Từ các "tôn giáo bản địa" nghĩ về sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam hôm nay

phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
405

Giáo hội Công giáo Việt Nam đang sống Năm thánh Hy vọng 2025, cũng là năm Giáo hội Việt Nam quyết tâm "cùng nhau loan báo Tin mừng."​

Trong Bản "kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 – Cùng nhau loan báo Tin mừng," Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam coi năm 2025 là năm bản lề để Giáo hội Việt Nam" xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam;" đồng thời kêu gọi sự đóng góp ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa.

Trong tinh thần hiệp thông với Giáo hội Việt Nam, nhìn về sự tồn tại và phát triển của các tôn giáo bản địa, thiết tưởng Giáo hội có thể học được gì nhằm kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam từ các tôn giáo thuần Việt này.​

phailamgi_Từ các tôn giáo bản địa nghĩ về sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam hôm nay_cv1.jpg

Ảnh: VOV

Sơ lược về các Tôn giáo bản địa

Tại Việt Nam, ngoài các tôn giáo du nhập từ nước ngoài như Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo… còn có các tôn giáo ra đời tại vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ, còn gọi là các tôn giáo bản địa

Sự xuất hiện của các tôn giáo này với tầm ảnh hưởng sâu rộng và còn tiếp tục tồn tại mạnh mẽ tới ngày nay bất chấp những khó khăn, ngăn cản, chi phối của thế quyền, là một sự kiện có một không hai trong lịch sử văn hóa của dân tộc.

Hiện có 4 tôn giáo nổi bật là Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Theo con số thống kê năm 2023:​
  • Bửu Sơn Kỳ hương thành lập năm 1849, hiện có 15.124 tín đồ, hiện diện chủ yếu tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.​
  • Tứ Ân Hiếu nghĩa – tôn giáo phái sinh từ Bửu Sơn Kỳ Hương, lập đạo ngày 05/05/1867, hiện có 78.297 tín đồ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, số ít tại các tỉnh duyên hải miền Trung.​
  • Cao Đài thành lập năm 1926, hiện có 1.247.979 tín đồ, phân bổ khắp nơi trên cả nước. Tập trung chủ yếu tại các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.​
  • Phật giáo Hòa Hảo do đức thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập ngày 04/7/1939, hiện có 1.530.000 tín đồ, tập trung chủ yếu tại 5 tỉnh miền Tây Nam Bộ: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long.​
phailamgi_Từ các tôn giáo bản địa nghĩ về sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam hôm nay_cv2.jpg
Ảnh: VOV

Bối cảnh ra đời

Về phương diện lịch sử, các tôn giáo bản địa miền Tây Nam Bộ đều ra đời trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay. Trong nước, kể từ cuối thế kỷ 19, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Việc thực dân Pháp xâm lược vừa thức tỉnh lòng yêu nước của người dân Nam Bộ với nhiều cuộc kháng Pháp diễn ra, tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để người dân Nam Bộ nói chung và người dân miền Tây nói riêng, sớm tiếp cận với nền văn minh của Tây phương, mở rộng tầm nhìn, tự trang bị cho mình những kiến thức và những phương pháp khác nhau phục vụ cho mục tiêu kháng Pháp và đổi mới đất nước.

Bên ngoài, tình hình thế giới giai đoạn này cũng nhiều biến động, đặc biệt vào những năm đầu của thế kỷ 20, với cuộc cách mạng Nga (1917), cách mạng Trung Quốc với phong trào Ngũ Tứ (1919), những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, những trào lưu triết học mới… đã ít nhiều ảnh hưởng tới giới trí thức Việt Nam, ngay cả trong tầng lớp lãnh đạo các tôn giáo.

Bầu khí xã hội đó, cùng với sự nghèo đói, khốn cùng của người nông dân Tây Nam Bộ, làm dấy lên những phong trào yêu nước với đường lối, chủ trương khác nhau. Chính trong trào lưu chung đó đạo Cao Đài và sau này, trên nền tảng của Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo ra đời. (Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và Tôn giáo bản địa, 178-185)

