phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
405

Năm thánh Hy vọng 2025 đã được Đức Thánh cha Phanxicô khai mở với nghi thức mở Cửa thánh vào đêm Giáng sinh 2024 vừa qua và đã được khai mạc tại tất cả các Giáo hội địa phương vào ngày 29/12, trong đó có Giáo hội Việt Nam.

Trước khi Giáo hội khai mạc Năm thánh Hy vọng, Giáo hội Việt Nam được thế giới biết đến với hai vị chứng nhân của hy vọng là Đức cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận và thánh Tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh, vị thánh đã "biến hóa đau khổ qua quyền năng của hy vọng"​

phailamgi_Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Biến hóa đau khổ qua quyền năng hy vọng_cv1.jpg

Ảnh: Các thánh Tử đạo tại Việt Nam

Lá thư từ "Hỏa ngục"

Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Lúc 12 tuổi, cậu vào ở với cha Duệ, xứ Bạch Phát. Sau 3 năm, cậu được gửi vào Chủng viện Vĩnh Trị. Khi mãn khóa Chủng viện Vĩnh Trị, bề trên cử thầy làm giám thị và giáo sư chủng viện.

Mùa Đông năm 1841, trong lúc giảng dạy giáo lý tân tòng tại họ đạo Thạch Tổ, xứ Kẻ Đầm, tỉnh Hà Nam, lý trưởng Thạch Tổ vây bắt thầy Tịnh nộp cho chánh tổng. Con đường thập giá của thầy Tịnh kéo dài hơn bảy năm trời (1841-1847) đằng đẵng trong lao tù tại Hà Nội. Bị giam cầm lâu ngày, thương nhớ Chủng viện Kẻ Vĩnh, ngày 24/4/1843, Thầy Lê Bảo Tịnh gửi thư cho các cha và chủng sinh:

Tôi, Phaolô, bị gông cùm vì danh Chúa Kitô, ước mong kể lại cho các con những thử thách mà cha chịu hằng ngày, để nhờ đó các con có thể bùng lên ngọn lửa yêu mến Chúa và hợp với cha ngợi khen Chúa, vì lượng từ bi Chúa hải hà muôn đời (Tv 136[135]). Nhà tù ở đây thực sự là hình ảnh Hỏa Ngục muôn đời: thêm vào bên cạnh những đòn tra tấn dã man gồm đủ mọi cách – gông cùm, xiềng xích, đe dọa – là thù hận, trả thù, tai ương, thô bạo tục tằn, cãi vã, hành động độc ác, chửi thề, cũng như những nỗi âu lo và than khóc. Nhưng chính Chúa là Đấng đã giải thoát 3 trẻ nhỏ khỏi lò lửa hãi hùng, đã ở với cha luôn luôn; Ngài đã giải thoát cha khỏi những khốn cùng này và làm cho chúng nên dịu ngọt, vì lòng từ bi Chúa muôn đời. Những gian truân này thường làm kinh khiếp nhiều người khác, thế nhưng với cha, nhờ ơn Chúa, cha tràn đầy niềm vui và phúc lạc, bởi vì cha không ở một mình – Đức Kitô ở với cha..." (Bài đọc Kinh Sách lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam, ngày 24/11)

phailamgi_Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Biến hóa đau khổ qua quyền năng hy vọng_cv2.jpg
Ảnh: Các thánh Tử đạo tại Việt Nam

Đức Kitô đã xuống "Hỏa ngục"

Theo Đức Thánh cha Bênêđíchtô XVI, đây là "lá thư viết từ Hỏa ngục", vì nó "phơi bầy trắng trợn tất cả những kinh hoàng của trại tù tập trung, nơi mà những vết thương gây ra bởi những bạo chúa trên những nạn nhân của chúng được cộng thêm với sự bùng nổ của tội ác trong chính cả những nạn nhân, đến nỗi đến lượt họ lại trở thành những khí cụ cho sự độc ác của những người hành hạ họ." (Bênêđíchtô XVI, Spe Salvi, # 37)

Nhưng, như lời Thánh vịnh: "Con có lên trời Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty cũng gặp thấy Ngài" (Tv 139, 8-12; Tv 23, 4), thánh nhân tin rằng "Đức Kitô đã xuống "Hỏa ngục". Vì thế, Ngài gần gũi những ai bị ném vào trong đó và biến đổi tối tăm thành ánh sáng" (Bênêđíchtô XVI, Spe Salvi, # 37)

phailamgi_Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Biến hóa đau khổ qua quyền năng hy vọng_1.jpg
Đền thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh tại quê hương Trinh Hà, Thanh Hóa. Ảnh: Giáo phận Thanh Hóa

Chứng nhân của niềm Hy vọng

Nhờ đó, không chỉ cảm thấy một niềm vui hoan lạc vì được cùng sống và cùng chết với Đức Kitô, mà từ ngục tù, thánh nhân đã có thể viết cho các chủng sinh thân yêu của mình:

"Anh em chủng sinh thân mến, khi các con nghe biết tất cả những sự việc này, các con hãy cám tạ Thiên Chúa không hết lời trong niềm vui, vì từ Chúa mọi điều tốt sẽ nảy sinh; các con hãy chúc tụng Chúa với cha, vì lòng nhân từ Chúa vô bờ bến... Cha viết ra những dòng chữ này cho các con ngõ hầu đức tin của các con và của cha được hiệp nhất. Giữa phong ba bão táp, cha bỏ neo con thuyền của cha vào ngai Thiên Chúa, chiếc neo đó là hy vọng sống động trong trái tim cha.” (Kinh Sách lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam, ngày 24/11)

Theo Đức thánh cha, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã "biến hóa đau khổ qua quyền năng của hy vọng" (Bênêđíchtô XVI, Spe Salvi, # 37) và ngài đã trở thành chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu.​
 

Người trẻ nói gì về Loan báo Tin Mừng | Phải làm gì?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên