Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam: Giai đoạn thử thách (1802-1884) (P.1)

Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
901

Giai đoạn hình thành đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Công giáo Việt Nam khi Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1659, mở đường cho sự phát triển của Giáo hội tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của hai giám mục thuộc Hội Thừa sai Paris, công cuộc truyền giáo dần chuyển từ sự bảo trợ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sang quyền kiểm soát trực tiếp của Tòa Thánh. Dù vấp phải nhiều thách thức, đặc biệt từ chính quyền và các dòng tu truyền giáo trước đó, các vị đại diện Tông Tòa đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Giáo hội Việt Nam trong những thế kỷ tiếp theo. Lúc này, Giáo hội Việt Nam bước vào giai đoạn thử thách.​


phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn thử thách (1802-1884) ...jpg

Giai đoạn thử thách (1802-1884)​

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Việt Nam, lấy Phú Xuân - Huế ngày nay, làm kinh đô, lấy hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại nhà Nguyễn kéo dài hơn 100 năm, từ năm 1802-1945.

Suốt 18 năm trị vì (1802-1820), để tỏ lòng biết ơn đức cha Bá Đa Lộc đã tận tình giúp đỡ chiếm lại được ngai vàng, vua Gia Long đã để cho Giáo hội được phép tự do truyền đạo, nhưng vẫn nghi ngờ, lạnh nhạt, vì sợ sự bành trướng của Công giáo sẽ có những tác động xấu đến vương quyền của ông.

Thực ra, trong những năm dài chinh chiến, lúc trốn chạy quân Tây Sơn và được các linh mục và giáo dân che chở, đặc biệt do được tiếp xúc nhiều với đức cha Bá Đa Lộc, Nguyễn Phúc Ánh ít nhiều có thiện cảm với đạo, nhưng kể từ khi chứng kiến Hoàng Tử Cảnh nhất định không chịu bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, đã làm cho nhà vua buồn bực và tỏ vẻ nghi ngờ đạo Công giáo. Theo một số nhà viết sử, nếu thời đó Giáo hội cởi mở hơn với việc thờ cúng tổ tiên như sau này, thì có lẽ, Việt Nam đã có một Constantin hay một Clovis(19) mang cả đất nước trở lại đạo. Thực tế, trong những năm dưới thời vua Gia Long, đạo được tự do, nhưng công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong không tiến triển như các thừa sai mong đợi, một phần, do sự ghen ghét nghi kỵ của các quan lại trong triều, phần khác là sự xa lạ của đức tin công giáo với xã hội đương thời; bên cạnh đó, là đời sống kinh tế khó khăn do sưu cao thuế nặng, lao dịch, mất mùa, dịch họa…

Sau khi vua Gia Long mất, hoàng tử Đảm, con thứ của Gia Long lên ngôi vua lấy đế hiệu là Minh Mạng. Vua Minh Mạng, vì được đào tạo từ nhỏ trong triều và chịu ảnh hưởng nhiều từ giới nho sĩ, nên ngay từ khi còn nhỏ đã không có thiện cảm với đạo Công giáo, đến độ, ngay sau khi được vua Gia Long sắc phong làm thế tử năm 1816, các thừa sai Pháp ở Việt Nam lúc bây giờ đã tỏ ra lo sợ về tương lai của Giáo hội.(20)

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn thử thách (1802-1884) ...jpg
Chân dung phục chế vua Minh Mạng

Mặc dù không thiện cảm với những người Công giáo, nhưng vì sợ các thừa sai và người công giáo ủng hộ con cháu Hoàng tử Cảnh(21), nên trong những năm đầu của triều đại, vua Minh Mạng đã dè dặt, không chủ trương sát máu. Trái lại, trong khoảng năm năm đầu tiên từ 1820-1824, với một số biện pháp trấn chỉnh xã tắc cách nghiêm khắc, nhiều thừa sai tỏ ra có thiện cảm với vị tân vương và đặt nơi ông nhiều hy vọng.

Tuy nhiên, khi cảm thấy đã có thể đứng vững trên ngai vàng, vua Minh Mạng bắt đầu kế hoạch đàn áp công giáo như ông đã tuyên bố trước khi đăng quang. Trước tiên là chỉ dụ năm 1825 cấm lén lút đưa các thừa sai ngoại quốc vào Việt Nam.(22) Sau đó là lệnh tập trung các thừa sai người nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam về kinh đô vào các năm 18271828, trước là để kiểm soát không cho các thừa sai tự do giảng đạo, sau là sử dụng các ngài vào công việc thông ngôn, dịch thuật các thư từ.

Theo các nhà viết sử, trong 13 năm đầu của triều vua Minh Mạng (đầu 1820 đến cuối năm 1832) Công giáo Việt Nam vẫn được tự do tồn tại như dưới thời vua Gia Long.(23) Thái độ của vua Minh Mạng chỉ bắt đầu gắt gao sau vụ binh biến của Lê Văn Khôi(24) ở Gia Định (tháng 7/1833 đến tháng 9/1835), nhất là khi ông phát hiện trong đoàn quân của Lê Văn Khôi có một số người Công giáo tham gia.

Ở đây, cũng cần biết rằng, trong chính sách ngăn chặn sự phát triển của đạo Công giáo, tiếp theo sau chỉ dụ cấm lén lút đưa các thừa sai ngoại quốc vào Việt Nam năm 1825 và lệnh tập trung các thừa sai về Huế trong các năm 1827-1828, ngày 6/01/1833, vua Minh Mạng đã ban hành chỉ dụ cấm đạo, trong đó, truyền cho tất cả những ai theo đạo phải thành thực từ bỏ đạo; truyền cho các quan lại phải nghiêm khắc thi hành bằng cách bắt các đạo hữu bước qua thập giá, triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ và phải triệt tận gốc. Theo các nhà viết sử, đây là một chỉ dụ nếu được áp dụng cách triệt để thì hậu quả thật khủng khiếp.(25) Tuy nhiên, chỉ dụ đã không được các quan lại áp dụng triệt để và mức độ thì tùy mỗi địa phương mỗi khác nhau. Phần đông các quan lại thời đó chỉ tham muốn tiền bạc và ngay cả những vị quan khắt khe nhất với người công giáo cũng chỉ vì muốn làm vừa lòng đức vua, thực lòng họ cũng không muốn hành động trái với lương tâm mình.

Cuộc binh biến của Lê Văn Khôi, cùng với việc phát hiện những người Công giáo trong thành Phiên An với tàn quân của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng hiểu rằng chỉ dụ năm 1833 đã không có tác dụng, nên đã liên tiếp ban hành các lệnh hành chính, treo thưởng hậu hĩnh cho những ai nhiệt tình bắt đạo; đồng thời ban hành thêm các chỉ dụ cấm đạo làm thượng phương bảo kiếm cho các quan lại, nhưng tất cả đã không thành công trong một xã hội mà giới quan lại tham nhũng từ trên xuống dưới. Theo các nhà viết sử, trong tình cảnh đó, vua Minh Mạng đã nghĩ tới việc thương thuyết với nước Pháp và đã gửi một phái đoàn sang Pháp thương lượng để nước Pháp không gửi thừa sai sang Việt Nam, nhưng kết quả cuộc thương thảo chưa thành thì ông đã qua đời, ngày 21/1/1841.

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn thử thách (1802-1884) ...jpg


Theo các nhà viết sử, cuộc bách hại đạo vào thời vua Minh Mạng được coi như là cuộc bách hại dữ dội nhất trong lịch sử Công giáo ở Việt Nam, nhưng cũng chỉ có khoảng 100 giáo hữu bị bắt giam và có 58 người nhận được phúc tử đạo, chiếm gần một nửa số các thánh tử đạo Việt Nam được Giáo hội tuyên phong. Mặc dù bị bách hại dữ dội, nhưng giữa cơn bách hại, đạo Chúa vẫn không ngừng gia tăng. Vào cuối triều vua Minh Mạng, Giáo hội Việt Nam có khoảng 15 thừa sai người nước ngoài, 150 linh mục bản xứ và khoảng 400 ngàn giáo dân.(26)

Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (tức 11/2/1841), vua Thiệu Trị lên ngôi. Sinh ra và lớn lên trong bầu khí thù nghịch với công giáo trước đó, cũng như vua cha, ông không có chút thiện cảm nào đối với người công giáo. Mỗi khi nói tới người công giáo ông thường tỏ ra miệt thị, khinh bỉ. Tuy vậy, trong thực tế, ông đã không tỏ ra nghiệt ngã lắm đối với người công giáo. Ngay khi lên ngôi, ông đã ra lệnh ân xá cho những tù nhân bị giam cầm từ thời vua Minh Mạng. Ông cũng không ra bất cứ văn bản nào nói về công giáo, nhưng cũng không rút lại các chỉ dụ do vua cha ban hành. Đối với các thừa sai ngoại quốc, thay vì giết bỏ như bản án mà các quan án đã tuyên, vua Thiệu Trị, với quyền lực của mình đã luôn tìm cách trì hoãn việc thi hành và chờ dịp trao trả khi có các thương thuyền ghé Việt Nam.(27) Có năm thừa sai và một giám mục Pháp đã được ông trao trả như vậy.

Vua Thiệu trị chỉ trị vì trên ngai 7 năm (1841-1847), nhưng trong nước đã có gần 50 cuộc nổi dậy chống lại triều đình.(28) Trên mặt trận đối ngoại, chính sách bế môn tỏa cảng và cấm đạo Thiên Chúa từ thời vua cha Minh Mạng đã khiến chính phủ Pháp nhiều lần gửi các phái bộ đến cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1843, 1845,1846, để thương thuyết nhưng bất thành. Đầu tháng Ba năm 1847, một lần nữa phái bộ Pháp, do trung tá Rigault de Genouilly dẫn đầu, đến Đà Nẵng và gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu triều đình Huế cho tự do truyền đạo. Thay vì phúc đáp, triều đình Huế đã sai một đội quân gồm 13 chiến thuyền cùng nhiều ghe lớn và 5000 quân hộ tống, bao vây chiến thuyền Pháp, khiến Pháp buộc phải nổ súng, gây thiệt hại nặng nề cho hải quân của triều đình. Nghe tin, vua Thiệu trị nổi giận. Ngày 3/5/1847, nhà vua ra chỉ dụ cấm đạo gắt gao trong đó nói rõ, đạo công giáo là mọi rợ, do Tây phương truyền sang. Đạo đó không thờ cha kính mẹ, làm tổn thương tới phong hóa. Tuy nhiên, chỉ dụ này không có tác dụng nhiều vì vua Thiệu Trị qua đời ít tháng sau đó (4/11/1847).​

Chú thích:
(19) Trong một lá thư đề ngày 17/8/1789, đức cha Bá Đa Lộc đã kể lại cuộc trao đổi giữa vị vương với bản thân ngài, sau khi Hoàng tử Cảnh nhất định không đến lạy trước bàn thờ tổ tiên, trong một buổi lễ được tổ chức vào khoảng tháng 7/1789, làm ông đau khổ, tức giận và tủi nhục. Trong cuộc đối thoại này, vị vương – Nguyễn Phúc Ánh, mong một sự dung hòa giữa Kitô giáo và tập tục thờ kính tổ tiên. Trong lá thư, đức cha Bá Đa Lộc đã thuật lại những lời của Nguyễn Phúc Ánh nói với ngài: “Tôi biết là tổ tiên không còn ở đó và tất cả những gì tôi làm không ích gì cho họ và không ích gì cho tôi. Tuy nhiên, tôi muốn làm cho mọi người thấy rằng tôi đã không quên họ và muốn cho thần dân của tôi một gương sáng về sự gắn bó của con cái…Rất mong tập tục này có thể dung hòa được với Kitô giáo, bởi vì, theo cách nhìn của tôi, không còn có một chướng ngại đích thực nào khác có thể ngăn cản tất cả vương quốc của tôi theo tôn giáo này…Tôi đã cấm ma thuật và bói toán. Tôi coi việc thờ cúng thần linh là sai trái và đáng buồn cười, nhưng tôi quyết giữ việc thờ cúng tổ tiên theo cách thức mà tôi đã trình bày vì tôi coi đó là một trong những căn bản của nền giáo dục chúng tôi. Tôi xin quý vị hãy quan tâm tới vấn đề này và cho phép người Công giáo được phép xích lại gần hơn với tất cả các quan chức của tôi. Nếu nhiều người trong các quan lại theo đạo, không tham dự được các nghi lễ với các quan lại khác, thì tôi sẽ phải tham dự hầu như một mình và giảm bớt sự uy nghi của triều đình. Nếu trái lại, quý vị cùng với tôi, giải thích cho thần dân của tôi hiểu điều mà tất cả những người có hiểu biết nhất đang tin, thì các quan lại Công giáo cũng như tất cả các quan lại khác tham dự với tôi và cùng dâng kính tổ tiên, thì không có lý do gì để không giao cho họ những trọng trách lớn” (x. Thư của Đức Giám mục Pigneau 17/8/1789, trong Launay, Cochinchine, tập III, 320-321).
(20) X. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam, tập II, 48.
(21) Nguyễn Phúc Cảnh hay còn gọi Hoàng tử Cảnh là con trai trưởng của Gia Long, nhưng đã theo đức cha Bá Đa Lộc từ khi mới 12 tuổi. Năm 1784, đức cha Bá Đa Lộc vì muốn giúp Nguyễn Phúc Ánh đã mang Hoàng tử Cảnh về Pháp để cầu viện. Sau khi trở về Việt Nam năm 1789, lo sợ con sẽ bị ảnh hưởng nhiều tinh thần Công giáo, Nguyễn Phúc Ánh đã tìm cách tách Hoàng tử cảnh khỏi đức cha Bá Đa Lộc và giao việc dạy dỗ cho các quan cận thần. Năm 1801, một năm trước khi vua Gia Long chiếm lại ngai vàng, Hoàng tử Cảnh qua đời sau một trận dịch đậu mùa, để lại ba người con. Không biết có phải vì bị ảnh hưởng bởi tinh thần công giáo quá nặng hay không, mà vua Gia Long đã không chọn các con ông làm kế nghiệp mà chon hoàng tử Đảm là con thứ lên ngôi.
(22) Các biện pháp chống Công giáo của vua Minh Mạng thực chất là chống sự xâm nhập của các thừa sai Châu âu vào Việt Nam, tránh một cuộc xâm lược mềm – ngôn ngữ ngày nay. Vì thế, chỉ dụ 1825, cũng như các chỉ dụ sau này, cách này hay cách khác đều phản ánh mục tiêu mà Minh Mạng đã đề ra trong chỉ dụ cấm đạo năm 1825.
(23) X. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam, tập II, 63.
(24) Lê Văn Khôi là con nuôi của tả quân Lê Văn Duyệt – một người có thiện cảm với người công giáo, và từng đứng ra phản đối vua Gia Long đặt Hoảng tử Đảm (Minh Mạng) làm thế tử thay vì đặt Hoàng tôn của Hoàng tử Cảnh. Sau khi lên ngôi vua (15/2/1820), bên cạnh việc triệt hạ Hoàng tôn Đán làm thứ dân, vua Minh Mạng tỏ lòng thù hận với tả tướng Lê Văn Duyệt. Mặc dù tướng Lê Văn Duyệt đã chết (25/8/1832), thay vì sắc phong cho những tước hiệu vì đã có công với đất nước, vua Minh Mạng lại bãi bỏ chức tổng trấn, lập tòa án xét xử Lê Văn Duyệt tội hà lạm công quỹ; đồng thời, cho người đào mả và san bằng bia mộ, làm cho người con nuôi là Lê Văn Khôi đứng lên chống lại triều đình. Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi cũng là lý do thúc đẩy vua Minh Mạng thù ghét và bách hại đạo Công giáo và tạo nên những hiểu lầm về thánh tử đạo Marchand Du (x. Gs. Lê Văn Sáu, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Ủy ban KHXH, Viện Khoa học Xã hội và Ban Tôn giáo Chính phủ, 1988, 101).
(25) Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, 76.
(26) Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, 103.
(27) Các thừa sai đương thời cũng như các tác giả viết về lịch sử truyền giáo tại Việt Nam cho rằng vua Thiệu Trị, không dám giết các thừa sai, một phần sợ tầu Pháp tới hạch tội, mặt khác, sau khi chứng kiến cái chết của những người công giáo trước đó, ông hiểu rằng, chém giết không mang lại kết quả, vì thế, ông chủ trương trục xuất các thừa sai (x. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, 13).
(28) Ủy Ban Khoa học và Xã hội Việt Nam, Lịch Sử Việt Nam, tập I (Nxb. KHXH, 1971), 383.
 

Ai điều hành Vatican khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vắng mặt?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên