Tích cực
- Tham gia
- 22/12/23
- Bài viết
- 185
- Chủ đề Author
- #1
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là tấm gương phản chiếu tư duy, cảm xúc và văn hóa của một cộng đồng. Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, đặc biệt là dưới tác động của truyền thông và mạng xã hội, người ta ngày càng có xu hướng sử dụng những từ ngữ mang sắc thái mạnh, thậm chí bạo lực, để diễn đạt những hành vi hoặc tình huống vốn dĩ trung tính. Đây là hiện tượng mà chúng ta có thể gọi là sự bạo lực hóa trong ngôn từ.
Ảnh: phailamgi
Một ví dụ đơn giản nhưng đáng suy ngẫm: thay vì nói “tính tiền”, nhiều người dùng từ “thanh toán”. Về mặt ngữ nghĩa, điều này không sai. Nhưng “thanh toán” cũng là từ thường xuất hiện trong bối cảnh truy sát, xử lý kẻ thù – điều này vô tình tạo ra một lớp nghĩa bạo lực, dù chỉ đang đứng ở siêu thị. Tương tự, thay vì nói “xe bị va chạm”, người ta lại nói “xe bị đâm”, khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, thậm chí có cảm giác như hành động cố ý.
Xu hướng này không dừng lại ở đời sống thường nhật mà còn lan rộng trên mạng xã hội, truyền thông và diễn đàn công cộng. Những từ mang sắc thái bạo lực như “tấn công” (thay vì phê bình), “đập tan luận điểm” (thay vì phản biện), “ném đá” (thay vì góp ý hay nêu ý kiến), “phản pháo” (thay vì không đồng tình), “xóa sổ” (thay vì giải thể, kết thúc)... được dùng một cách phổ biến trong các cuộc tranh luận – dù nhiều khi chỉ là bất đồng ý kiến đơn thuần.
Thay vì tranh luận để hiểu nhau, người ta nói như thể đang chiến đấu, đang tìm cách “hạ gục” người khác bằng lời nói – thay vì cùng nhau trao đổi để làm rõ vấn đề.
Ảnh chụp màn hình
Điều đáng nói là việc sử dụng ngôn từ bạo lực không chỉ làm thay đổi sắc thái câu chuyện, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người nghe, người đọc. Nó kích thích phản ứng cảm xúc, dẫn tới phẫn nộ, hiểu lầm, và không ít lần gây tổn thương không đáng có. Lâu dần, thói quen dùng lời lẽ “mạnh tay” sẽ hình thành một kiểu tư duy bạo lực, nơi đối thoại trở thành đối đầu, nơi bất đồng trở thành xung đột.
Không thể phủ nhận rằng trong một xã hội cạnh tranh, tốc độ, và luôn cần “gây ấn tượng”, việc lựa chọn ngôn từ mạnh mẽ có thể thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, hiện tượng này sẽ góp phần làm suy giảm chất lượng đối thoại công cộng, khiến người ta mất dần khả năng lắng nghe và đồng cảm. Mỗi cuộc trò chuyện trở thành một cuộc chiến, và hậu quả là không ai thắng – chỉ có sự chia rẽ và tổn thương để lại.
Vì thế, cần có sự tỉnh táo và chủ động điều chỉnh trong cách sử dụng ngôn từ. Hãy trả lại cho ngôn ngữ sự trong sáng và chính xác. Hãy để lời nói là phương tiện kết nối thay vì công cụ công kích. Và hãy nhớ rằng, trong nhiều trường hợp, sức mạnh thật sự của một lời nói không nằm ở độ “gắt”, mà nằm ở khả năng làm cho người khác cảm thấy được lắng nghe.
Phải Làm Gì?
Docat 272: Tại sao các Kitô hữu phải lan truyền hoà bình?
Đức Giêsu Kitô đã thiết lập hoà bình giữa trời với đất và mở tất cả các cửa dẫn vào một cuộc sống hoà giải và niềm vui nội tâm. Nhưng hoà bình của Người không tự lan truyền. Con người có tự do để chấp nhận đề nghị hoà giải của Thiên Chúa trong đức tin hay bác bỏ đề nghị đó trong hoài nghi. Để làm được quyết định của mình, người ta trước hết phải được nghe nói rằng trong Thiên Chúa hoà bình có thể thực hiện được, cả trong cuộc sống cá nhân của họ cũng như giữa các nhóm và các nước thù địch. Họ có thể học biết về điều này nếu họ gặp những người đã được hoà giải: những người không đánh lại, không trả thù, không sử dụng bạo lực. Chia sẻ Tin Mừng bình an bằng lời nói và việc làm sẽ tạo ra các khởi đầu của hoà bình ngày càng đích thực hơn.
Cùng chủ đề