Đi tìm chân lý
- Tham gia
- 25/1/24
- Bài viết
- 862
- Chủ đề Author
- #1
Ngay sau khi khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, Đức Hồng y Robert Francis Prevost đã xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô trong trang phục giáo hoàng truyền thống, với danh hiệu Đức Giáo hoàng Lêô XIV. Ngài là vị Giáo hoàng dòng Augustinô đầu tiên trong lịch sử, và cũng là Giáo hoàng thứ hai đến từ châu Mỹ. Trong lời chào đầu tiên gửi đến cộng đoàn đông đảo tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã nói: "Bình an cho tất cả anh chị em!" – một lời chào vừa đơn sơ, vừa chất chứa sứ mạng.
Ảnh: TIZIANA FABI / AFP via Getty Images
Việc chọn tông hiệu "Lêô XIV" lập tức gợi nhớ đến một trong những vị Giáo hoàng có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của thế kỷ XIX: Đức Lêô XIII, vị cha chung của Thông điệp Rerum Novarum (1891), được coi là người khai sinh ra Học thuyết Xã hội Công giáo hiện đại. Giữa bối cảnh Cách mạng Công nghiệp gây ra nhiều bất công và phân hóa xã hội, Đức Lêô XIII đã mạnh mẽ lên tiếng về quyền lợi của người lao động, phẩm giá của con người, và vai trò điều tiết của Nhà nước. Ngài không chọn đứng về phía một hệ tư tưởng chính trị nào, nhưng kiên quyết bênh vực người nghèo và đòi hỏi công bằng xã hội dựa trên Tin Mừng.
Ngày nay, khi Đức Lêô XIV bắt đầu sứ vụ trong một thế giới cũng đầy bất ổn – từ biến đổi khí hậu đến những xung đột, chia rẽ về văn hóa, luân lý và công nghệ – nhiều người tin rằng việc chọn tông hiệu "Lêô" là một tuyên bố mạnh mẽ: Ngài tiếp nối tinh thần xã hội của người tiền nhiệm mang cùng danh hiệu, trong một hoàn cảnh mới. Vị Giáo hoàng đến từ dòng Thánh Augustinô, vốn nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và tìm kiếm chân lý nội tâm, rất có thể sẽ mời gọi Giáo hội toàn cầu sống lại tinh thần "đồng hành với người nghèo" mà các học thuyết xã hội của Giáo hội đã đặt nền móng hơn một thế kỷ qua.
Ảnh: Câu Lạc Bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Trong dòng chảy đó, DOCAT – bộ sách trẻ trung hóa YouCat, được Đức Phanxicô đặc biệt khích lệ – trở thành cầu nối thiết thực giúp người trẻ tiếp cận Học thuyết Xã hội Công giáo một cách gần gũi, dễ hiểu. Với DOCAT, người trẻ không chỉ học hỏi mà còn được mời gọi hành động: “Chẳng lẽ chúng ta không thể làm gì hơn để cho cuộc cách mạng về tình yêu và công bằng này trở thành hiện thực trong nhiều vùng trên hành tinh khốn khổ này sao?” (ĐTC Phanxicô trong lời dẫn nhập DOCAT). Câu nói ấy vang lên như một thách đố, nhưng cũng là một lời mời bước vào cuộc sống đức tin đầy trách nhiệm.
Khóa học: "Người trẻ và DOCAT". Ảnh: Câu Lạc Bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ đang nối dài tinh thần ấy qua các sáng kiến truyền thông, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Diễn đàn phailamgi.com chính là một không gian như vậy – nơi người trẻ Công giáo đặt câu hỏi, chia sẻ thao thức, và tìm kiếm lối đi cho niềm tin trong thế giới hôm nay. Từ việc học hỏi các giáo huấn của Giáo hội, cập nhật các sự kiện lớn như Mật nghị Hồng y và triều đại của tân Giáo hoàng, đến những thao thức rất đời thường như “Làm gì khi mất phương hướng?” hay “Có thể thay đổi xã hội từ những việc nhỏ không?” – phailamgi không chỉ là một diễn đàn, mà là một cộng đoàn học hỏi, cầu nguyện và hành động.
Các bạn trẻ đang thảo luận về DOCAT. Ảnh: Câu Lạc Bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Từ Lêô XIII đến Lêô XIV, từ Rerum Novarum đến DOCAT, từ những thông điệp lớn của Giáo hội hoàn vũ đến các cuộc thảo luận cụ thể trên diễn đàn phailamgi – chúng ta thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: Giáo hội không đứng ngoài xã hội, nhưng bước đi giữa đời, cùng nhân loại, để xây dựng một thế giới công bằng, yêu thương và có phẩm giá hơn.
Phải Làm Gì?
Docat 25: Học thuyết Xã hội của Giáo Hội hình thành ra sao?
Ai đã nghe Tin Mừng, đều thấy hiện ra trước mắt bao nhiêu thách đố của xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ “học thuyết xã hội” nói đến những tuyên ngôn về các vấn nạn xã hội mà Huấn quyền của Hội Thánh đã đưa ra kể từ Thông điệp Rerum Novarum của Giáo hoàng Lêô XIII. Với tiến trình công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, một “vấn nạn xã hội” hoàn toàn mới đã phát sinh. Phần lớn người dân không còn được thuê mướn làm việc trong ngành nông nghiệp, mà thay vào đó, phải làm việc trong lĩnh vực công nghiệp. Lúc ấy không có bảo đảm an toàn lao động, bảo hiểm y tế, bảo đảm ngày nghỉ, và còn phát sinh cả vấn đề lao động trẻ em. Các công đoàn được thành lập để đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân. Giáo hoàng Lêô XIII nhận thấy rõ ngài phải đáp lại với mức độ mạnh mẽ khác thường trước hiện trạng này. Trong Thông điệp Rerum Novarum, ngài phác thảo một trật tự xã hội đúng đắn. Từ đó, các giáo hoàng hết lần này tới lần khác đáp lại những “dấu chỉ của thời đại”, và đã đưa ra biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách, theo truyền thống của Thông điệp Rerum Novarum. Những bản tuyên ngôn tích luỹ dần qua thời gian theo phương cách này đã hình thành nên học thuyết xã hội của Giáo Hội. Ngoài các văn kiện của Giáo hội Hoàn vũ (nghĩa là những bản trình bày ý kiến của giáo hoàng, hội đồng giáo hoàng, hay Giáo triều Rôma), những quan điểm được đưa lên từ các giáo hội địa phương, ví dụ, thư mục vụ của hội đồng giám mục về các vấn đề xã hội, cũng có thể là một phần của học thuyết xã hội của Giáo Hội.