Dĩ nhiên, sự hấp dẫn của các tôn giáo bản địa đối với người dân Nam Bộ, ngoài hoàn cảnh lịch sử, chính yếu là do các yếu tố chủ đạo sau đây (Ibid., 232 – 240):​
  1. Sự thánh thiêng của tôn giáo: được thể hiện qua khả năng chữa bệnh, bùa chú của các vị sáng lập như đức Phật Thầy Tây An hay sự biến chuyển lạ lùng từ một con người yếu đuối, ít học trở nên người thông tinh Phật pháp nơi đức Huỳnh Phú Sổ; đặc biệt là sự “linh diệu” người tín đồ có thể cảm nhận được qua cơ bút, kể cả tà cơ, mỗi khi thiết đàn trong Cao Đài giáo.​
  2. Những lời tiên tri: sự hấp dẫn của các tôn giáo bản địa còn ở những lời tiên báo về một thời cực lạc sẽ đến. Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo, đã đưa ra hai chủ đề tiên tri khá hấp dẫn, đó là: “Hội Long Hoa và vị thế của Việt Nam trong tương lai.” Ở đạo Cao Đài, tình hình cũng diễn ra tương tự. Người Cao Đài quan niệm, Hội Long Hoa là ngày phán xét, ai mưu tà, chước quỷ phải chịu đọa đầy. Ở đây, việc tiên tri về Hội Long Hoa góp phần giải đáp nỗi băn khoăn sâu sắc của con người về cái chết, thỏa mãn nhu cầu giải thoát của người nông dân Nam Bộ dù họ là Cao Đài hay Hòa Hảo. Về điều này, nhiều học gỉả cho rằng, các tôn giáo bản địa tại Tây Nam Bộ hấp dẫn người dân vì đó là các tôn giáo đi tìm sự giải thoát và đánh vào lòng tự tôn dân tộc, một dân tộc đang bị nô lệ, nhưng được tiên báo Việt Nam sau này sẽ là trung tâm của thế giới cả về đạo lẫn đời.​
  3. Cổ võ lòng yêu nước: đây là một trong những nội dung quan trọng nhất tạo sự hấp dẫn của các tôn giáo bản địa với người dân Tây Nam Bộ và được trình bày nhiều lần trong các giáo lý của các tôn giáo. Lý do là vì, khi cổ võ lòng yêu nước, các tôn giáo đã đánh trúng vào tâm lý đã trở thành bản sắc văn hóa của người Việt; đặc biệt khi dân tộc bị thôn tính quá lâu, bất cứ tổ chức hay cá nhân nào kêu gọi lòng yêu nước đều sẽ thu phục được lòng người. Vào thời Pháp thuộc, cả hai tôn giáo Hòa Hảo và Cao Đài đều có quân đội riêng. Họ không chỉ chống Pháp mà sau này còn chống cộng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.​
  4. Đề cao gia đình và sống tình huynh đệ là đặc nét của các tôn giáo bản địa Nam Bộ. Đối với các tôn giáo xuất phát từ Bửu Sơn Kỳ Hương, như Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay Phật Giáo Hòa Hảo, ngoài ân với đất nước, thì ân với tổ tiên – cha mẹ luôn được đề cao. Nói cách khác, “chính việc học Phật tu nhân, là để làm trọn tứ ân, là triết lý, đạo lý căn bản tạo nên sức sống bền bỉ của các tôn giáo này.” (Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và Tôn giáo bản địa, 63)​
phailamgi_Từ các tôn giáo bản địa nghĩ về sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam hôm nay_1.jpg
Ảnh: tgpsaigon.net

Nhìn về sứ vụ truyền giáo hôm nay

Có thể nói, các tôn giáo bản địa nhanh chóng hấp dẫn người dân Nam Bộ, tồn tại và tiếp tục phát triển, là do các tôn giáo này, ngoài yếu tố linh thiêng cần có, và được coi là nền tảng của tôn giáo, thì sức hấp dẫn của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo và cả Cao Đài, còn phụ thuộc vào việc họ đã biết “khơi dậy tâm thức của đông đảo dân nghèo vùng thôn quê, tập hợp và hướng sức mạnh của người nông dân vào mục tiêu độc lập," (Ibid., 135) vào một Hội Hoa Long hạnh phúc cuối cùng, vào tình yêu và lòng biết ơn gia đình, tổ tiên, dòng họ. Chính xu hướng nhập thế gắn liền đạo với đời, coi trọng truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc cụ thể qua việc thờ cúng tổ tiên, cổ võ lòng yêu nước, vun đắp tình huynh đệ, đã tạo nên sức hấp dẫn và sự phát triển bền bỉ của các tôn giáo này.

Thiết nghĩ, Giáo hội Công giáo Việt Nam khi thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng, cần để ý tới các khía cạnh rất đặc thù này của các tôn giáo bản địa.

Trong thực tế lịch sử, suốt gần 500 năm truyền giáo tại Việt Nam, và cho tới tận ngày nay, các thể chế chính trị tại Việt Nam, dù là phong kiến hay cộng sản, khi muốn ngăn cản đạo Công giáo phát triển, thì đều tuyên truyền cho rằng đạo Công giáo bỏ ông bà và là tôn giáo phản bội lại tổ quốc. Hai yếu tố này, như đã thấy, chính là thế mạnh làm cho các tôn giáo bản địa được tiếp nhận nhanh chóng và phát triển bền bỉ cho tới ngày nay.

Vì thế, trong chương trình mục vụ của các xứ đạo, cần thiết phải tìm mọi phương thế để giúp anh chị em lương dân hiểu về đạo hiếu theo tinh thần Kitô giáo không xa với truyền thống dân tộc, nhất là làm sao để giúp cho mọi người dân Việt thấy được tinh thần yêu nước cũng là một đòi hỏi căn bản của đức tin Công giáo và người Công giáo xưa nay luôn là một tổ chức tôn giáo gắn mình với đất nước và dân tộc.​
 

Người trẻ nói gì về Loan báo Tin Mừng | Phải làm gì?

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên