Đi tìm chân lý
Tham gia
25/1/24
Bài viết
884

Phailamgi_Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô_cv.jpeg

Ảnh: Vatican Media

THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025​

(Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT dịch từ nguyên bản tiếng Ý.)

Quý anh em hồng y, quý anh em trong hàng giám mục và linh mục, quý vị lãnh đạo và thành viên của các đoàn ngoại giao, cùng quý anh chị em thân mến!

Tôi chào tất cả quý vị với một tấm lòng tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn khi bắt đầu sứ vụ đã được trao phó cho tôi.

Thánh Augustinô đã viết: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thuật, 1, 1.1).

Trong những ngày vừa rồi, chúng ta đã trải qua một thời gian đặc biệt căng thẳng. Cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến lòng chúng ta tràn ngập nỗi buồn, và trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta thấy mình giống như đám đông mà Tin Mừng nói: họ "như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36).

Tuy nhiên, vào Ngày lễ Phục sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của ngài, và trong ánh sáng của Đấng Phục sinh, chúng ta đã đối diện với khoảnh khắc này với niềm tin chắc chắn rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người: Người tập hợp họ lại khi họ bị phân tán và “bảo vệ họ như mục tử canh giữ đàn chiên của mình” (Gr 31:10).

Trong niềm tin này, Hồng y đoàn đã tập hợp để tham dự Mật nghị; đến từ những nẻo đường khác nhau, có lịch sử khác nhau, chúng tôi đã đặt vào tay Chúa mong muốn bầu chọn đấng kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng bảo vệ di sản phong phú của đức tin Kitô giáo và đồng thời, có viễn kiến để đương đầu với những đòi hỏi, những lo âu và những thách đố của thời đại ngày nay.

Nhờ lời cầu nguyện của quý anh chị em, chúng tôi đã cảm nhận được tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể phối hợp các nhạc cụ khác nhau, khiến những dây đàn trong trái tim chúng tôi dệt nên một giai điệu duy nhất.

Tôi đã được chọn mà không có công trạng gì, và với lòng sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả chúng ta hiệp nhất trong một gia đình.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai phương diện của sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó cho Phêrô. Đoạn Tin Mừng (chúng ta vừa nghe) cho chúng ta điều biết này. Chúa dẫn chúng ta đến hồ Tiberia, cũng là nơi Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mạng mà Người lãnh nhận từ Chúa Cha: “đánh lưới” nhân loại để cứu họ khỏi dòng nước của sự dữ và cái chết.

Khi đi trên bờ hồ đó, Chúa đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác trở nên giống như Ngài là “những kẻ đánh lưới người”; và giờ đây, sau khi Chúa phục sinh, đến lượt các môn đệ phải tiếp tục sứ mệnh này, phải thả lưới liên tục và thả cách mới mẻ để đưa hy vọng của Tin Mừng vào dòng nước thế gian, để vượt qua biển đời ngõ hầu tất cả mọi người đều có thể thấy mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Làm sao Phêrô có thể chu toàn nhiệm vụ này?

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi người ta đã nếm cảm tình yêu vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chính mình, cả trong giờ phút bị thất bại và bị chối bỏ.
Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Tin Mừng dùng động từ tiếng Hy Lạp agapao, một từ chỉ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, chỉ việc Người hiến dâng chính mình mà không giữ lại và không tính toán; agapao khác với từ đã được Phêrô dùng để đáp lại, một từ mô tả tình bằng hữu mà con người chúng ta có với nhau.
Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" (Ga 21:16), câu này chỉ tình yêu của Chúa Cha.

Giống như Chúa Giêsu đang nói với ông: chỉ khi nào con biết và trải nghiệm tình yêu này của Thiên Chúa, tình yêu không bao giờ mất, thì con mới có thể chăn dắt đoàn chiên của Ta; chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh em mình “nhiều hơn” nghĩa là hiến dâng chính mạng sống mình cho các anh em của con.

Vì thế, Phêrô được giao phó nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và trao ban sự sống mình vì đàn chiên.

Sứ vụ của Phêrô được ghi dấu đích thị bằng tình yêu hy sinh này, bởi vì Giáo hội Rôma lãnh đạo trong đức bác ái và thẩm quyền thực sự của Giáo Hội Roma là đức bác ái của Chúa Kitô.
Giáo Hội không bao giờ cầm giữ người khác bằng áp bức, bằng tuyên truyền tôn giáo hay bằng những quyền lực, nhưng Giáo Hội luôn luôn yêu thương và chỉ yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.
Chính Thánh Tông đồ Phêrô đã khẳng định: “Người là viên đá mà anh em là thợ xây đã loại bỏ; chính viên đá ấy đã trở nên đá tảng đỉnh vòm” (Cv 4:11).
Và nếu tảng đá là Chúa Kitô, thì Phêrô phải chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ để mình rơi vào cám dỗ trở thành một người lãnh đạo đơn độc hay một thủ lĩnh ở trên những người khác, biến mình thành ông chủ của những con người đã được giao phó cho mình (x. 1Pr 5:3).

Ngược lại, Phêrô được yêu cầu phục vụ đức tin của anh em mình, đồng hành với họ: thực ra, tất cả chúng ta đều là “những viên đá sống động”(1Pr 2:5), được kêu gọi qua Bí tích Rửa tội để xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa trong tình hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong việc chung sống giữa những khác biệt.

Như Thánh Augustino đã khẳng định: “Giáo hội bao gồm tất cả những ai sống hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương người thân cận" (Bài giảng 359, 9).
Thưa anh chị em, tôi muốn đây là mong ước lớn lao trước nhất của chúng ta: một Giáo Hội hiệp nhất, một Giáo Hội trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, một Giáo Hội trở thành men cho một thế giới cần được hòa giải.

Trong thời đại này, chúng ta thấy còn quá nhiều bất hòa, quá nhiều thương đau gây ra bởi hận thù, bạo lực, định kiến, bởi sợ hãi sự khác biệt, bởi mô hình kinh tế khai thác tài nguyên Trái Đất và gạt ra bên lề những người nghèo nhất. Và trong khối bột này chúng ta muốn trở thành, một chút men của sự hiệp nhất, của mối hiệp thông, của tình huynh đệ.

Chúng tôi muốn nói với thế giới, bằng sự khiêm nhường và bằng niềm vui, rằng hãy hướng về Chúa Kitô! Hãy đến gần Người! Hãy đón nhận Lời Người- Lời soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe đề nghị yêu thương của Người để trở thành gia đình duy nhất của Ngài: chúng ta là một trong Chúa Kitô.

Và đây là con đường để cùng nhau bước đi, giữa chúng ta với nhau, nhưng cũng cùng với các Giáo hội Kitô chị em, cùng với những người theo các tôn giáo khác, cùng với những người đang khắc khoải tìm kiếm Chúa, cùng với tất cả những người nữ và những người nam thiện chí, để xây dựng một thế giới mới mà trong đó hòa bình ngự trị.

Đây chính là tinh thần truyền giáo gợi hứng cho chúng ta, khiến chúng ta không khép kín trong nhóm nhỏ của mình, cũng không cảm thấy mình trổi vượt hơn thế giới; chúng ta được mời gọi để trao tặng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để cho sự hiệp nhất kia được thực hiện mà không xóa bỏ những khác biệt, nhưng nâng cao lịch sử của mỗi cá nhân cũng như nâng cao văn hóa xã hội và tôn giáo của mỗi dân tộc.

Hỡi anh chị em, đây là thời khắc của yêu thương. Đức ái của Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành anh chị em với nhau là trọng tâm của Tin Mừng, và cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi mình rằng: nếu tiêu chuẩn này “chi phối thế giới, thì chẳng phải mọi bất đồng sẽ chấm dứt ngay lập tức và nền hòa bình có thể sẽ được vãn hồi sao?" (Thông điệp Tân sự, 21).

Bằng ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo Hội dựa trên tình yêu của Thiên Chúa, Giáo Hội là dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo Hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, một Giáo Hội hội chấp nhận để mình bị lịch sử làm phiền, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhau đi gặp Chúa và yêu thương lẫn nhau;  cùng nhau như một dân tộc duy nhất, như tất cả cùng là anh em.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT dịch từ nguyên bản tiếng Ý.
 

[Trực tiếp] Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô của đức tân giáo hoàng Lêô XIV | Chúa Nhật ngày 18/05/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Phêrô tại quảng trường Thánh Phêrô, chính thức khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Thánh lễ trọng thể này quy tụ đông đảo hồng y, giám mục, linh mục và các đoàn đại biểu quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp thánh lễ vào lúc 10:00 (giờ Roma) – 15:00 (giờ Việt Nam). Link xem trực tiếp sẽ được cập nhật bên dưới.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên