Chấm dứt chiến tranh bằng lòng khiêm nhường

  • Chủ đề Author

Cái giá của hòa bình thật khó khăn để đạt được nếu không có công lý. Để đạt được hòa bình đích thực, chúng ta cần cải biến bản thân mình trong mối tương quan với mọi người.​


phailamgi_Chấm dứt chiến tranh bằng lòng khiêm nhường_cv1.jpg

Nguyên nhân cơ bản của chiến tranh​

Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nguyên nhân thường bắt đầu từ bất đồng giữa các nước với nhau, cạnh tranh địa chính trị, tranh giành tài nguyên,...

Nhìn lại trong 2 cuộc chiến tranh thế giới, các quốc gia không có nhiều thuộc địa, ít tài nguyên liên minh với nhau thành một phe (Đức, Ý, Nhật) để mở rộng thuộc địa, cạnh tranh với các nước cựu thuộc địa đã có nhiều tài nguyên (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) phục vụ cho mục đích bá quyền của mình.

Nhưng nhìn ở góc độ cá nhân, chiến tranh bắt đầu từ lòng khao khát khẳng định bản thân, mong muốn được chứng minh rằng tôi được công nhận và có giá trị, lòng mong ước đoạt được quyền lực, đã thúc đẩy con người chống lại nhau.

Chúng ta là vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm thúc đẩy chiến tranh, chẳng cần nhìn đâu xa, đôi khi trong mối tương quan của ta trong cộng đồng luôn có sự bất đồng, chia rẽ, nghi ngờ, kết bè phái, triệt hạ.

Ta luôn thiếu sự bình an trong tâm hồn, luôn mong muốn mình được chú ý, được yêu thương và sẽ không dừng lại, sẽ không để ai yên, thậm chí sẽ gây chiến, cho đến khi cả thế giới phải chú ý đến ta.

phailamgi_Chấm dứt chiến tranh bằng lòng khiêm nhường_cv2.jpg
Cuộc diệt chủng của Khmer đỏ (1975-1989) ước tính khoảng 2 triệu người chết vì chế độ

Ý thức công dân về chiến tranh​

Trước thực trạng chia rẽ đang lan tràn, mỗi chúng ta được nhắc nhở bởi lời Chúa: “kẻ dùng gươm sẽ chết bởi gươm” (Mt 26,52) và “phúc ai xây dựng hòa bình, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Mỗi người có trách nhiệm tìm kiếm sự hiểu biết và lòng quảng đại chia sẻ đối với tha nhân.

Chúng ta không thể xây dựng hòa bình nếu không có trong mình tình yêu thương và bình an trong tâm hồn. Lời Chúa đánh thức chúng ta hãy yêu thương người thân cận như chính mình, đau nỗi đau của người khác, đặt vị trí của người kia vào bản thân mình.

Tìm kiếm hòa bình là nỗ lực hàng ngày, ngay trong chính môi trường sống hiện tại. Liệu rằng chúng ta có đối xử bất công với người khác hay không? Ta làm gì để cải thiện môi trường sống và mối tương quan với mọi người có thật sự tử tế không?

Trên hết, sống đúng với lương tâm luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Đôi khi lương tâm bị che mờ bởi những vật chất, sự kiện hào nhoáng, khiến ta khó vượt qua cám dỗ và mất khả năng phân định.

Đào luyện lương tâm qua thử thách, khó khăn là cần thiết, để hoàn thiện chính mình. Không ai cho rằng mình là người hoàn hảo bởi bản tính con người yếu đuối và không tự hoàn thiện nơi chính mình được, nếu có ai tự xưng mình là người vượt trội hơn tất cả, thì người đó đã quá tự tin và kiêu ngạo.

Chiến tranh xuất phát từ sự không hài lòng và mong muốn khẳng định giá trị bản thân. Chống lại chiến tranh là chống lại khả năng ảo tưởng về chính mình, hay biết mình có một trái tim con người, có khả năng tương quan và yêu thương anh chị em tha nhân. Một tư tưởng nhân ái khiến con người có lối cư xử mang khuôn mặt người. Xuất phát từ tấm lòng chứ không bởi khối óc tính toán vị lợi.

phailamgi_Chấm dứt chiến tranh bằng lòng khiêm nhường_1.jpg
Người dân sơ tán trong chiến tranh biên giới Tây Nam

Tiếng nói của Công giáo​

Trong tông huấn Evangelii Gaudium (2013) ĐTC đã kêu gọi rằng không có hòa bình nếu không có công lý như sau: “ngày nay, tại nhiều nơi chúng ta nghe lời kêu gọi thắt chặt an ninh hơn nữa. Nhưng bao lâu tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội còn chưa đảo ngược, thì không thể nào xóa bỏ được bạo lực. Người nghèo và các dân tộc nghèo bị buộc tội sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có các cơ hội bình đẳng thì các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất mầu mỡ để phát triển và bùng nổ. Khi một xã hội - dù là địa phương, quốc gia hay thế giới - muốn gạt một thành phần của mình ra bên lề, thì không một chương trình chính trị hay nguồn lực tài chính nào dành cho việc thực thi pháp luật hay cho các hệ thống giám sát có thể bảo đảm tuyệt đối sự an bình. Không chỉ đơn giản vì sự bất bình đẳng khơi dậy một phản ứng bạo lực từ những người bị loại trừ ra khỏi hệ thống, nhưng là vì hệ thống kinh tế-xã hội đó bất công ngay tận gốc rễ. Cũng như điều tốt có xu hướng lan tỏa, thì việc dung túng điều ác, nghĩa là bất công, cũng có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng độc hại của nó và âm thầm hủy hoại mọi hệ thống chính trị và xã hội, bất kể hệ thống ấy có vẻ vững chắc đến đâu. Nếu mọi hành động đều có những hậu quả của chúng, thì một sự ác ăn sâu vào cơ cấu của xã hội cũng có một tiềm năng không ngừng làm tan rã và gây chết chóc. Nó chính là cái ác kết tinh trong những cơ cấu xã hội bất công, và không thể là nền tảng để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn.”

Tóm lại, để đạt được hòa bình đích thực, cần thúc đẩy công bằng và thực thi công lý. Để không ai là kẻ ăn trên ngồi chốc và bóc lột người khác. Những cuộc chiến tranh trong lịch sử đã chứng minh rằng chiến tranh sẽ xảy ra khi không có công lý.​

Phải làm gì?​

Docat 285: Giáo Hội có thái độ nào đối với chiến tranh?

Chiến tranh là sự thất bại tồi tệ nhất và nghiêm trọng nhất của hòa bình. Do đó, Giáo Hội luôn lên án sự tàn bạo của chiến tranh (x Công đồng Vaticano II, GS 77 và GLCG 2307-2317) Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai họa và những bất công, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể một cách hữu lý, để tránh chiến tranh. Tuy nhiên, bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng GLCG 2308. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại cho nhân loại (GH Gioan Phaolo II, diễn từ trước ngoại giao đoàn, 13/1/2003)​
 

Ai điều hành Vatican khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vắng mặt?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên