Truyền giáo kỹ thuật số: Thách thức và cơ hội trong thời đại mạng xã hội

5.00 star(s) 1 Vote
phailamgi?
Tham gia
8/4/24
Bài viết
123

Trước đây, nói truyền giáo là nói về những cuộc hành trình dài đầy khó khăn, các tông đồ đi khắp nơi để nói về Chúa, gặp từng người và từng cộng đoàn nhỏ. Nhưng ngày nay, mạng xã hội đã mở ra một "trận địa kỹ thuật số" – nơi Kitô hữu có thể tiếp cận hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người chỉ với một cú nhấp chuột. Thế nhưng, truyền giáo qua mạng xã hội có thực sự là con đường hiệu quả, hay chỉ là một cách truyền thông khác dễ đi vào hình thức mà không đem lại chiều sâu?


phailamgi_truyen giao bang mang xa hoi_CV2.jpg

Ảnh: Canva
Ngày nay, mạng xã hội không chỉ là công cụ để giải trí mà còn là nơi để chia sẻ và truyền tải giá trị tinh thần. Một bài viết về giá trị Kitô giáo, một câu Kinh Thánh, một lời cầu nguyện, hay một câu chuyện ý nghĩa có thể nhanh chóng lan truyền, trở thành niềm an ủi hay nguồn cảm hứng cho những ai tình cờ xem được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thấy tiềm năng của môi trường này, khi mời gọi Kitô hữu hãy dùng mạng xã hội để rao giảng Tin Mừng đến tất cả mọi người, không loại trừ một ai.

Tuy nhiên, mạng xã hội là một môi trường đặc thù – nơi người dùng có xu hướng lướt qua rất nhanh mà không kịp suy ngẫm, đôi khi "nhấn thích" hay "chia sẻ" một cách vô thức. Trong "văn hóa zapping" này, việc truyền giáo qua mạng xã hội cần có chiều sâu và sự chân thành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở, truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ hay tranh luận về đức tin, mà là chia sẻ tình yêu và niềm vui trong Chúa Kitô. Đó là lời mời gọi nhẹ nhàng, là cách chúng ta khơi dậy trong lòng người khác niềm khao khát tìm hiểu Chúa.

Mạng xã hội có thể làm cho Tin Mừng dễ tiếp cận hơn, nhưng khi chỉ là những dòng trạng thái ngắn gọn hay hình ảnh đẹp, đức tin dễ bị “hời hợt hoá.” Đức Thánh Cha cảnh báo rằng, nếu người trẻ, và cả chúng ta, cứ mãi “lướt” mà không dành thời gian suy ngẫm, đức tin sẽ dễ trở nên nông cạn và mất đi ý nghĩa sâu sắc. Để đức tin thật sự bén rễ, Tin Mừng cần được chia sẻ bằng cả tấm lòng và lối sống chân thành của mỗi Kitô hữu, không phải chỉ là những thao tác trên màn hình.
phailamgi_truyen giao bang mang xa hoi_CV1.jpg

Ảnh: Canva

Truyền giáo qua mạng xã hội sẽ chỉ có ý nghĩa khi Kitô hữu biết giữ trọn tinh thần của Tin Mừng. Không tham gia mạng xã hội để vu khống, chỉ trích hay gây chia rẽ, thì họ đang đi ngược lại sứ mệnh của Giáo hội. Truyền giáo là lan tỏa tình yêu và sự bình an của Chúa. Khi mạng xã hội tràn ngập những bài đăng gây tranh cãi, khi mọi người dễ dàng công kích nhau chỉ qua một dòng bình luận, thì người Kitô hữu cần trở nên khác biệt – đem đến thông điệp yêu thương, cởi mở và bao dung. Thái độ tôn trọng và tinh thần hiệp nhất phải luôn là trọng tâm của mọi bài đăng, mọi lời nói.

Dù mạng xã hội có thể lan toả niềm tin Kitô giáo nhanh chóng và rộng rãi, nhưng nó không thể thay thế sự hiện diện thật và những mối quan hệ trực tiếp. Mạng xã hội là công cụ hỗ trợ truyền giáo, nhưng niềm tin chỉ thực sự bền vững khi được bén rễ trong cộng đoàn. Cuộc sống Kitô hữu vẫn phải là một hành trình kết nối thực sự – một hành trình của sự gặp gỡ, sẻ chia và nâng đỡ lẫn nhau trong đức tin.​

Phải làm gì?

Docat 43: Thế nào là cách truyền thông lý tưởng trên Internet?

Vì các Kitô hữu được kỳ vọng chinh phục “trận địa kỹ thuật số” và đem Tin Mừng đến soi sáng trận địa này, họ cần phải có cách giao tiếp khác với những cách tiếp cận thông thường. Họ nên đưa các thông điệp và viết blog về những chủ đề liên quan đến Kitô giáo. Thế nhưng, nếu họ tố giác người khác trong những chủ đề này, nếu họ vu khống, làm nhục và lên án người khác, nếu họ gây ra sự chia rẽ hay ủng hộ sự chia rẽ, thì họ đang làm điều trái ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Niềm vui Tin Mừng dành cho mọi người, không loại trừ một ai.” Điều này cũng áp dụng cho sự hiện diện của các Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội: “Giáo Hội ngày nay phải tiến lên và rao giảng Tin Mừng cho tất cả: ở mọi nơi, trong mọi dịp, không ngần ngại, không miễn cưỡng hay sợ hãi” (EG 23).
 

Khoảnh khắc cuối đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên