Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh: Bình tĩnh chèo chống Giáo phận Bùi Chu vượt qua sóng dữ

5.00 star(s) 3 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Mỗi mục tử, trong sứ vụ mục tử của mình, và tùy hoàn cảnh đã khôn ngoan chọn cho mình cách hành xử sao cho ý Chúa được thể hiện. Nếu đức cha Đa Minh Đinh Đức Trụ, Giám mục Giáo phận Thái Bình, được ví là “cột trụ cho Công giáo Thái Bình”, thì Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, người đã được Đức cha Trụ phong chức Giám mục “chui,” cũng giữ vị trí quan trọng không kém cho sự sống còn của Giáo phận Bùi Chu những năm khó khăn sau 1954.


phailamgi_Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh_cv1.jpg

Đức cha Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh. Ảnh: HĐGMVN

Ngược dòng thời gian

Đức Cha Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh sinh ngày 31/07/1917 tại giáo xứ Quần Cống, nay thuộc xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Năm 1931, đáp lại tiếng Chúa gọi, ngài gia nhập tiểu Chủng viện Ninh Cường, bắt đầu hành trình tu học.

Ngày 4/8/1945, ngài được chịu chức linh mục tại nhà thờ Bùi Chu qua việc đặt tay phong chức của Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện Ninh Cường (15/8/1945), Chủng viện Quần Phương (15/8/1946) và phụ trách văn phòng thư ký Tòa Giám mục (13/6/1951).

Năm 1954, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi dẫn theo hai phần ba số linh mục và khoảng 150.000 giáo dân trong giáo phận di cư vào Nam. Trong tư cách là Cha Chính địa phận (Tổng Đại Diện), trong cảnh hoang tàn, ngài chính thức điều hành giáo phận.

Ngày 20/3/1959, Tòa thánh đặt cha Giuse làm giám quản Tông tòa giáo phận Bùi Chu. Sau đó, để chuẩn bị cho việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngày 5/3/1960, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục hạt đại diện tông tòa Bùi Chu, Hiệu tòa Berrnicia. Ngài chọn câu: "Đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria", làm khẩu hiệu giám mục.

phailamgi_Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu xưa.jpg
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu xưa. Ảnh: Nguyễn Long/phailamgi.com

Lễ tấn phong Giám mục chỉ có 4 người

Vì Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Giám mục địa hạt Tông Tòa Bùi Chu, đã di cư vào Nam và vì không được nhà nước công nhận, nên mãi tới chiều tối ngày 10/11/1960, Đức cha Giuse cùng thầy phòng bộ đạp xe hơn 40 km, từ Tòa Giám mục Bùi Chu, qua lối bến Đò Cát, đến Tòa Giám mục Thái Bình để được Đức cha Đa Minh Đinh Đức Trụ truyền chức Giám mục.

Truyện kể rằng: chiều tối ngày 10/11/1960, trên Bến đò Cát, có hai vị khách có chiều vội vã muốn qua sông. Nhưng cả hai phải đợi cho đến khi trời tối hẳn không còn nhìn rõ mặt người, mới xin ông lái đò đưa qua sông. Sau đó cả hai lặng lẽ mải miết đạp xe tới Tòa Giám mục Thái Bình và kín đáo xin người gác cổng vào trình với Đức Giám mục Thái Bình là Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ, người được Tòa thánh bổ nhiệm cùng ngày với Đức cha Giuse, và cũng không được nhà nước công nhận. Sau khi được người giúp việc cho biết có cha Tĩnh ở Bùi Chu, Đức cha Thái Bình liền ra hiệu cho người giúp việc đưa Cha Tĩnh và người tuỳ tùng vào. Người giúp việc cúi đầu chào hai đấng rồi đi ngay. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, hai đấng trao đổi với nhau mấy phút, chỉ vừa uống xong chén trà nóng, rồi cả hai mặc lễ phục và sang nhà nguyện liền ngay đó. Thế là cuộc tấn phong Giám mục cho Đức Cha Tĩnh diễn ra trong trịnh trọng, âm thầm và sốt sắng. Ngoài vị Chủ phong và vị Thụ phong, chỉ có thầy phòng bộ giúp lễ và người tuỳ tùng Đức Cha Tĩnh tham dự. Tất cả gồm 4 người.

phailamgi_Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh_cv2.jpg
Hình ảnh 29 tân linh mục chịu chức ngày 8/12/1963 tại Đền thánh Phú Nhai. Ảnh: Giáo xứ Lạc Đạo

Những ưu tiên nền tảng

Sau khi chịu chức Giám mục và trở về giáo phận trong trách nhiệm của một mục tử, đối diện với một giáo phận mà hơn nửa số linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đi Nam, công việc đầu tiên Đức cha Giuse nghĩ tới là làm thế nào có đủ số thợ gặt cho cánh đồng giáo phận.

Ngày 27/11/1960, chưa đầy ba tuần sau khi chịu chức Giám mục, ngài đã lập tức truyền chức linh mục cho bốn thầy giảng.

Tuy nhiên, quyết định quan trọng nhất mang lại sự ổn định cho giáo phận Bùi Chu những năm khó khăn 1960-1975 là quyết định phong chức “nửa chui, nửa công khai” cho 29 linh mục vào ngày 8/12/1963, tại Đền Thánh Phú Nhai, nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, quan thầy đệ nhất của Giáo phận.

Số là, năm 1963, nhà nước ra lệnh cấm truyền chức linh mục, muốn truyền chức phải xin phép mà đã xin phép thì không cho. Khi lệnh được ban ra, Đức cha Giuse “làm như không hay biết, sáng sớm hôm sau, có bao nhiêu thầy do cha Micae Lương Huy Hân đang huấn luyện, ngài cho chịu chức hết.” (x. Phaolô Lê Đắc Trọng, Những Câu chuyện về một thời, Toàn tập (Lưu hành Nội Bộ 2012), tr. 322) Trong số các tiến chức có 1 thầy 27 tuổi, 1 thầy 25 tuổi, 3 thầy 24 tuổi, 5 thầy 23 tuổi, 8 thầy 22 tuổi, 10 thầy 21 và 1 thầy 20 tuổi. Sau lễ phong chức này, cha Giám đốc Micae Lương Huy Hân và một số tân chức bị đi tù vì tội "làm linh mục".

phailamgi_Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh_1.jpg


Các vị tân chức này trong suốt nhiều thập niên của những thời điểm khó khăn nhất đã kề vai sát cánh cùng các Đức Giám Mục gánh vác những trọng trách của Giáo phận. Chính vì thế đời sống đạo tại các giáo xứ không bị ngưng trệ. Các vị hầu hết còn sống tới ngày hôm nay.

Ngoài việc lo đào tạo và phong chức cho các linh mục, để hỗ trợ các linh mục còn lại đa phần già yếu, vào ngày Chúa nhật, Đức cha thường đạp xe đi các xứ lân cận dâng thánh lễ, động viên giáo dân sống đạo ngày một tốt hơn.

Dù công việc Mục vụ và phụng vụ bận rộn, nhưng ngài vẫn gắng sắp xếp thời gian để viết và dịch trên 20 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, như: Diễn giảng tuần thánh, Đường thơ ấu thiêng liêng, Linh mục với Thánh Tâm Chúa, Những nhân đức người giáo dân, Sách luật công giáo, Tận Hiến cho Đức Mẹ, Thần đồng tiểu lộ, Tuần Chín ngày kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, Tuần chín ngày kính thánh Đa minh… Đức cha còn viết các sách ngắm nguyện về Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria, sách tu đức, sách luân lý… đặc biệt hàng tháng và hàng quý Đức cha viết thư luân lưu tới các khía cạnh Đức tin, cậy , mến, đức công bình, đức bắc ái.. như những chỉ dẫn để giáo hữu thực hiện bổn phận của con cái Chúa sống công bình giữa đạo đời.

Kiệt lực vì công việc, Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh qua đời vào ngày 11/02/1974 ở tuổi 57 sau hơn 13 năm coi sóc Giáo phận.

Mộ ngài được đặt ở nhà thờ Bùi Chu, “được coi là mộ vị tử đạo. Khi mộ chưa kịp xây, giáo dân lũ lượt đến nhặt các viên sỏi nơi mộ ngài, đưa về làm thánh tích.” (Ibid., 323)​
 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên