Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam: Giai đoạn trưởng thành (1960 tới nay) (P.2)

Behold God’s Providence
Tham gia
17/12/23
Bài viết
901

Việc Tòa Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Sự kiện này không chỉ khẳng định vị thế trưởng thành của Giáo hội Việt Nam trong lòng Giáo hội hoàn vũ mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy thách thức. Từ thời điểm đó, Giáo hội Việt Nam phải đối diện với những biến động chính trị - xã hội, đặc biệt là sự chia cắt đất nước thành hai miền với những thể chế khác biệt. Trong khi Giáo hội miền Bắc gặp nhiều khó khăn dưới chính sách hạn chế của chính quyền cộng sản, thì Giáo hội miền Nam phát triển mạnh mẽ nhờ môi trường tự do hơn. Tuy nhiên, biến cố 30/4/1975 một lần nữa làm thay đổi hoàn toàn cục diện, đặt Giáo hội vào một thử thách mới trong bối cảnh đất nước thống nhất dưới một chế độ duy nhất.​


phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn phát triển (1960 tới n...jpg

Giai đoạn phát triển (1960 tới nay)​

Ngày nay, theo nhận định của nhiều người, năm 1980 được coi là năm bản lề mở ra một giai đoạn mới cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đây là năm đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Tòa thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam (24/11/1960), các giám mục hai miền Nam - Bắc, quy tụ nhau tại Hà Nội, họp hội nghị thường niên và cùng nhau soạn thảo một Thư chung, ký ngày 1/5/1980, bày tỏ lập trường và đưa ra đường hướng mục vụ của Giáo hội trong hoàn cảnh mới, trong đó có hai nhiệm vụ cụ thể: “Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc và xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc”. Câu nói: “Sống Phúc âm trong lòng Dân tộc” trở thành “hiến chương” của Giáo hội Việt Nam cho đến ngày nay.

Năm 1986, để tránh sụp đổ như các nước Đông Âu, nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải mở cửa kinh tế. Sự cởi trói về kinh tế cũng mang lại cho đời sống xã hội và tôn giáo một bầu khí ấm áp hơn. Giáo hội được tự do hơn trong việc thờ phượng Chúa. Các công trình tôn giáo được tu bổ, sửa chữa hoặc xây mới. Người giáo dân dần có tiếng nói nhiều hơn trong xã hội.

Biến cố phong thánh ngày 19/6/1988, cùng sự sụp đổ giây truyền của các nước Đông Âu, buộc nhà nước Việt Nam phải cởi mở hơn nữa về chính trị và tôn giáo để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia tiến bộ nhất là Mỹ và Vatican. Ngày 11/7/1995, Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Cuối năm 1991, với chuyến đến thăm và làm việc của Đức hồng y Roger Etchégaray, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh, Việt Nam – Vatican chính thức nối lại các tiếp xúc đã bị cắt đứt từ năm 1975, nhằm tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao.


Sự cởi mở "bắt buộc" về chính trị và tôn giáo này của nhà nước phần nào giúp Giáo hội Việt Nam dễ thở hơn, đặc biệt trong việc đào tạo các nhân sự kế thừa. Không chỉ các Đại chủng viện lần lượt được mở cửa trở lại, được chiêu sinh theo tiêu chuẩn cho phép 2 năm một lần, các Dòng tu cũng từng bước công khai việc đào tạo, "chui" nhưng được làm lơ và được hợp thức hóa dần qua các lớp Bồi dưỡng Thần học, hay các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại các Đại Chủng viện. Một số tu sĩ lớn tuổi ở Sài Gòn được chịu chức công khai trong các thánh lễ phong chức hiếm hoi mỗi năm.

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn phát triển (1960 tới n...jpg


Bước vào thiên niên kỷ mới, lớp chủng sinh và các sinh viên học viện các dòng tu được đào tạo vào thập niên cuối của thế kỷ 20 bắt đầu ra trường, dấn thân ngày càng nhiều trong các giáo phận mang lại một sức sống mới cho Giáo hội, đặc biệt cho sứ vụ loan báo Tin mừng.

Trong thời gian này, Giáo hội được cởi mở hơn. Giáo hội được tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc phong chức linh mục, xây mới các cơ sở vật chất như nhà thờ, nhà xứ, tu viện… Nhiều lễ hội "hoành tráng" có sự tham dự đông đảo của người dân lương – giáo và các cấp chính quyền diễn ra thường xuyên tại khắp các giáo phận…

Tuy nhiên, với chủ trương "đổi mới chứ không đổi mầu", với chính sách tôn giáo trước sau như một, nhà nước Việt Nam tiếp tục tìm cách ngăn chặn Công giáo phát triển. Sự "dễ dàng" nếu có thường không căn cứ trên các qui định pháp luật, nhưng tùy theo địa phương và tùy lãnh đạo mỗi nơi. Vì thế, tại nhiều địa phương, những tồn tại của quá khứ chưa được giải quyết như vấn đề đất đai, tài sản của Giáo hội bị chiếm dụng trước đây, dễ gây căng thẳng, thường là âm ỉ, nhưng đôi khi bùng lên thành những vụ xung đột khuấy động dư luận trong nước và thế giới.

Vụ việc xảy ra tại Tòa Khâm sứ - Giáo xứ Thái Hà năm 2008 là ví dụ điển hình. Trước những căng thẳng do truyền thông nhà nước tạo ra, cùng với những căng thẳng giữa nhà nước và người Công giáo diễn ra sau đó như vụ việc tại Tam Tòa, Thánh Giá Đồng Chiêm (2010), vụ giáo xứ Cồn Dầu tại Đà Nẵng, vụ Mỹ Yên giáo phận Vinh… hay các cuộc biểu tình phản đối Công ty Formosa xả thải giết biển miền Trung (2016)… các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam "bắt đầu có những tiếng nói rõ ràng và thẳng thắn hơn, nhất là trong tư cách tập thể những người lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại đất nước này. Các vị góp ý rằng quyền tự do tôn giáo không phải là một ân huệ để xin-cho. Đặc biệt, năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục đã công bố văn bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”; năm 2013, Ban Thường Vụ HĐGMVN gửi “Thư Góp Ý về việc sửa đổi Hiến Pháp”; năm 2016, các giám mục lại tiếp tục có văn bản chính thức “Góp ý về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo”. Nội dung các ý kiến trên bao quát những vấn đề rất căn bản như: về cơ chế quyền lực nhà nước, về các quyền con người (đặc biệt quyền tự do tôn giáo), về kinh tế, luật đất đai, môi trường xã hội, môi trường sinh thái, vai trò của trí thức, lĩnh vực giáo dục và y tế… Dường như chưa có mấy dấu hiệu tiếp thu tích cực từ phía chính quyền."(71)

phailamgi_Hành trình Hội Thánh loan báo Tin Mừng tại Việt Nam Giai đoạn phát triển (1960 tới n...jpg


Về phía Giáo hội, tận dụng sự cởi mở về phía chính quyền, các cơ sở vật chất ngảy càng được xây dựng nhiều hơn, với phương châm 'to hơn, cao hơn", không nhất Châu Á thì cũng phải nhất Đông Dương. Các Tòa Giám mục đều được phá bỏ và xây mới, với hàng trăm căn phòng đầy đủ tiện nghi. Tuy vậy, sự phát triển về cơ sở vật chất dường như lại không tương xứng với sự phát triển về chiều sâu đức tin và chiều rộng về sứ vụ loan báo Tin mừng. Giáo hội không những không làm gia tăng số phần trăm các tín hữu, mà còn để cho các lạc giáo lan rộng ở nhiều nơi, thu hút nhiều giáo dân chối bỏ đức tin Công giáo. Bên cạnh đó, "nhiều người Công giáo chấp nhận buông theo cơn sóng duy vật thực tiễn trong những hình thức làm ăn bất chính, và đôi khi họ trở thành một nguồn đáng kể hỗ trợ tài chánh cho các công cuộc của Giáo hội…" (Ibid.)

Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, trong chuyến viếng thăm mục vụ - Ad Limina, trước Đức Thánh cha Phanxicô, đã không ngần ngại nói lên sự thật đó: “Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của cuộc chiến tranh ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.”(72)

Giáo hội Việt Nam vừa bước vào năm mục vụ 2025 với chủ đề "Cùng nhau loan báo Tin Mừng." Giáo hội Việt Nam sẽ làm gì để sống sứ mạng này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hy vọng rằng, với Năm thánh Hy vọng 2025, Giáo hội sẽ có những bước chuyển biến trong sự vụ loan báo Tin mừng mà Chúa và Hội thánh ủy thác.​

Chú thích:
(71) Lê Công Đức, P.S.S., Nhìn lại Giáo hội Việt Nam 60 năm qua - Nhận diện những cơ hội và thách đố hiện nay, Bản Tin Hiệp Thông /HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
(72) Giuse Nguyễn Chí Linh, Diễn văn triều yết Đức thánh cha Phanxicô, Rôma ngày 5/3/2018 (https://www.tonggiaophanhanoi.org/t...-hdgmvn-trieu-yet-duc-thanh-cha-phanxico.html)
 

Ai điều hành Vatican khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vắng mặt?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên