Behold God’s Providence
- Tham gia
- 17/12/23
- Bài viết
- 1,097
- Chủ đề Author
- #1
Với việc chọn tước hiệu Lêô XIV, Đức Hồng y Robert F. Prevost dường như muốn nói lên sự tiếp nối di sản của Đức Giáo hoàng Lêô XIII – vị giáo hoàng được coi là “cha đẻ” của học thuyết xã hội Công giáo hiện đại, đặc biệt qua thông điệp mang tính nền tảng Rerum Novarum ban hành năm 1891.
Tân Giáo hoàng Lêô XIV và Giáo hoàng Lê ô XII
Thông điệp Rerum Novarum, hay “Về tình cảnh của người lao động”, đã đặt nền móng cho giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo trong thời đại công nghiệp, bênh vực quyền sở hữu tư nhân, quyền được trả lương xứng đáng, quyền tổ chức công đoàn và quyền đình công. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thông điệp này thực sự mang tính cách mạng.
Nhắc tới Rerum Novarum, không thể không nhắc tới Đức Giáo hoàng Lêô XIII, vị giáo hoàng gần nhất chọn tông hiệu Lêô.
Sinh năm 1810 tại Carpineto, Ý, Gioacchino Pecci (tên khai sinh của Giáo hoàng Lêô XIII) được đào tạo trong hệ thống ngoại giao Tòa Thánh và từng giữ các chức vụ hành chính tại các quốc gia thuộc Giáo hoàng trước khi trở thành Tổng Giám mục Perugia. Ngài được chọn làm giáo hoàng năm 1878, ở tuổi 68, ban đầu như một lựa chọn “tạm thời” sau triều đại kéo dài 31 năm của Chân phước Piô IX. Tuy nhiên, GH Lêô XIII đã tại vị đến 25 năm, trở thành một trong ba vị giáo hoàng tại vị lâu nhất trong lịch sử Giáo hội.
Trong triều đại của mình, ngài thúc đẩy sự phục hưng triết học kinh viện qua thông điệp Aeterni Patris (1879), gọi thánh Tôma Aquinô là “bức thành kiên cố đặc biệt và là vinh quang của đức tin Công giáo” (#31), đồng thời thành lập Học viện Thánh Tôma tại Rôma. Phong trào phục hưng tư tưởng Aquinô do ngài khởi xướng đã ảnh hưởng sâu rộng đến thần học Công giáo trong thế kỷ XX.
Ảnh: Vatican News
Trước những bất công trong xã hội công nghiệp và làn sóng chủ nghĩa xã hội phủ nhận quyền tư hữu, Rerum Novarum khẳng định quyền sở hữu tư nhân là một quyền tự nhiên. Đồng thời yêu cầu nhà nước và giới chủ phải tôn trọng phẩm giá người lao động, bảo đảm điều kiện lao động công bằng, mức lương đủ sống và quyền liên kết.
Tác động của Rerum Novarum vượt ra ngoài Âu châu. Tại Hoa Kỳ, sự can thiệp của Hồng y James Gibbons để bảo vệ tổ chức lao động Knights of Labor khỏi bị kết án là tổ chức bí mật, đã góp phần định hướng thông điệp theo chiều hướng ủng hộ công nhân, đặt Giáo hội đứng về phía người lao động vào một thời điểm then chốt trong lịch sử phong trào lao động.
Dù không đạt nhiều tiến bộ chính trị trong quan hệ với Pháp hay Ý, và giữ lập trường cứng rắn về các vấn đề đại kết – đáng chú ý là tuyên bố năm 1896 coi chức thánh Anh giáo là “tuyệt đối vô hiệu” – Đức Lêô XIII được nhớ đến như một vị giáo hoàng bảo thủ nhưng có thái độ ôn hòa, luôn tìm cách hòa giải Giáo hội với thế giới hiện đại đang hình thành.
Ngài qua đời năm 1903 ở tuổi 93 – giáo hoàng lớn tuổi nhất từng tại vị.
Việc Đức Hồng y Prevost chọn danh hiệu Lêô XIV giống như một tuyên ngôn định hướng cho triều đại Giáo hoàng của ngài: tiếp tục đặt Giáo hội giữa lòng xã hội, đối thoại với thế giới, nhưng không rời xa nền tảng truyền thống của đức tin và chân lý.
Phải làm gì?
Docat 25: Học thuyết Xã hội của Giáo Hội hình thành ra sao?
Ai đã nghe Tin Mừng, đều thấy hiện ra trước mắt bao nhiêu thách đố của xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ “học thuyết xã hội” nói đến những tuyên ngôn về các vấn nạn xã hội mà Huấn quyền của Hội Thánh đã đưa ra kể từ Thông điệp Rerum Novarum của Giáo hoàng Lêô XIII. Với tiến trình công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, một “vấn nạn xã hội” hoàn toàn mới đã phát sinh. Phần lớn người dân không còn được thuê mướn làm việc trong ngành nông nghiệp, mà thay vào đó, phải làm việc trong lĩnh vực công nghiệp. Lúc ấy không có bảo đảm an toàn lao động, bảo hiểm y tế, bảo đảm ngày nghỉ, và còn phát sinh cả vấn đề lao động trẻ em. Các công đoàn được thành lập để đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân. Giáo hoàng Lêô XIII nhận thấy rõ ngài phải đáp lại với mức độ mạnh mẽ khác thường trước hiện trạng này. Trong Thông điệp Rerum Novarum, ngài phác thảo một trật tự xã hội đúng đắn. Từ đó, các giáo hoàng hết lần này tới lần khác đáp lại những “dấu chỉ của thời đại”, và đã đưa ra biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách, theo truyền thống của Thông điệp Rerum Novarum. Những bản tuyên ngôn tích luỹ dần qua thời gian theo phương cách này đã hình thành nên học thuyết xã hội của Giáo Hội. Ngoài các văn kiện của Giáo hội Hoàn vũ (nghĩa là những bản trình bày ý kiến của giáo hoàng, hội đồng giáo hoàng, hay Giáo triều Rôma), những quan điểm được đưa lên từ các giáo hội địa phương, ví dụ, thư mục vụ của hội đồng giám mục về các vấn đề xã hội, cũng có thể là một phần của học thuyết xã hội của Giáo Hội.