Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam: Giai đoạn hình thành (1659 - 1802)

Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
902

Ở giai đoạn khai sinh, công cuộc Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam trải qua hai giai đoạn trước thế kỷ 17 với những nỗ lực đơn lẻ, chưa có tổ chức, và từ đầu thế kỷ 17 khi các linh mục Dòng Tên đặt nền móng cho một Giáo hội vững mạnh. Nếu trước đây, các thừa sai chủ yếu theo thuyền buôn và truyền giáo manh mún, thì sự xuất hiện của Dòng Tên vào năm 1615 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Không chỉ rao giảng Tin Mừng, họ còn để lại những di sản quý giá như chữ Quốc Ngữ, mô hình giáo xứ và tổ chức thầy giảng, đặt nền tảng cho sự phát triển của Công giáo tại Việt Nam. Từ đó, việc Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam bước vào giai đoạn hình thành.​


phailamgi_Lịch sử công cuộc Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn hình thành (1659 - 1802)_...jpg

Giai đoạn hình thành (1659-1802)​

Giai đoạn này được đánh dấu bởi việc Tòa thánh thiết lập hai khu vực đại diện tông tòa tại Đàng Trong và Đàng Ngoài ngày 9/9/1659, qua Sắc chỉ Super Cathedram của Đức Giáo hoàng Alexandre VII, quyết định thiết lập tại Việt Nam hai giáo phận và chọn hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm đại diện Tông Tòa, lấy sông Gianh làm danh giới giáo phận. Giáo phận Đàng Trong do đức cha Lambert de la Motte cai quản và giáo phận Đàng Ngoài do đức cha Francois Pallu coi sóc.

Việc thiết lập hai giáo phận tông tòa diễn ra vào thời điểm Tòa thánh nhận thấy cần phải tổ chức lại cơ cấu và nhân sự truyền giáo trên thế giới, theo một chiều hướng chủ động hơn, chứ không phó mặc công cuộc truyền giáo cho vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha(8) như trước.

Tại Việt Nam, việc thiết lập hai giáo phận tông tòa vào thời điểm đó, vừa là nhu cầu thiết thực do sự gia tăng giáo dân cần có các giám mục để lo liệu việc phong chức cho các linh mục bản địa, vừa phù hợp với mong ước của Tòa thánh,(9) muốn thu lại quyền bảo trợ truyền giáo Tòa thánh đã trao cho các quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trước đây.

Tuy nhiên, công đầu của việc thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên, phải kể đến sự khôn ngoan của cha Alexandre de Rhodes. Sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645, cha Alexandre de Rhodes đã tới Roma năm 1649, để vận động tòa thánh gửi một số giám mục hiệu tòa làm đại diện tông tòa. Sở dĩ, ngài đề nghị có các giám mục hiệu tòa vì không muốn đụng tới quyền bảo trợ của nhà vua Bồ Đào Nha. Cuộc vận động này, tuy không đạt kết quả, nhưng cũng cung cấp cho Tòa thánh những dữ liệu quan trọng giúp cho việc thiết lập hai giáo phận tông tòa sau này.

Ngày 11/9/1652, sau hơn ba năm ở Roma vận động nhưng không đạt kết quả, vì những khó khăn liên quan tới quyền bảo trợ, nhất là do mọi kinh phí cho công cuộc truyền giáo trước đây đều do chế bộ bảo trợ bảo đảm, linh mục Rhodes đã đáp tầu sang Pháp, theo chỉ thị của Đức Innocent X,(10) để tìm ứng viên giám mục, nhất là để tìm nguồn tại trợ từ chính phủ Pháp. Tại Paris, mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Ngài không chỉ tìm được các ứng viên giám mục cho Việt Nam mà còn tìm được nguồn tài chính cho các vị giám mục đầu tiên của Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.(11)

Năm 1679, giáo phận Đàng Ngoài được chia làm hai: Tây và Đông, lấy sông Hồng và Sông Lô làm gianh giới. Tây Đàng Ngoài do đức cha Jacques de Bourges Gia, MEP (1679-1714) coi sóc. Đông Đàng Ngoài được trao cho đức cha Francois Deydier Phan (MEP). Trong suốt hơn một thế kỷ, các giám mục Đại diện Tông tòa kế tiếp nhau (7 vị ở Đàng Trong, 7 vị ở Tây Đàng Ngoài và 9 vị ở Đông Đàng Ngoài) đã nỗ lực hết mình, bất chấp những khó khăn gian khổ để đặt nền móng cơ sở cho các giáo phận đã được trao phó cho họ.(12)

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn hình thành (1659 - 180...jpg


Khó khăn trước tiên là sự chống đối các vị giám mục Đại diện Tông tòa từ chính quyền Bồ Đào Nha, vì việc Tòa thánh bổ nhiệm các giám mục Đại diện Tông tòa mặc nhiên xóa bỏ quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự chống đối này không đáng ngại, vì vào thời điểm đó, thế lực của Bồ Đào Nha đã suy yếu. Sự chống đối gay gắt và nguy hiểm chính là sự chống đối của các giáo sĩ Dòng Tên, những người đã có công khai phá công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Sự chống đối chỉ chấm dứt vào năm 1773 khi Dòng Tên tạm thời bị giải thể.

Bên cạnh khó khăn mang tính nội bộ này, khó khăn lớn nhất chính là sự ganh ghét của các quan lại, các sư sãi. Trong giai đoạn này, nhiều cuộc bách hại đạo đã xảy ra cả ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Các vua chúa cho rằng đạo Công giáo dạy nhiều điều trái ngược với luân thường đạo lý khi cổ vũ ý niệm dân chủ cho rằng mọi người là anh em với nhau, không ai có quyền sinh sát kể cả các vị vua. Đạo công giáo còn cổ vũ hôn nhân “một vợ một chồng” và chủ trương nam nữ bình đẳng đi ngược lại với quan niệm ngàn đời của Nho giáo.(13)

Giai đoạn này, lịch sử Giáo hội Việt Nam còn ghi nhận dấu ấn của đức giám mục Pigneau de Behaine, có tên Việt là đức cha Bá Đa Lộc, làm Đại diện Tông tòa Tây Đàng Trong từ năm 1771-1799.

Trong vai trò của một giám mục Đại diện Tông tòa, với mục đích rõ ràng khi chọn lựa tới Việt Nam trong sứ vụ truyền giáo, đức cha Bá Đa Lộc đã nỗ lực trong việc cơ cấu lại tổ chức giáo phận, đề nghị Tòa thánh trao thêm năng quyền cho vị Đại diện Tông tòa – mục đích là để đối phó với các tu sĩ Dòng Phan Sinh, trong việc bổ nhiệm, sắp đặt các thầy giảng tới bất cứ nơi nào trong giáo phận. Việc đào tạo nhân sự truyền giáo cũng được ngài nhắm tới như một trong những chọn lựa ưu tiên. Với kinh nghiệm giảng dạy tại chủng viện trước đó(14) ngay khi về giáo phận, ngài đã cùng với các linh mục ký vào một bản qui định xác định mục tiêu của việc đào tạo các linh mục bản xứ. Bên cạnh đó, ngài còn dọn các sách giáo lý bằng tiếng Việt và từ điển Việt Nam – La Tinh, làm phương tiện giúp cho việc truyền giáo đạt kết quả.

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn hình thành (1659 - 180...jpg
Đức cha Bá Đa Lộc

Công việc quan trọng nhất, cũng là ước mơ của ngài cho sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam là giúp Nguyễn Phúc Ánh phục quốc và tranh thủ ông cho việc truyền giáo sau này. Việc chọn lựa giúp Nguyễn Phúc Ánh, ngay thời điểm đó, đã gây nhiều tranh cãi. Có người đã tố cáo đức cha về Roma và Bộ Truyền Giáo đã phải gửi thư nhắc nhở ngài không được dây mình vào việc chính trị và quân sự, vì không gì xa lạ và trái ngược với tinh thần truyền giáo bằng tham chính(15). Tuy nhiên, bên cạnh những lời tố cáo, vẫn có những biện hộ tích cực cho chọn lựa dấn thân vào chính trường của đức cha.(16) Có thể, đức cha Bá Đa Lộc đã không tham dự cách lộ liễu vào công việc hành chánh và quân sự của Nguyễn Phúc Ánh như người ta đồn thổi. Nhưng, có điều chắc chắn là ngay từ năm 1778, và có thể trước nữa, đức cha Bá Đa Lộc đã đứng hẳn về phe Nguyễn Phúc Ánh, bằng việc đặt trụ sở truyền giáo tại Tân Triều – Biên Hòa ngày nay, nơi Nguyễn Phúc Ánh đặt bản doanh; bằng việc vận động các tầu buôn Bồ Đào Nha tới vùng đất của Nguyễn Phúc Ánh buôn bán; bằng việc mời gọi một số thủy thủ các tầu Pháp, Bồ Đào Nha ở lại giúp Nguyễn Phúc Ánh huấn luyện các thủy thủ tầu chiến; đặc biệt là việc ngài nhận dạy dỗ Hoàng Tử Cảnh và mang qua Pháp cầu viện.

Ngày 05/02/1787, đức cha Bá Đa Lộc, Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng tới Pháp. Tại Pháp, mặc dù được Hội Thừa sai Paris hậu thuẫn đắc lực, được vua Louis XVI tiếp kiến và nhận được sự đồng ý trợ giúp của chính phủ Pháp qua hiệp ước Versailles, ngày 28/11/1787, nhưng nước Pháp trước cuộc cách mạng Pháp 1789, rơi vào tình cảnh rối ren, tài chính kiệt quệ, nên họ đã không dám phiêu lưu cho một cuộc chinh chiến xa. Do đó, nước Pháp đã không thi hành hiệp ước đã ký kết tại Versailles và công việc đi cầu viện của đức cha Bá Đa Lộc bất thành.

Tuy nhiên, bằng quan hệ của mình, ngài đã vận động được cho Nguyễn Phúc Ánh rất nhiều tiền bạc để mua vũ khí, tầu bè, cũng như đem về nhiều sĩ quan, binh sĩ và thủy thủ để phục vụ trong quân đội của Nguyễn Phúc Ánh. Những giúp đỡ này tuy không lớn, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phục quốc của Nguyễn Phúc Ánh.

Từ khi trở về Đàng Trong (7/1789), cho tới lúc mất (10/1799), đức cha Bá Đa Lộc đã dồn hết tâm lực cho công việc của Nguyễn Phúc Ánh.(17) Ngài được nhà vua coi như “thứ trưởng bộ chiến tranh và bộ trưởng bộ ngoại vụ của Nguyễn vương”(18). Năm 1799, trong cuộc chinh phạt thành Tây Sơn, đức cha Bá Đa Lộc lâm bệnh và vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 9/10/1799, ngài qua đời tại Qui Nhơn, để lại giấc mơ còn dang dở.

Ba năm sau, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước. Giáo hội bước vào giai đoạn thử thách.​

Chú Thích:
(8) Năm 1622, nhận thấy rõ thế lực của Bồ Đào Nha đã xa sút, nhất là về kinh tế, ảnh hưởng rất lớn tới việc gửi các thừa sai tới các vùng truyền giáo, Tòa Thánh đã thành lập Bộ Truyền giáo – ngày nay gọi là Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, để trực tiếp lo công việc truyền giáo; đồng thời, Tòa thánh cũng thiết lập một trường truyền giáo (1627) để đào tạo các thừa sai phục vụ cho sứ mạng quan trọng này.
(9) Ngày 10/11/1659, Bộ Truyền giáo đã trao cho hai vị giám mục tiên khởi bản chỉ thị các nhiệm vụ phải làm tại nhiệm sở, gồm: đào tạo các linh mục, tôn trọng văn hóa và các tập tục của địa phương, không xen vào các công việc chính trị và không quyết định một điều gì quan trọng mà không xin ý kiến của Bộ Truyền giáo, nhất là trong việc tuyển chọn các giám mục bản quốc (x. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 205).
(10) x. Alexandre de Rhodes, Divers Voyages Et Misions, 435-436.
(11) x. Ibid., 203-204.
(12) Công giáo và Dân tộc, Công Giáo Việt Nam Sau Quá Trình 50 Năm (1945-1995), 87.
(13) x. Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Năm 2016, 177.
(14) Đức cha Bá Đa Lộc tới Việt Nam năm 1765 và được bổ nhiệm phụ trách chủng viện đào tạo các linh mục cho toàn bộ Châu á cho tới khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục đại diện tông tòa Đàng Trong năm 1771.
(15) Người lên án mạnh mẽ nhất việc đức cha Bá Đa Lộc can thiệp vào chính trường là đức giám mục Le Bon (MEP), đại diện tông tòa ở Thái Lan. Không chỉ đích thân chỉ trích đức cha Bá Đa Lộc, đức cha Le Bon còn gửi thư tín về Roma bày tỏ sự quan ngại của mình về trường hợp tham chính của đức cha Bá Đa Lộc (x. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 311-316).
(16) x. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2008), 311370.
(17) Cái chết của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, tháng 9 năm 1792 là một may mắn cho Nguyễn Phúc Ánh. Nhiều người cho rằng, cái chết của Nguyễn Huệ một phần liên quan tới sự lớn mạnh của đoàn quân Nguyễn Ánh khiến vua lo lắng và làm việc quá sức.
(18) x. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, 346.

Xem thêm:
  1. Hành trình Hội thánh loan báo Tin mừng tại Việt Nam: Giai đoạn thử thách (1802-1884) (1)
  2. Hành trình Hội thánh Loan Báo Tin mừng tại Việt Nam: Giai đoạn thử thách (1802-1884) (2)
  3. Hành trình Hội thánh Loan báo Tin mừng tại Việt Nam: Giai đoạn khai sinh (1533-1659)
 

Ai điều hành Vatican khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vắng mặt?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên