- Chủ đề Author
- #1
Ngày 24/11/1960, với Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Tòa thánh chính thức thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn và thành lập thêm các giáo phận mới, như: Đà Lạt, Mỹ Tho tách ra từ giáo phận Sài Gòn và giáo phận Long Xuyên tách ra từ giáo phận Cần Thơ.[1]
Kể từ đây, vùng đất Tây Nam Bộ được phân chia cho bốn giáo phận:
- Giáo phận Vĩnh Long gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và một phần tỉnh Đồng Tháp;
- Giáo phận Cần Thơ nằm trên địa bàn một thành phố và bốn tỉnh: thành phố Cần Thơ (trừ huyện Thốt Nốt thuộc giáo phận Long Xuyên), tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau;
- Giáo phận Long Xuyên gồm hai tỉnh An Giang và Kiên Giang và huyện Thốt Nốt (trực thuộc thành phố Cần Thơ);
- Giáo phận Mỹ Tho nằm trong ba tỉnh Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp (gồm thành phố Cao Lãnh, các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông và Tháp Mười)
Có thể nói, việc thành lập mới và nâng các giáo phận có trước đó tại các tỉnh miền Tây trở thành các giáo phận chính tòa, là dấu chỉ cho thấy công giáo miền Tây đã thực sự lớn mạnh. Trong thực tế, vào thời điểm các giáo phận thuộc miền Tây Nam Bộ được thành lập, các giáo xứ, giáo họ đã có những sự ổn định về tổ chức, nhất là sau khi một lượng lớn di dân Công giáo các tỉnh phía Bắc được bố trí tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, số lượng giáo dân công giáo tại miền Tây gia tăng rất nhanh. Sự gia tăng số lượng, cùng với những tác động sâu xa khởi đi từ những đổi mới của Công đồng Vatican II, nhất là trong lãnh vực đại kết và mục vụ, đã làm cho Tổng Giáo phận Sài Gòn nói chung và công giáo miền Tây Nam Bộ nói riêng, ý thức hơn về trách nhiệm đem các giá trị Tin mừng vào trong các lãnh vực trần thế, đặc biệt trong lãnh vực bác ái, giáo dục, y tế và những dân thân cho hòa bình. Trong khoảng thời gian từ năm 1960 cho tới năm 1975, thống kê cho thấy hầu hết các giáo xứ trên địa bàn đều có các trường tiểu học hoặc cơ sở đào tạo con em các gia đình Công giáo theo tiêu chuẩn quốc gia.
Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho. Ảnh: mia.vn
Với biến cố 30/4/1975, Bắc Nam thống nhất một nhà, Công giáo miền Tây bước vào một giai đoạn mới với những đổi thay quá bất ngờ. Nhiều người, trong số đó có rất đông người Công giáo bỏ nước ra đi, nhiều người phải đi vào vùng kinh tế mới, không ít người phải đi “học tập cải tạo.” Nhiều dòng tu, họ đạo không còn đất đai, cơ sở vật chất, sự đi lại, cư trú không còn dễ dàng như trước. Tất cả các trường học, các cơ sở y tế, xã hội phải tự giải thể hoặc giao lại cho chính quyền cách mạng. Các hội đoàn Công giáo tiến hành bị buộc ngưng sinh hoạt.
Trong hoàn cảnh đó, bằng sự ngôn ngoan và dùng quyền Tòa thánh ban, một số linh mục đã được tuyển chọn và được các vị giám mục đương nhiệm phong chức giám mục vào lúc tranh tối tranh sáng của thời cuộc, như đức cha Bùi Tuần – giám mục phó giáo phận Long Xuyên, thụ phong ngày 30/4/1975; đức cha Emmanuel Nguyễn Phong Thuận – giám mục phó giáo phận Cần Thơ, thụ phong ngày 6/6/1975; đức cha André Nguyễn Văn Nam, giám mục phó giáo phận Mỹ Tho, thụ phong ngày 10/6/1975; đức cha Raphael Nguyễn Văn Diệp, giám mục phó Vĩnh Long, thụ phong ngày 15/8/1975.
Đức Cha Gioan B Bùi Tuần và Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II. Ảnh: Conggiao.vn
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985, nhiều người dân, trong đó có các tín hữu Công giáo đã rời thành phố Hồ Chí Minh tìm về miền Tây Nam Bộ lập nghiệp thay vì đi vùng kinh tế mới. Vì thế, số dân công giáo tăng nhanh, đặc biệt tại giáo phận Long Xuyên. Tuy nhiên, kể từ sau khi đất nước mở cửa kinh tế, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng tăng, sự hấp dẫn của cuộc sống đô thị, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, “trong khoảng thời gian 20 năm từ 1994 tới 2014 đã có tới hơn 1.700.000 người di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long, riêng trong 5 năm từ năm 2009 tới 2014, số người rời bỏ khu vực gạo trắng nước trong là 544.000 người,”[2] trong số những người rời khỏi vùng Tây Nam Bộ, dĩ nhiên, cũng có khá đông những người Công giáo. Sự ra đi ồ ạt vì lý do kinh tế, trong đó đa số là người trẻ, trong lúc nhà nước mới bắt đầu cởi mở và để Giáo hội tự do hơn trong việc đạo, đã tạo một khoảng trống khá lớn trong cuộc sống đạo tại các giáo xứ miền quê vùng Tây Nam Bộ.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2015, tổng dân số miền Tây Nam Bộ là 17.944.066 người, trong đó có 773.264 tín hữu Công giáo, chiếm 4,3 % dân số toàn vùng.[3]
Tác giả: Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R
[1] Nguyễn Ngọc Sơn (chủ biên), Niên Giám Giáo hội Việt Nam 2016, 188.
[2] Đây là các số liệu chính thức được công bố trong cuộc hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới 1986-2015” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/10/2016 tại Cần Thơ.
[3] Nguyễn Ngọc Sơn (chủ biên), Niên Giám Giáo hội Việt Nam 2016, 491.
[2] Đây là các số liệu chính thức được công bố trong cuộc hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới 1986-2015” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/10/2016 tại Cần Thơ.
[3] Nguyễn Ngọc Sơn (chủ biên), Niên Giám Giáo hội Việt Nam 2016, 491.
Cùng chủ đề