững và tích cực hỗ trợ những người nghèo.

phailamgi_Trái tim Phanxicô Từ người nghèo đến những quốc gia bị quên lãng_cv2.jpg
Đức Giáo hoàng tông du Nam Sudan từ 3-5/2/2023. Ảnh: Vatican news

Kêu gọi xóa nợ quốc gia

Ngoài việc thăm và cầu nguyện cùng người dân ở các quốc gia nghèo, Đức Phanxicô còn dùng tiếng nói của mình để vận động cho những thay đổi toàn cầu.

Ngài không chỉ nói về công lý xã hội mà còn kêu gọi các quốc gia giàu có phải có trách nhiệm với những quốc gia nghèo, không chỉ trong việc cứu trợ mà còn trong việc bảo vệ quyền lợi của những người bị thiệt thòi, nhất là người nghèo ở các quốc gia nhỏ.

Trong Thông điệp Laudato Si, hay Fratelli Tutti, ngài mạnh mẽ lên án sự “bất bình đẳng” giữa các quốc gia và “món nợ môi sinh” (Laudato Si, # 51) mà các nước giầu gây ra cho các nước nghèo, dưới dạng đầu tư kinh tế, xuất khẩu rác thải công nghiệp…

Ngài yêu cầu các nước phát triển cần phải giải quyết món nợ này, bằng cách giới hạn việc sử dụng năng lượng không thể tái hồi và phải cứu trợ cho những nước cần nhất, để nâng đỡ hệ thống chính trị và những chương trình giúp cho việc phát triển lâu dài; (Ladato Si, # 53) đặc biệt là “phải loại bỏ những gánh nặng nợ nần mà họ đang gánh chịu, không thể tiếp tục để họ phải chịu đựng cảnh nợ nần suốt đời.” (Fratelli tutti, # 168)

Trong Sắc lệnh mở Năm Thánh Hy vọng 2025, một lần nữa, ngài kêu gọi các quốc gia giàu có và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trách nhiệm trong việc tái cấu trúc nợ và xóa nợ cho các quốc gia nghèo, để họ có thể phát triển một cách bền vững và công bằng, vì nợ quốc tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói và bất công ở các quốc gia nghèo. (x. Spes non confundit, # 16)

phailamgi_Trái tim Phanxicô Từ người nghèo đến những quốc gia bị quên lãng_1.jpg
Công nghị Hồng y lần cuối dưới triều Giáo hoàng của Đức Phanxi cô, ngày 7/12/2024. Ảnh: Vatican news

Chọn các hồng y từ vùng “ngoại biên”

Về phía Hội thánh địa phương, vì muốn các quốc gia nghèo, những quốc gia trước nay dường như bị lãng quên, cũng cần được biết đến và có tiếng nói, nên trong số 72 quốc gia được ngài tấn phòng hồng y, có 24 quốc gia lần đầu có hồng y, như Iran, Bỉ, Lào, Myanmar, Brunei, Mông Cổ… Đây là các quốc gia nhỏ bé, ít giáo dân hoặc đang phải đường đầu với nhiều khó khăn về chính trị và đức tin.

Việc Đức Thánh cha chọn các hồng y ở các vùng “ngoại biên về địa lý”, mặc dù gặp phải sự chống đối, nhưng cũng cho thấy mối bận tâm của ngài là làm sao để tiếng nói của Giáo hội có thể vang lên ở mọi nơi; đồng thời, nâng cao sự hiện diện của Giáo hội tại những quốc gia có ít người Công giáo và thúc đẩy họ phát triển mạnh mẽ hơn.

Tắt một lời, với tất cả những hành động này, Đức Phanxicô đã chứng minh rằng, trong mắt ngài, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có giá trị và đều xứng đáng được yêu thương. Ngài không chỉ yêu thương người nghèo về vật chất mà còn yêu thương sự nghèo khó trong đức tin. Từ đó, ngài luôn tìm cách mang Thiên Chúa đến với những nơi mà Người chưa được biết đến, qua những chuyến thăm, qua những quyết định phong hồng y, qua mỗi lời ngài chia sẻ.​
 

Từ Thánh Phêrô đến ĐGH Phanxicô | PhaiLamGi | Video tóm lược danh sách các vị Giáo hoàng – từ Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, cho đến Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã để lại dấu ấn đậm nét bằng đời sống khiêm nhường, gần gũi và những cải tổ mạnh mẽ vì người nghèo và người bên lề. Một hành trình đức tin, một chuỗi kế vị không gián đoạn, thể hiện sự trung thành của Giáo hội với lời hứa của Đức Kitô: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18)

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên